28/11/2022 16:05 | gocnhinonline
GNO- Nhận thấy lượng rác thải từ vỏ cam chưa qua xử lý còn khá lớn, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường đô thị, Trịnh Công Qui (Sinh viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành) cùng các cộng sự đã thực hiện dự án “Q GREEN – Nghiên cứu và ứng dụng vỏ trái cam trong sản xuất tinh dầu và phân bón”.

Theo Công Qui, ý tưởng về dự án đến khá tình cờ, trên quãng đường đi học từ nhà đến trường, bạn thường xuyên nhìn thấy vỏ cam từ các cửa hàng và quầy bán nước cam bỏ đi bốc mùi hôi gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó vỏ cam là nguồn nguyên liệu có thể tận dụng được. Qua quá trình tự tìm hiểu và nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, Qui cùng các bạn đã nghiên cứu và tạo ra các dòng sản phẩm như hiện tại.

Giữa xã hội hiện đại, ngày càng nhiều người có nhu cầu tìm đến các sản phẩm gần gũi với tự nhiên, thân thiện với môi trường. Tinh dầu, nước rửa tay, phân hữu cơ xanh… không nằm ngoài xu hướng đó. Song, trên thị trường, các sản phẩm chiết xuất nguyên chất từ nguyên liệu tự nhiên lại khá đắt tiền. Nắm bắt điều đó, nhóm dự án đã khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu dồi dào từ vỏ cam bỏ đi sau khi lấy nước để tối ưu lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm hiện có.

Tận dụng vỏ cam sau khi lấy nước, nhóm sinh viên trường Đại học Nguyễn Tát Thành đã làm ra các sản phẩm như tinh dầu, nước rửa tay và phân bón

“Mỗi ngày chỉ riêng khu vực Quận 4, nhóm đã thu gom gần 500kg vỏ cam, sau khi xử lý, từ một nguyên liệu vỏ cam sẽ tạo ra hai sản phẩm là tinh dầu và phân bón. Trong khi đó, các dòng sản phẩm tinh dầu cam hiện nay được sản xuất chủ yếu từ cam ngọt nguyên trái, dẫn đến chi phí sản xuất và giá thành cao, đồng thời thải ra môi trường nhiều chất thải hơn”, Công Qui chia sẻ.

Vỏ cam sau khi mang về được rửa sạch và đưa qua dây chuyền công nghệ xử lý để giảm bớt dư lượng thuốc trừ sâu. Mỗi sản phẩm như tinh dầu, nước rửa tay, phân bón sẽ có một quy trình riêng biệt.

“Chẳng hạn, chúng mình sử dụng công nghệ chưng cất hơi nước đối với sản phẩm tinh dầu, và dùng công nghệ sấy khô cho sản phẩm phân bón. Mỗi sản phẩm sẽ có từng bạn phụ trách riêng”, Công Qui cho biết thêm.

Với thành phần 90% là tinh dầu vỏ cam và 10% là nước, tinh dầu cam của nhóm có thể được coi là hoàn toàn nguyên chất, không gây tác hại xấu đến sức khỏe người sử dụng. Bên cạnh đó, dòng phân bón vỏ cam cũng đang được hoàn thiện, 100% thành phần phân bón là vỏ cam sấy khô sau khi chiết xuất và vỏ không đạt chất lượng để tạo ra các sản phẩm khác.

“Phân bón vỏ cam giúp tạo độ chua và cải tạo đất, có mùi hương dịu nhẹ, ngăn chặn được sâu bọ, không gây ảnh hưởng khi tiếp xúc, giá thành rẻ và không gây mùi khó chịu trong môi trường kín là những điều khác biệt sao với các sản phẩm tương tự trên thị trường”, Công Qui nói.

Công Qui cho biết nhóm hiện đang có kế hoạch thương mại hóa sản phẩm trong những tháng cuối năm 2022 và cho ra mắt các sản phẩm với quy mô vừa và nhỏ ở các sàn thương mại điện tử

Công Qui cho biết nhóm hiện đang có kế hoạch thương mại hóa sản phẩm trong những tháng cuối năm 2022 và cho ra mắt các sản phẩm với quy mô vừa và nhỏ ở các sàn thương mại điện tử. Đến đầu năm 2023, dự án sẽ đi vào giai đoạn 2 với việc cải tiến và cho ra mắt nhiều dòng sản phẩm hơn như xà bông, túi thơm,…

Trước mắt nhóm dự án đã liên kết với các đối tác gia công, sản xuất bao bì và phân phối đến các nhà thuốc hiện đại, các cửa hàng mỹ phẩm, các cửa hàng chuyên bán các sản phẩm Organic, các cửa hàng vật tư nông nghiệp, siêu thị,…

Nhờ nỗ lực nghiên cứu sáng tạo, bước đầu dự án đã được công nhận với một số kết quả tích cực như: Top 80 cuộc thi TECHFEST VIETNAM 2022, Top 88 toàn quốc cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp Đổi mới sáng tạo lần 8 năm 2022, Giải Quý quân cuộc thi Design Thinking Camp 2022, Giải khuyến khích Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2022 do Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức.

theo Bình Tú/SHTT

Bài viết cùng chuyên mục