30/06/2023 09:08 | gocnhinonline

GNO- Ngành vàng, trang sức Việt Nam nói chung và PNJ nói riêng, đang chứng kiến những “nghịch lý” đã tồn tại trong một thế lực không thể vượt qua.

Từ “kho vàng Thạch Sanh”

Nhiều năm qua, kể từ sau nghị định 24 về quản lý vàng, không doanh nghiệp nào được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất trang sức, mỹ nghệ. Song song, SJC dù là đơn vị được Chính phủ và NHNN lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia, nhưng trong hơn 10 năm qua, đơn vị này không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vàng trang sức luôn tận dụng những thời điểm giá vàng xuống thấp để mua vào, làm nguyên liệu sản xuất trang sức, đồng thời xuất khẩu đến nhiều quốc gia.

Hai nguyên nhân trên giải thích lý do vì sao nguồn cung vàng ngày càng khan hiếm, và tồn tại sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Như vậy, nguồn cung nguyên liệu đóng vai trò sống còn đối với các doanh nghiệp kim hoàn hiện nay.

Tồn kho qua các năm tại PNJ (Nguồn số liệu: BCTC 2009 – Q1/2023, đơn vị: tỷ đồng)

Tuy nhiên, đối với PNJ, điều này có lẽ không phải là một thử thách lớn. Bởi lẽ, trong nhiều năm qua, đơn vị này đã chứng minh sở hữu nguồn cung dồi dào để cung cấp nguyên liệu cho xí nghiệp chế tác hàng triệu sản phẩm mỗi năm. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy thông qua con số tồn kho tại PNJ qua các năm với cơ cấu chủ yếu là nguyên vật liệu, thành phẩm, thành phẩm dở dang và hàng hóa tăng mạnh qua từng năm.

Nguyên vật liệu đã sử dụng tại PNJ trong giai đoạn 2020 – 2022. (Nguồn: BCTN 2022)

Theo BCTN 2022 PNJ công bố, giá trị hàng tồn kho trong năm tăng 20% so với cùng kỳ và đóng góp đến 79% vào tổng tài sản của doanh nghiệp hiện tại. Và cũng theo báo cáo này, chỉ tính riêng vàng nguyên liệu thô, trong năm 2020, PNJ đã sử dụng 6.118,2 kg, 2021 là 7.513,8 kg và 2022 tăng mạnh lên 12.661,89 kg.

Đến lợi thế lớn nhất ngành vàng, trang sức Việt Nam

Nguồn cung dồi dào tưởng chừng nhưng một nghịch lý này lại là một trong những yếu tố thúc đẩy hoạt động chế tác tại PNJ không ngừng mở rộng quy mô và đạt đến công suất hàng triệu sản phẩm mỗi năm.

Cụ thể, ngày 16/4/2018, HĐQT PNJ đã thông qua việc thành lập Công ty TNHH MTV Chế tác và Kinh doanh trang sức PNJ với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do bà Cao Thị Ngọc Dung làm Chủ tịch HĐTV và ông Lê Hữu Hạnh là Tổng Giám Đốc, cả 2 đồng thời là người đại diện theo pháp luật.

PNJ đang sở hữu nguồn cung ứng vàng “thạch sanh”

Đến tháng 11/2020, PNJ tiếp tục rót thêm 100 tỷ vào đơn vị này, với mục tiêu mở nhà máy thứ 2 tại Long An, đồng thời nâng cấp nhà máy tại Gò Vấp để sản suất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tiến dần đến thay thế hàng nhập khẩu. Và tháng 12/2022, PNJ tiếp tục công bố nghị quyết tăng vốn điều lệ đơn vị này thêm 300 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng.

Với quy mô như vậy, PNJ đã và đang sở hữu một lợi thế rất lớn mà không một doanh nghiệp nào trong lĩnh vực vàng, trang sức có được. Và đây cũng chính là “át chủ bài” giúp PNJ chủ động hơn trong việc xây dựng các kịch bản ứng phó trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng 2020 – 2021. Bởi lẽ, những khó khăn lớn nhất trong bối cảnh này chính là đứt gãy chuỗi cung ứng.

Theo BCTN 2021, PNJ cho biết, giữa bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, số ngày kinh doanh trong năm này giảm tới 22%, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, 283 cửa hàng phải đóng cửa. Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận của PNJ lại duy trì ở con số cao ngất ngưỡng. Và liên tục trong 2 năm 2021 và 2022, trong khi hàng loạt doanh nghiệp hoặc phá sản, hoặc buộc phải bán mình, PNJ vẫn nghiễm nhiên với con số lãi ròng trên nghìn tỷ.

