GNO- Những quảng cáo Kem trị mụn cấp tốc tràn lan trên mạng xã hội đã đánh trúng vào tâm lý làm đẹp đón Tết của nhiều người. Tuy nhiên trong đó không ít sản phẩm không đảm bảo chất lượng dẫn tới biến chứng cho người sử dụng.
Theo ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, mới đây đã tiếp nhận thăm khám cho một bệnh nhân nam gặp biến chứng sau khi sử dụng một loại kem trị mụn được quảng cáo trên mạng.
Thông tin ban đầu, bệnh nhân tên Tùng (tên nhân vật đã được thay đổi), 16 tuổi (Hải Dương) mặt mọc nhiều mụn trứng cá từ khi dậy thì. Do đó cách Tết 2 tháng đã tìm hiểu và mua một loại kem trị mụn được quảng cáo “có nguồn gốc từ thiên nhiên” và có thể “trị mụn, làm trắng da cấp tốc” kèm theo mức chiết khấu đến 50% nhân dịp Tết, về dùng.
Trong 2 tuần đầu tiên sử dụng sản phẩm, đúng như quảng cáo, mụn trứng cá của Tùng giảm nhiều, da mềm mịn và sáng hơn. Tuy nhiên sang tuần thứ ba, mụn bất ngờ xuất hiện trở lại. Càng bôi tiếp, mụn lại càng nhiều thậm chí còn nghiêm trọng hơn trước khi dùng kem. Sau gần một tháng sử dụng sản phẩm kem trị mụn, Tùng phải tìm đến bác sĩ vì gương mặt như “trận địa” với chi chít mụn mủ, mụn bọc, da mẩn đỏ, ngứa nhiều.
Theo ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, bệnh nhân được xác định bị biến chứng do dùng kem trị mụn không rõ nguồn gốc có chứa corticoid. “Tại thời điểm nhập viện, da mặt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn với chi chít mụn mủ. Bệnh nhân cũng được chẩn đoán: trứng cá do thuốc, da bị nghiện corticoid bôi. Trong quá trình thăm khám, chúng tôi cũng gặp khá nhiều những trường hợp bị tổn thương, biến chứng: mỏng da, giãn mạch, sạm da do bôi kem trộn, kem gây độc tế bào để điều trị nám, mụn, trắng cấp tốc”.
Trước đó một nữ sinh viên 20 tuổi tại Hà Nội, học theo video trên TikTok, bôi kem đánh răng trị mụn. Nhưng chỉ sau một đêm, da mặt nữ sinh này xuất hiện nhiều mụn viêm, mụn mủ trên nền da đỏ rát, ngứa ngáy. BS Thành chẩn đoán mụn trứng cá kèm theo viêm da tiếp xúc kích ứng nặng. Với tình trạng này, việc điều trị sẽ phức tạp hơn mụn trứng cá thông thường ban đầu.
Cùng mong muốn làm đẹp nhanh để đón Tết, chị Thủy (tên nhân vật đã được thay đổi), 45 tuổi, sống tại Hưng Yên, cũng trải qua các biến chứng khi sử dụng kem trị nám cấp tốc mua trên sàn thương mại điện tử. Sau 2 tuần, da chị trở nên căng đỏ, đau rát, và tróc vảy, là dấu hiệu của tổn thương nặng nề.
ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, cho biết thời điểm đến thăm khám, tình trạng làn da của bệnh nhân vô cùng nặng nề, với nhiều tổn thương trên da như: Viêm da tiếp xúc dị ứng; tăng sắc tố sau viêm; da mỏng và giãn mao mạch; nền da vô cùng yếu, nhạy cảm.
Theo bác sĩ, các sản phẩm mua trôi nổi thường không có nguồn gốc, xuất xứ. Những sản phẩm này giải quyết vấn đề nhanh chóng nhưng gây hại lâu dài cho da, thường chứa những thành phần như corticoid, hydroquinone, thủy ngân, acid salicylic… là hoạt chất chống viêm, làm giảm sắc tố. Khi sử dụng lâu dần, các chất này có thể khiến da lão hóa sớm, xuất hiện những mao mạch li ti, yếu, dễ thâm sạm hơn, tăng độ nhạy cảm, dễ dị ứng, thậm chí gây ung thư da. Thông thường, làn da bị tổn thương có thể điều trị để hồi phục từ từ, tùy thuộc vào mức độ tổn thương ban đầu và sự tuân thủ điều trị của người bệnh. Tuy nhiên, thời gian điều trị thường kéo dài và nhiều trường hợp không thể hồi phục như ban đầu.
Trước tình trạng nhiều bệnh nhân gặp biến chứng sau khi sử dụng các sản phẩm làm đẹp trên mạng, BS Tiến Thành khuyến cáo, khi tiếp thu các thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là các thông tin y khoa, người dân cần có sự chọn lọc thật kỹ càng. Trước khi trùng tu nhan sắc, nên có sự chuẩn bị, tham khảo ý kiến chuyên gia, lựa chọn cơ sở làm đẹp uy tín để đảm bảo an toàn. Đồng thời, không chạy theo xu hướng, nên lựa chọn dịch vụ làm đẹp hợp lý để tránh “tiền mất, tật mang”.
theo Duy Trinh (vietq)