GNO- Trong bối cảnh giá nhà tại các khu vực trung tâm quá cao, mua nhà vùng ven đang là lựa chọn của không ít người. Tuy nhiên, có một thực tế là chênh lệch giá nhà ở vùng ven và trung tâm đang dần thu hẹp, với tốc độ gia tăng chóng mặt.
Sau nhiều năm làm việc tại Hà Nội, có trong tay gần 1 tỷ đồng, gia đình anh Phạm Đông (Bắc Giang) đang rất khát khao có một căn chung cư, song theo anh, giờ giá chung cư quá cao, tài chính dưới 2 tỷ rất khó tìm nhà ở nội đô, vì các dự án mới thường có mức từ 40-50 triệu đồng/m2 trở lên.
Dạt vùng ven cũng khó kiếm nhà giá 2 tỷ đồng
Không thể với tới nhà nội đô, anh Đông đã liên tục tìm các dự án tại vùng ven. Tuy nhiên, để mua một căn hộ khoảng 70m2 tại các huyện vùng ven, anh cũng cần ít nhất 2,3 – 2,8 tỷ đồng. Ngay cả khi các chính sách chiết khấu rất cao được chủ đầu tư áp dụng, mức giá cuối vẫn rất… “khó chịu”.
“Theo tính toán, với một căn hộ 70m2 cách trung tâm 20-25 km, giá ban đầu khoảng 3 tỷ đồng. Sau khi hưởng chiết khấu, giá sẽ còn khoảng 2 – 2,2 tỷ đồng. Với số vốn 1 tỷ đồng, nếu như làm ăn tốt như trước thì cơ hội là có, nhưng nay kinh tế khó khăn thì thật sự là bài toán nan giải”, anh Đông chia sẻ.
Không chỉ là bài toán kinh tế cá nhân, khó khăn với người mua nhà hiện tại là giá nhà tăng quá nhanh. Không chỉ ở khu vực trung tâm, phân khúc căn hộ giá 2 tỷ đồng cũng đang dần biến mất khỏi các quận, huyện ngoại thành.
Nhiều tháng qua, vợ chồng chị Phương ở quận Hà Đông tìm mua căn hộ tại các dự án chung cư mở bán mới, nhưng dù chấp nhận mua nhà xa trung tâm Hà Nội gia đình chị vẫn chưa thể tìm được căn hộ hai phòng ngủ ưng ý với tầm tiền 2 tỷ đồng.
Theo chị Phương, căn hộ nhỏ giờ rất ít và giá không ngừng tăng. Cách đây vài tháng, khi lãi suất vay cao thì giá căn hộ nhiều khu vực vùng ven Hà Nội chỉ 1,5 – 1,7 tỷ đồng/căn một phòng ngủ còn giờ đây khi lãi suất giảm thì giá căn hộ nhảy vọt lên 1,8 – 2,1 tỷ đồng/căn một phòng ngủ. Cùng mức giá này, cách đây gần 1 năm, khách có thể mua được căn 2 phòng ngủ ở vùng ven.
“Cách đây 3 tháng, tôi cùng môi giới đến tham quan căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích 60m2, ở chung cư Intracom Riverside (Đông Anh) có giá chỉ hơn 1,9 tỷ đồng. Vì chưa ưng ý lắm nên tôi quyết định suy nghĩ thêm. Bẵng đi mấy tháng, giờ giá căn này đã tăng lên 2,4 tỷ đồng”, chị Phương kể.
Có cách nào giải cơn khát nhà?
Có thể thấy, cùng với sự hoàn thiện của hạ tầng giao thông và sự xuất hiện của các dự án lớn, nhiều khu vực xa trung tâm ngày càng nhiều các căn hộ có giá trên dưới 40 triệu đồng mỗi m2.
Đơn cử như tại quận Long Biên, dự án chung cư Le Grand Jardin Sài Đồng mở bán với mức giá từ 3,2 – 4,5 tỷ đồng/căn hộ 2 đến 3 phòng ngủ. Giá mỗi m2 trung bình khoảng 50 triệu đồng.
Cũng tại khu vực này, CapitaLand mới đây đã công bố dự án Lumi Hanoi với tổng diện tích gần 5,6ha, dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 căn hộ cao cấp, giá bán dự kiến từ 66 triệu đồng/m2, cao ngang ngửa các căn hộ trung cấp ở các quận trung tâm Hà Nội.
Rõ ràng, việc khan hiếm nguồn cung khiến giá nhà liên tục tăng. Nhiều chuyên gia dự báo giá căn hộ sẽ còn tiếp tục đội lên trong năm 2024, bởi các căn hộ giá rẻ, bình dân thiếu hụt trầm trọng, cộng với việc tăng chi phí đầu vào từ vật liệu, nhân công, giá đất… đã tác động cộng dồn vào giá chung cư.
Từ những diễn biến thực tế cho thấy, chắc chắn không thể trông chờ vào các đợt giảm giá để giải “cơn khát” nhà ở cho người dân. Bất chấp khó khăn của thị trường, giá nhà sẽ vẫn nằm trong xu hướng tăng, chỉ là nhanh hay chậm hơn so với thời đỉnh của sóng tăng.
Thay vào đó, để giải cơn khát nhà ở cho đa số người dân, theo chuyên gia, cần sự quyết liệt từ Chính phủ với những chính sách thông thoáng hơn nhằm “cởi trói” cho doanh nghiệp làm nhà giá rẻ. Nếu được “cởi trói” các vấn đề được coi là cốt lõi như vốn, quỹ đất, thủ tục…, các dự án nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực sẽ tăng hấp lực với các doanh nghiệp lớn, qua đó tăng nguồn cung.
Vì vậy, các chuyên gia của VARS đưa ra khuyến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra định nghĩa chính thức về nhà ở vừa túi tiền. Nghiên cứu các cơ chế, chính sách ưu đãi dành riêng cho nhà ở vừa túi tiền với mục tiêu chính là khuyến khích chủ đầu tư tham gia phát triển nguồn cung phân khúc này, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các hộ gia đình có thu nhập trung bình hoặc cận trung bình.
Đồng thời nên có các chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng để tăng sức mua hay tăng mức thuế đối với căn nhà thứ hai, thứ ba để giảm động lực đầu cơ, và tiền thuế có thể được quay vòng về hỗ trợ các đối tượng có nhu cầu thực sự…
Trong báo cáo tổng kết vừa công bố, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho hay nguồn cung căn hộ trong năm 2024 tăng mạnh, đặc biệt là nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Đặc biệt, theo chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương trên cả nước đã đăng ký hoàn thành 108 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 47.500 căn hộ trong năm 2024.
Những con số trên rõ ràng là thông tin tích cực trong bối cảnh người mua nhà đang như “ngồi trên đống lửa” vì giá nhà từ trung tâm đến giá nhà ở vùng ven đều tăng phi mã.
Tuy nhiên, để giải cơn khát nhà cho người dân, theo chuyên gia, vẫn cần nhanh chóng “cởi trói” những quy định về thủ tục đầu tư, quỹ đất, lãi suất… nhằm thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia. Đặc biệt là để nhà giá rẻ… thực sự rẻ.
theo Hưng Nguyên (vnbusiness.vn)