01/03/2023 07:16 | gocnhinonline

GNO- Nhiều dự án (DA) đất đã hết tiến độ đầu tư nhiều năm, vi phạm không đưa đất vào sử dụng, dự án chậm tiến độ sử dụng nhưng UBND tỉnh Bình Thuận, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh vẫn cho điều chỉnh, gia hạn tiến độ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư DA mới.

150 DA không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ

Đoàn kiểm tra của Tổng cục Quản lý đất đai (QLĐĐ), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa kết thúc đợt kiểm tra đối với các DA đầu tư không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất; các DA có sử dụng đất được gia hạn tiến độ đầu tư hoặc chấm dứt DA đầu tư (sau đây gọi chung là DA chậm) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Quá trình rà soát, thống kê các DA, Đoàn kiểm tra phát hiện, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, tổng số DA được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất giai đoạn từ Luật Đất đai 2003 đến nay (với mục đích thương mại du lịch) là 247 DA với diện tích 2.237,87 ha, trong đó số DA đã hoàn thành đưa vào sử dụng là 101 DA với diện tích 911,06 ha, chiếm tỷ lệ 40,9 % số DA và 40,7 % diện tích đất.

Số DA không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất (theo điểm i khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai 2013) là 150 DA với tổng diện tích: 1.326,81 ha, chiếm tỷ lệ 59,9 % số DA và 59,3 % diện tích đất.

Số DA được điều chỉnh, gia hạn tiến độ thực hiện đầu tư là 132 DA với tổng diện tích 3.560 ha; Số DA bị chấm dứt hoạt động là 173 DA với tổng diện tích 6.559 ha. Tổng số DA đã được thanh ra, kiểm tra có 83 DA với diện tích khoảng 1.198,055 ha.

Số DA có quyết định cho gia hạn sử dụng đất gồm có 79 DA với diện tích khoảng 1.033,235 ha. Nhiều nhất là huyện Hàm Thuận Nam: 32 DA, thị xã La Gi: 22 DA; TP Phan Thiết: 4 DA và huyện Tuy Phong: 2 DA. Trong số này, số DA đã hết thời hạn cho gia hạn (24 tháng) là 28 DA.

Số DA đã cho gia hạn nhưng chưa hết thời hạn (24 tháng) là 51 DA. Số DA đã có quyết định thu hồi đất: 4 DA với diện tích 164,82 ha. Tổng số DA chưa được thanh tra, kiểm tra có tới 67 DA với diện tích 293,575 ha.

Đánh giá về các DA chậm tiến độ nhưng không kịp thời được báo cáo, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLĐĐ chỉ ra nguyên nhân bắt nguồn từ việc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận không thực hiện việc gửi danh sách các DA chậm đến cổng thông tin điện tử của tỉnh, của Sở TN&MT để thực hiện việc đăng công khai sanh sách các DA chậm.

Đối với Tổng cục QLĐĐ, theo quy định các địa phương cũng phải gửi danh sách các DA chậm để đăng công khai tại Bộ TN&MT, Tổng cục QLĐĐ. Tuy nhiên, thời điểm ngày 9/2/2015, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 4113/STNMT-CCQLĐĐ gửi Tổng cục QLĐĐ, báo cáo danh mục 12 DA vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh. Nhưng từ năm 2016 đến thời điểm hiện nay, Sở TN&MT tỉnh không gửi danh sách các DA vi phạm để công bố công khai trên trang điện tử của tỉnh, của Bộ TN&MT, Sở TN&MT.

DA Khu du lịch Hòn Lan tại Bình Thuận chủ đầu tư không đến làm việc mặc dù đã được Đoàn kiểm tra, Sở TN&MT cùng địa phương thông báo

Dự án hết tiến độ trên 15 năm, không đưa đất vào sử dụng vẫn được UBND tỉnh gia hạn

Quá trình kiểm tra một số DA chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn tỉnh, Đoàn kiểm tra của Tổng cục QLĐĐ đã lựa chọn kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đối với 47 DA trên địa bàn 05 đơn vị cấp huyện, bao gồm: TP Phan Thiết, Thị xã La Gi, Huyện Hàm Thuận Nam, Huyện Bắc Bình và Huyện Tuy Phong. Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra chỉ kiểm tra được 43/47 DA. 4 DA còn lại mặc dù Đoàn kiểm tra và cơ quan chức năng của địa phương có mời chủ đầu tư đến làm việc nhưng chủ đầu tư DA không đến, không có lý do chính đáng. Trong số này phải kể đến các DA như: Khu du lịch Hòn Lan; Khu du dịch Hải Yến; Khu nghỉ dưỡng Rừng Dương; Khu nhà hàng – dịch vụ kết hợp nghỉ dưỡng Phương Trang.