Bước sang năm 2022, làn sóng phá sản, tạm ngưng hoạt động vẫn chưa dừng lại và ngay cả những doanh nghiệp đầu ngành cũng phải lâm vào tình trạng tắc vốn lưu động, liên tục xin khất nợ, hoạt động cầm chừng. Nhưng PNJ tiếp tục đưa con số doanh thu và lợi nhuận lên mức kỷ lục, lần lượt là 34.211 tỷ đồng và 1.811 tỷ đồng.

Trong xuyên suốt quá trình khẳng định một đế chế “độc nhất vô nhị” trong lĩnh vực vàng, trang sức, có thể nói, giai đoạn bứt phá ngoạn mục của PNJ khởi đầu từ 2018. Đây là thời điểm PNJ đã diễn ra một sự kiện đặc biệt: ông Lê Trí Thông chính thức ngồi vào chiếc ghế nóng CEO.

Và những bước đi của “vị vua”

Trong buổi đầu chuyển giao quyền lực, ông Lê Trí Thông được kỳ vọng sẽ là nhân tố đưa PNJ chuyển mình trở thành nhà bán lẻ chuyên nghiệp và tạo ra một “cú nổ thật sự”. Trước khi tham gia PNJ, ông Thông từng giữ những vị trí quan trọng như Phó TGĐ Ngân hàng Đông Á, Phó TGĐ Tập đoàn The Boston Consulting Group, Phó TGĐ Chiến lược – Kiêm Phó TGĐ Phát triển hợp tác Kinh doanh Prudential Việt Nam và nhiều vị trí quan trọng khác.

CEO Lê Trí Thông – “vị vua” thật sự tại PNJ

Năm 2017, ông Thông tham gia PNJ với vai trò Phó Chủ tịch HĐQT, đến tháng 4/2018 thì kiêm chức danh Tổng Giám đốc. Có thể nói, dấu ấn đầu tiên của ông Thông là đưa hệ thống ERP – SAP4HANA đi vào hoạt động ổn định và trở thành công cụ đắc lực giúp PNJ quản trị, sử dụng tối đa tiềm năng các nguồn lực, tạo sức mạnh toàn diện cho doanh nghiệp trên cơ sở tăng cường năng lực sản xuất, quản trị chuỗi cung ứng, tối ưu hóa hàng tồn kho, quản trị chiến lược, marketing, …

Một trong những điểm nổi bật bước đầu của dự án là công nghệ Data Analytics phân tích và tối ưu hóa lượng hàng tồn kho cũng như lượng hàng đang di chuyển. Song song, công nghệ Computer Vision kết hợp với trí tuệ nhân tạo đã biến những chiếc camera an ninh thành công cụ đọc hành vi khách hàng, nhân viên nhằm đi đến những sự điều chỉnh cần thiết về phương thức bố trí quầy, kệ, tạo thuận lợi cho phân luồng di chuyển của khách hàng, tối ưu hóa hoạt động phục vụ khách hàng.

Cùng với công tác phân tích dữ liệu, hành vi tiêu dùng để tìm hiểu nhu cầu, đón đầu xu hướng và phát triển thương mại điện tử, PNJ hứa hẹn một sự bứt phá mạnh mẽ.

Song song, ông Thông đã đưa PNJ từ mô hình “Sản xuất và bán hàng” lên mô hình “Bán lẻ chuyên nghiệp và cung cấp giá trị”. Bên cạnh đó, PNJ cũng tiến hành phân khúc lại các đối tượng khách hàng theo nhãn quan mới “tâm lý học – psychographic” dựa trên hệ thống thông tin “không cấu trúc” thay vì cách phân khúc “nhân khẩu học – demographic”, từ đó cho ra đời những mẫu thiết kế riêng cho từng nhóm khách hàng, mang lại những giá trị mới phù hợp và đáp ứng nhu cầu, cá tính, phong cách thời trang từng nhóm khách hàng đang ngày càng phân hóa.

Bên cạnh ưu thế tuyệt đối về nguồn cung ứng, chính những bước đi trên của ông Thông đã đưa PNJ trở thành một “thế lực” không thể vượt qua trong ngành trang sức Việt Nam hiện nay.

Cùng sự tồn tại mờ nhạt của “F2”

Điều đáng nói, trong giai đoạn gồng gánh PNJ vượt qua hàng loạt thách thức trong quá trình số hóa, cũng như những tác động tiêu cực của đại dịch và sự suy giảm sức mua kéo dài cho đến tận ngày nay, ông Thông phải đảm nhiệm nhiều vai trò bởi cuộc khủng hoảng nhân sự cấp cao.

