21/09/2023 12:23 | gocnhinonline

GNO- Dù ủng hộ chủ trương thực hiện dự án đường Vành đai 3 nhưng nhiều hộ dân bị thu hồi đất tại TP Thủ Đức để phục vụ dự án đã tiếp tục kiến nghị được xem xét lại những điểm chưa hợp lý trong việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Các hộ dân có đất bị thu hồi khẳng định luôn ủng hộ việc thực hiện dự án đường Vành đai 3 của TP. Hồ Chí Minh nói chung và đoạn đi qua TP Thủ Đức nói riêng. Bởi dự án hoàn thành sẽ góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư FDI và chất lượng đời sống của nhân dân, thay đổi bộ mặt của thành phố.

 

Khu đất ông Bùi Thanh Tuấn nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, giá bồi thường đất nông nghiệp 7,6 triệu đồng/m2. Ảnh: Quang Phương

 

Theo trình bày của các hộ dân chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với người dân có đất bị thu hồi tại dự án trên được triển khai thực hiện theo Quyết định số 314/CSBT-HĐBT ngày 26/4/2023 do Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư TP Thủ Đức lập.

Tuy nhiên, theo các hộ dân, chính sách này còn nhiều điểm chưa sát thực tế khiến cho giá bồi thường, hỗ trợ của nhiều hộ dân có đất hiện tại đang tiếp giáp với mặt tiền các tuyến đường lớn thấp.

Khu nhà xưởng được ông xây dựng từ hơn 10 năm trước và cho thuê. Tuy nhiên, thời gian qua phải đóng cửa vì thuộc diện thu hồi đất để triển khai dự án Vành đai 3

Ông Bùi Thanh Tuấn, một hộ dân có đất mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh (phường Trường Thạnh) trình bày: “Gia đình tôi có 841m2 đất thuộc thửa đất số 29 tờ bản đồ 36, bản đồ địa chính 2003, phường Trường Thạnh, thuộc diện bị thu hồi để dự án nói trên. Khu đất của tôi nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh và đã được xây dựng nhà xưởng cho thuê từ nhiều năm qua. Đó là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Tuy nhiên, theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nêu trên, giá đền bù đất nông nghiệp đối với khu đất tôi chỉ là 7,6 triệu đồng/m2, quá thấp so với giá giao dịch của thị trường. Hiện tại giá đất mặt tiền khu vực chúng tôi đang sinh sống có giá vài chục triệu đồng/m2. Với mức giá bồi thường như trên, gia đình chúng tôi chỉ nhận được khoảng 6,4 tỷ đồng. Trong khi mức giá thị trường nếu buôn bán khu đất trên lên đến nhiều chục tỷ đồng”.

Anh Phan Duy Đệ (cháu ông Tuấn) có 465m2 mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh cũng lên tiếng vì giá bồi thường đất nông nghiệp chỉ 7,6 triệu đồng/m2.

Phần đất của ông Lê Minh Thắng bị thu hồi bởi dự án đường Vành đai 3 cũng nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Xiển, đất trồng cây lâu năm giá đền bù chỉ 7,6 triệu đồng/m2

Tương tự, ông Lê Minh Thắng người có hơn 3.600m2 đất tại địa chỉ số 200 Nguyễn Xiển (phường Trường Thạnh) bị thu hồi để triển khai dự án đường Vành đai 3 cũng có ý kiến liên quan đến giá đền bù. Theo ông Thắng trong số hơn 3.600m2 đất trên, có 108m2 đất thổ cư, còn lại là đất trồng cây lâu năm.

“Giá đền bù đất thổ cư là hơn 69 triệu đồng/m2 nhưng đất trồng cây lâu năm chỉ 7,6 triệu đồng/m2 là quá thấp. Chúng tôi thấy sự chênh lệch quá lớn giữa đất thổ cư và đất nông nghiệp (chênh lệch hơn 60 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tiền thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp (CLN) lên đất thổ cư chỉ 2,7 triệu đồng/m2. Như vậy người dân có đất nông nghiệp bị thiệt thòi quá lớn, dù đất nông nghiệp đó nằm cùng tờ bản đồ, cùng thửa đất, sát ranh, cùng mặt tiền với những khu đất thổ cư”, ông Thắng trình bày.

Để đối chiếu giá đền bù đất nông nghiệp quá thấp, gia đình ông Thắng đã yêu cầu một đơn vị thực hiện thẩm định giá khu vực đất của ông. Theo đó, theo chứng thư thẩm định giá số 007A/BĐS.23PNVC ngày 4.5.2023 của Công ty Tư vấn và Thẩm định giá Phương Nam, số diện tích đất trồng cây lâu năm còn lại sau khi đã giải tỏa làm dự án đường Vành đai 3 của gia đình ông Thắng có giá hơn 33 triệu đồng/m2.

Bên trong khu đất của ông Thắng có 108m2 đất thổ cư và có công trình nhà xây dựng kiên cố

Không chỉ vậy, các hộ dân còn chỉ ra mức giá đền bù đất trên cùng tuyến đường Nguyễn Xiển nhưng ở TP Thủ Đức thấp hơn nhiều lần so với Bình Dương. Cụ thể theo Quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 22.5.2023 của UBND tỉnh Bình Dương, đất nông nghiệp trên tuyến đường này là hơn 16,7 triệu đồng/m2, đất thổ cư hơn 33,4 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, các hộ dân còn phản ánh, theo văn bản số 314/CSBT-HĐBT ngày 26.4.2023 của UBND TP Thủ Đức, việc áp dụng hệ số K đối với từng loại đất, từng khu vực đất là chưa hợp lý. Đất ở mặt tiền các đường lớn hiện hữu lại được áp dụng hệ số K thấp hơn đất nằm sâu bên trong, đất không tiếp giáp đường.

Liên quan đến vụ việc này, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP. Hồ Chí Minh có văn bản số 225/VP-PDN ngày 7.8.2023 gửi UBND TP. Thủ Đức. Theo đó, đơn vị này chuyển kiến nghị xem xét lại chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án trên của người dân đến UBND TP Thủ Đức để xem xét, chỉ đạo kiểm tra, giải quyết theo quy định.

Nhận phiếu chuyển trên, ngày 21.8.2023, Ban Tiếp Công dân TP Thủ Đức đã có văn bản số 2473/TCD-XLĐ gửi Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức để tham mưu giải quyết theo quy định.

theo Quang Phương/daibieunhandan.vn

Bài viết cùng chuyên mục