04/07/2023 10:18 | gocnhinonline

GNO- Với vốn chủ sở hữu chỉ còn 1/3 so với năm trước, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại Xây dựng Hoà Bình lên tới 11,8 lần. Con số này cao hơn nhiều so với những doanh nghiệp lớn khác trong ngành xây dựng.

Sau 3 tháng với 3 lần hoãn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã chứng khoán HBC) cuối cùng đã hé lộ toàn cảnh bức tranh kinh doanh nhiều mảng xám. Cụ thể, kết thúc năm tài chính 2022, nợ phải trả của doanh nghiệp đạt 14.375 tỉ đồng, tăng gần 15% so với năm trước.

Nhiều ngân hàng đã chấp thuận gia hạn nợ đến hạn cho Xây dựng Hoà Bình trong bối cảnh doanh nghiệp thua lỗ. Ảnh: HBC

Với vốn chủ sở hữu hao hụt chỉ còn 1/3, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại HBC lên tới 11,8 lần. Con số này cao hơn nhiều so với hai doanh nghiệp lớn khác trong ngành xây dựng là Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (2,2 lần) và CTCP Xây dựng COTECCONS (1,3 lần).

Trong cơ cấu nợ phải trả, nợ vay tài chính chiếm 42% với hơn 6.130 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước. Trong đó bao gồm 5.104 tỉ đồng nợ vay ngắn hạn và 1.026 tỉ đồng nợ vay dài hạn. Hiện tại, HBC đã thanh toán 2.047 tỉ đồng nợ gốc và 169 tỉ đồng lãi vay.

Doanh nghiệp tăng vay kéo theo chi phí lãi vay phải trả trong năm 2022 cũng tăng 79% so với cùng kỳ lên 519 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa mỗi ngày Xây dựng Hoà Bình đang phải trả hơn 1,4 tỉ đồng lãi vay, trong khi con số này trong năm 2021 là 0,8 tỉ đồng.

Nợ phải trả của Xây dựng Hoà Bình tăng cao, trong khi vốn chủ sở hữu suy giảm nghiêm trọng. Ảnh chụp báo cáo tài chính HBC

Chủ nợ lớn nhất của HBC hiện nay là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam với dư nợ lên tới hơn 2.245 tỉ đồng. Tiếp theo là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam với 1.269 tỉ đồng.

HBC cho biết đã làm việc với các ngân hàng cho vay chủ yếu bao gồm Vietinbank, BIDV, VPbank, Seabank và NCB về việc gia hạn thời gian thanh toán, điều chỉnh kỳ hạn trả lãi hoặc cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Một số khoản vay đã được đồng ý bằng văn bản, một số khoản còn đang đàm phán.

Ngoài con số cụ thể hơn 170 tỉ đồng được công bố đàm phán thành công, HBC cũng thông báo được 2 chủ nợ lớn nhất là BIDV và Vietinbank phê duyệt cơ cấu thời hạn trả nợ.

Khép lại năm 2022, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của HBC tăng trưởng 24% so với năm trước lên 14.148 tỉ đồng. Tuy nhiên do giá vốn hàng bán âm hơn 13.678 tỉ đồng đã kéo lãi gộp giảm gần một nửa xuống 470 tỉ đồng.

Thêm áp lực từ chi phí lãi vay, lợi nhuận doanh nghiệp đã bị bào mòn nghiêm trọng. Hòa Bình lỗ sau thuế cả năm 2022 hơn 2.570 tỉ đồng, đánh dấu số lỗ lớn nhất của doanh nghiệp này kể từ khi niêm yết. Trước đó, theo báo cáo tài chính của công ty tự lập, khoản lỗ dừng lại ở mức 1.141 tỉ đồng.

Ngoài lỗ đậm và nợ vay quá hạn, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh năm 2022 cũng âm 883 tỉ đồng. Do đó đơn vị kiểm toán Ernst & Young đã đưa ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình.

theo Đức Mạnh/laodong.vn

Bài viết cùng chuyên mục