Đoàn kiểm tra cùng với Sở TN&MT và đại diện UBND cấp huyện, cấp xã đã tiến hành lập Biên bản hiện trạng sử dụng đất các DA nói trên.

Từ kết quả kiểm tra 43 DA cho thấy sự thực, có tới 21/47 DA với diện tích 139,32 ha vi phạm chậm tiến độ sử dụng đất; không đưa đất vào sử dụng, trong đó có nhiều dự án vi phạm trên 10 năm.

19/47 DA với diện tích 285,06 ha chưa thực hiện đúng tiến độ đầu tư theo DA đã được phê duyệt (phải điều chỉnh tiến độ của DA đầu tư).

Nhiều DA đã chuyển nhượng theo hình thức chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong pháp nhân của chủ đầu tư, thay đổi chủ đầu tư (như DA Khu du lịch Thu Hằng, DA Khu du lịch Hòn Lan, DA Khu du lịch sinh thái Delverton…).

Kiểm tra việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính, Đoàn kiểm tra phát hiện, 5 DA chưa thực hiện nộp tiền thuê đất với số tiền nợ 242.561.733 đồng. 22 DA chưa thực hiện nộp tiền gia hạn tiến độ sử dụng đất với số tiền nợ là 14.685.282.004 đồng.

Đa số chủ đầu tư DA chưa tích cực, chủ động liên hệ, hợp tác với cơ quan có thẩm quyền để thúc đẩy, thực hiện DA, đều chưa nghiêm túc, chưa quyết tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện DA, dẫn đến đa số các DA đều chậm đưa đất vào sử dụng.

Dự án Khu du lịch Ngọc Khánh tỉnh Bình Thuận là một trong số những dự án chậm tiến độ bị GDLA bêu tên

Đoàn kiểm tra cũng phát hiện DA Khu nhà hàng – Dịch vụ kết hợp nghỉ dưỡng Phương Trang (phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết) chủ đầu tư là Công ty TNHH Du lịch và Vận tải Phương Trang sử dụng một phần diện tích đất sai mục đích.

Về trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Thuận và các đơn vị liên quan, trong Thông báo Kết luận kiểm tra, lãnh đạo Tổng cục QLĐĐ nêu rõ: “Việc cho gia hạn tiến độ đầu tư, điều chỉnh DA đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư còn dễ dãi, chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định: Nhiều DA có sử dụng đất đã hết tiến độ đầu tư nhiều năm (có DA trên 15 năm), vi phạm không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất nhưng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh vẫn cho điều chỉnh, gia hạn tiến độ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư DA mới. (DA Khu du lịch Minh Sơn; Khu du lịch Thành Hưng; Khu du lịch Ngọc Khánh; Khu du lịch E DEN; Khu du lịch Thu Hằng…).

Chậm tiến hành kiểm tra rà soát, xử lý các DA không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 15 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP: Các DA cơ bản được giao, cho thuê đất từ năm 2004, năm 2005 đến năm 2010 và đều bị chậm, nhưng đến mãi sau năm 2018 mới tiến hành rà soát, xử lý; có một số DA chậm rà soát, xử lý sau năm 2019.

Chưa thực hiện việc công bố công khai (đăng thông tin) đối với vi phạm của các DA chậm trên phương tiện thông tin của tỉnh và cung cấp thông tin để công bố công khai trên trang điện tử của Bộ TN&MT (khoản 3 Điều 15 của Nghị định số 43/2014/NĐ- CP)”.

theo Gia Bảo/congluan.vn

Bài viết cùng chuyên mục