16/01/2024 12:46 | gocnhinonline

GNO- TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) cho rằng các chính sách tín dụng áp dụng cho khu công nghiệp hiện nay chủ yếu mới chỉ bao gồm chính sách thuế, chính sách đất đai, chính sách ưu đãi đầu tư và các chính sách hỗ trợ khác của địa phương, còn vai trò của chính sách tín dụng tương đối mờ nhạt.

Khu công nghiệp: Trọng điểm hút dự án FDI

Phát biểu tại hội thảo với chủ đề “Thực trạng các khu công nghiệp hiện nay và các giải pháp tài chính” sáng nay (16/1), TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch VFCA cho hay, trải qua hơn 37 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Từ một nền kinh tế lạc hậu, bao cấp, Việt Nam đã chuyển mình sang nền kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa, vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới. Đóng góp vào thành tựu chung đó, không thể không kể đến vai trò quan trọng của các khu công nghiệp.

Chủ tịch VFCA: ‘Chính sách tín dụng cho khu công nghiệp còn mờ nhạt’

Hiện nay, trên cả nước đã có 414 khu công nghiệp được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích gần 127.000ha; hơn 1.000 cụm công nghiệp với tổng diện hơn 31.000ha. Các khu công nghiệp đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2022, các khu công nghiệp trong cả nước đã thu hút được hơn 11.200 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt hơn 231 tỷ USD và 10.400 dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký đạt 2,54 triệu tỷ đồng.

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có đóng góp rất lớn (khoảng 50%) tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách. Sự phát triển của các khu công nghiệp thúc đẩy chuyển giao công nghệ hiện đại, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết số lượng việc làm lớn và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, theo TS Lê Minh Nghĩa, các khu công nghiệp Việt Nam nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, có thể kể đến như nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp còn rất hạn chế, dẫn đến việc hạ tầng chưa hoàn thiện, quá trình xây dựng chậm trễ kéo dài nên khó thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó còn tồn tại sự chồng chéo về quy định ưu đãi đầu tư theo địa bàn, dẫn đến một số khu công nghiệp không được hưởng các chính sách ưu đãi; chưa có chính sách tài chính ưu đãi cho các doanh nghiệp, dự án đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp; chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng chưa thật sự thu hút…

Chính sách tín dụng cho khu công nghiệp còn mờ nhạt

TS Lê Minh Nghĩa nhấn mạnh các chính sách tài chính áp dụng cho khu công nghiệp hiện nay chủ yếu mới chỉ bao gồm chính sách thuế, chính sách đất đai, chính sách ưu đãi đầu tư và các chính sách hỗ trợ khác của địa phương, còn vai trò của chính sách tín dụng còn tương đối mờ nhạt.

Bên cạnh đó, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế đã bổ sung rất rõ các quy định đối với loại hình khu công nghiệp sinh thái. Tại báo cáo tổng kết 30 năm phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có 40 – 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8% – 10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới. Chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để góp phần đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COP26.

Tuy nhiên, trong thực tế, tính đến tháng 12/2022, dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng mới chỉ đạt 500.000 tỷ đồng và hầu như chưa có chính sách tín dụng nhằm thúc đẩy tiếp cận vốn cho các khu công nghiệp sinh thái. Nếu không có nguồn vốn đầu tư kịp thời thì rất khó để mô hình khu công nghiệp sinh thái phát triển được trong thực tế và điều này có thể khiến cho Việt Nam bỏ lỡ làn sóng đầu tư xanh ngày càng trở thành xu hướng trọng tâm của các nhà đầu tư quốc tế.

“Ngoài tài chính cho phát triển hạ tầng và đầu tư sản xuất kinh doanh, thì việc cung cấp các sản phẩm tài chính phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho công nhân trong các khu công nghiệp cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, có thể thấy đây vẫn là mảng thị trường hầu như bị bỏ ngỏ”, Chủ tịch VFCA nói.

Hầu hết các ngân hàng vẫn chú trọng đến nhóm khách hàng có thu nhập trung bình trở lên mà chưa thực sự quan tâm đến nhóm khách hàng là công nhân. Với số lượng công nhân lớn, đời sống còn gặp nhiều khó khăn thì rất cần có các chính sách như hỗ trợ công nhân tiếp cận vốn mua nhà ở xã hội, thúc đẩy cung cấp tín dụng tiêu dùng cho công nhân một cách phù hợp… góp phần giúp họ cải thiện an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống.

Thực tiễn qua hơn 30 năm đã chứng minh vai trò quan trọng của các khu công nghiệp đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế nước ta. Song cũng còn rất nhiều khó khăn, hạn chế về tài chính cần phải được tháo gỡ, để các khu công nghiệp tiếp tục phát triển tương xứng với tiềm năng to lớn của mô hình này.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch VFCA nhìn nhận sự ra đời của Liên chi hội tài chính khu công nghiệp Việt Nam – đơn vị thuộc Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) là rất cần thiết, nhằm kết nối các tổ chức, cá nhân trên cả nước, hướng tới bảo vệ lợi ích hợp pháp và hỗ trợ các doanh nghiệp khu công nghiệp triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh hiệu quả; định hướng huy động vốn đầu tư, kinh doanh trong khu công nghiệp một cách chuyên nghiệp, phù hợp với quy định pháp luật.

Đồng thời đây cũng là đầu mối tin cậy của các nhà đầu tư, các đối tác, kết nối cung cầu về đầu tư, tài chính cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong khu công nghiệp; đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp khu công nghiệp để phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên đến các cơ quan quản lý có thẩm quyền, tham mưu cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế, chính sách liên quan; tham mưu cho Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cũng như các hoạt động khác liên quan đến tài chính khu công nghiệp.

Với sứ mệnh quan trọng đó, TS Lê Minh Nghĩa tin rằng Liên chi hội sẽ có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của tài chính khu công nghiệp nói riêng và hệ thống tài chính Việt Nam nói chung. “Tôi cũng mong muốn các cá nhân và tổ chức, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính ngân hàng, tích cực tham gia và trở thành thành viên của Liên chi hội”, ông nói.

theo Lệ Chi (vietnamfinace)

Bài viết cùng chuyên mục