05/10/2023 02:02 | gocnhinonline

GNO- Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia, Trung Quốc. Tuy vậy, do sản phẩm Việt Nam chủ yếu xuất thô nên thường gắn nhãn mác của nước ngoài, giá trị thu về thấp, thậm chí có tình trạng xuất khẩu tận vườn như câu chuyện thương nhân Ấn Độ tìm đến Yên Bái để thu mua.

Bộ Công Thương cho biết, trên bản đồ dược liệu thế giới, Việt Nam được đánh giá có nguồn dược liệu đa dạng, tỷ lệ dược liệu tự nhiên quý hiếm vẫn còn khá phong phú. Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế.

Chủ yếu bán thô, giá trị thu về thấp 

Riêng đối với cây quế, hiện diện tích trồng tại Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Đặc biệt, cây hồi là loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, phần lớn là Việt Nam và Trung Quốc.

Sản phẩm quế, hồi Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu ở thị trường thế giới

Về thị trường, hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực như Nam Á (Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan – Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cùng nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm quế, hồi Việt Nam có thêm động lực, thời cơ phát triển.

Giá trị xuất khẩu quế, hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm, đến năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới. Một trong những lý do dược liệu Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ trên tổng doanh thu thị trường dược liệu toàn cầu là phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Thêm vào đó, những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe… vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, theo kiểu mạnh ai nấy làm.

Tại Hội nghị “Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu” vừa diễn ra, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, quốc gia này có nhu cầu lớn với sản phẩm quế của Việt Nam, thậm chí họ còn chế biến sâu sau đó xuất khẩu sang Mỹ.

Hiện nay, quế của Việt Nam đang chiếm khoảng 80% thị phần nhập khẩu, mặc dù thống lĩnh thị trường Ấn Độ nhưng không kiểm soát được chủ yếu do xuất thô, thậm chí xuất ngay tại vườn.

“Tôi không biết bằng cách này hay cách khác, thương nhân Ấn Độ đến tận Yên Bái thuê người địa phương đi thu mua, và xuất khẩu lớn quế thô sang thị trường này. Thực tế, không có thương hiệu quế Việt Nam nào hiện diện ở Ấn Độ mà chủ yếu mang nhãn mác của người Ấn Độ”, ông Thướng nói.

Chưa kể, xuất khẩu quế sang thị trường Ấn Độ cũng vướng phải nhiều tranh chấp. Đơn cử vừa có một doanh nghiệp ký được 3 container quế, hồi, thảo quả xuất khẩu sang Ấn Độ nhưng khi cập cảng không được thông quan vì đối tác cho rằng sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Sau đó vì yếu tố này, họ ép giảm giá 50% tổng giá trị đơn hàng thì mới thanh toán.

Cần làm thương hiệu

Theo đó, ông Thướng nhấn mạnh: “Chúng ta cần kết hợp các nhà, trong đó nhà quan trọng nhất là nhà doanh nghiệp trong phát triển chuỗi giá trị quế, hồi. Một tín hiệu vui là vừa qua, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn sang Ấn Độ phát triển thị trường, phát triển kênh phân phối để xây dựng thương hiệu của chính người Việt”.

Nhìn nhận thực tế trên, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Sở Công thương Yên Bái cho hay, mỗi năm Yên Bái chế biến gần 2.000 tấn tinh dầu quế, nhưng cơ bản bán tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ngoài quế, địa phương này cũng có 1.500 ha cây thảo quả, nhưng cơ bản bán sang Trung Quốc; cây dược liệu bản địa có vài nghìn tấn mỗi năm nhưng trồng phân tán.

“Thời gian tới, chúng tôi mong có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến xây dựng nhà máy, chế biến sâu sản phẩm quế cũng như dược liệu Việt Nam, từ đó nâng cao giá trị và xuất khẩu tới nhiều thị trường”, ông Chiến bày tỏ.

Bà Trần Thu Quỳnh, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, Canada nhập khẩu chủ yếu quế, hồi của Việt Nam để sử dụng làm phụ phẩm bánh kẹo, phụ phẩm gia vị, hương liệu cho các loại trà. Quế của Việt Nam đã đến với người tiêu dùng nhờ vào việc gia công cho các thương hiệu riêng của các chuỗi bán lẻ và phân phối lớn, trong đó có Costco, Walmart. Riêng mặt hàng hồi, chủ yếu vẫn ở dạng xuất thô sang Canada và được các siêu thị châu Á đóng túi lại dưới hình thức thô sơ, không chỉ dẫn xuất xứ.

Để gia tăng thị phần và giá trị kim ngạch xuất khẩu, bà Quỳnh cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần có chiến lược xây dựng chỉ dẫn địa lý cho mặt hàng quế Cassia của Việt Nam nhằm quảng bá và khẳng định lợi thế của quế Cassia Việt Nam so với quế Ceylon của Nam Á. Hiện nay, một số cửa hàng tại Canada đang bán quế Cassia và đặt tên riêng là Quế Sai gon để phân biệt với quế Ceylon.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phối hợp với các ngành hàng khác để gia tăng giá trị chế biến sâu và đưa ra thị trường những sản phẩm mới, chẳng hạn như: mật ong hoa quế trộn bột quế, nến thơm tinh dầu quế, dầu tắm xông quế, trà xanh hương quế…

Cũng nêu thực trạng này, bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất và xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) kể, khi tham gia một vài hội chợ quốc tế, bà nhận thấy gần như khách hàng không hề biết rằng Việt Nam có quế, hồi hay những loại gia vị khác.

“Câu hỏi đặt ra là tại sao mình lại không ra một dòng sản phẩm với thương hiệu của mình để khẳng định thêm uy tín? Có thể sản lượng ban đầu chưa phải nhiều so với những mặt hàng khác mình bán số lượng lớn hơn, tuy nhiên từng bước sẽ giúp cho việc tăng sự phủ rộng thương hiệu đối với khách hàng trên toàn thế giới, đặc biệt là Mỹ và Canada”, bà Huyền nhấn mạnh.

theo Nhật Linh/vnbusiness.vn (link)

Bài viết cùng chuyên mục