Đặc biệt, năm 2020, ông Thông được phân công quản lý và điều hành 2 bộ phận trọng yếu tại PNJ, đó là Khối Cung ứng và Khối Khách hàng – Bán lẻ. Và cũng trong năm này, PNJ thiếu vắng một Giám đốc Khối Marketing chính thức. Đến tháng 10/2022, ông Thông tiếp tục kiêm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Chiến lược.

Bà Trần Phương Ngọc Thảo – Tân Phó Chủ tịch HĐQT PNJ

Trong khi đó, bà Trần Phương Ngọc Thảo, con gái của Chủ tịch HĐQT Cao Thị Ngọc Dung, đã chính thức tham gia vào PNJ từ 2019 nhưng lại…”mất hút”.

Theo SYLL của đề cử ứng viên TVHĐQT, bà Thảo là Tiến sỹ Kinh tế học Đại học Harvard. Bà đã từng tham gia giảng dạy tại Đại học Kinh tế TP.HCM và tham gia vào hoạt động của ngân hàng Đông Á với vai trò Giám đốc dự án trong khoảng thời gian 2012 – 2013, tức khoảng thời gian ông Trần Phương Bình còn ở vị trí Tổng Giám đốc.

Năm 2019, bà Thảo khởi đầu tại PNJ với vai trò Giám đốc cao cấp – Chuyển đổi số hóa. Từ 6/2020 đến nay, bà đảm nhận vai trò TV HĐQT PNJ. Đáng lưu ý, sự ra đời và hoạt động của Trung tâm Chuyển đổi số hóa gắn liền với quá trình bà Thảo trở thành TV HĐQT của PNJ. Từ 2/2022, bà được bổ nhiệm là Chủ tịch Công ty TNHH MTV Giám định PNJ (PNJL).

Mặc dù không để lại bất kỳ dấu ấn nào, nhưng đến ngày 28/4/2023, trong nội dung công bố thông tin bất thường của PNJ, bà Thảo được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT PNJ. Như vậy, PNJ chính thức có 2 Phó Chủ tịch HĐQT, người còn lại là ông Lê Trí Thông.

Và trước khi bà Thảo chính thức giữ cương vị Phó Chủ tịch HĐQT, ngày 7/3/2023, PNJ công bố Nghị quyết HĐQT bổ nhiệm bà Trần Phương Ngọc Giao giữ chức danh Thành viên HĐTV Công ty TNHH MTV Thời trang CAO kể từ ngày 31/3/2023. Như vậy, bà Giao là người con thứ 2 của bà Dung chính thức tham gia vào hoạt động của PNJ.

Ngày 28/3/2023, PNJ tiếp tục công bố thông tin bất thường về việc góp vốn thành lập quỹ xã hội Niềm Tin Vàng, với 3 thành viên sáng lập là PNJ, cá nhân bà Dung và bà Hà. PNJ góp vốn thành lập 5 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 1/2021, bà Dung đã bán 9,2 triệu cp PNJ theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh, giảm số lượng năm giữ còn gần 11,4 triệu cp, tương ứng 5,015% vốn điều lệ. Đồng thời, bà Trần Phương Ngọc Hà, tức đứa con gái thứ 3 của bà Dung đã đăng ký mua vào số lượng tương tự. Như vậy, ở thời điểm đó, bà Hà đã sở hữu trong tay 4,04% vốn điều lệ PNJ.

Đến tháng 12/2021, bà Dung tiếp tục đăng ký bán 5 triệu cp PNJ, giảm số lượng năm giữ còn gần 6,4 triệu cp, tương ứng 2,8% vốn điều lệ. Đồng thời, ông Cao Ngọc Duy đã mua qua phương thức thỏa thuận 4,5 triệu cp, tăng tổng số cp nắm giữ lên gần 6,8 triệu cp, tương ứng 2,97% vốn điều lệ.

Tính đến cuối năm 2022, bà Dung sở hữu gần 6,7 triệu cp (2,71%), bà Thảo sở hữu 5,9 triệu cp (2,4%), bà Giao sở hữu 7,2 triệu cp (2,95%) và số lượng bà Hà nắm giữ không đổi nhưng tỷ lệ còn 3,74%. Trong khi đó, ông Thông chỉ nắm giữ hơn 840 nghìn cổ (0,34%).

Bài tiếp: SJC, Doji và Bảo Tín Minh Châu dưới “gót giày chinh phạt” của PNJ

theo Mạc Lâm/ttv

Bài viết cùng chuyên mục