12/05/2023 10:36 | gocnhinonline

GNO- Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với chi phí sản xuất điện đã được kiểm tra trong năm 2022, giá điện phải tăng 17% thì tập đoàn mới cân đối được tài chính.

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nâng giá điện  bán lẻ 3% lên 1.920,3 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức giá này có hiệu lực từ ngày 4/5.

Trao đổi với người viết bên lề buổi họp báo trao đổi thông tin về điều chỉnh giá điện bản lẻ, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết với chi phí sản xuất điện đã được kiểm tra trong năm 2022, giá điện phải tăng 17% thì tập đoàn mới cân đối được tài chính.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN (Ảnh: H.Mĩ)

Trước đó vào ngày 31/3, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN. Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Trong khi đó, giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2022 là 1.882,73 đồng/kWh, thấp hơn so với giá thành sản xuất, phân phối.

Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) năm 2022 EVN lỗ 36.294 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058 tỷ đồng. Do đó, khoản lỗ của EVN rút xuống còn 26.235 tỷ đồng.

Ông Lâm cho biết hàng quý, EVN rà soát lại chi phí sản xuất điện để báo cáo với Bộ Công Thương và Uỷ ban Quản lý Vốn Nhà nước, dựa vào biến động giá thành này thì EVN mới có cơ sở báo cáo lên Thủ tướng về việc đề xuất điều chỉnh giá điện. Tuy nhiên, theo quy định, tối thiểu 6 tháng mới được điều chỉnh giá điện một lần.

Liên quan đến câu hỏi giá nguyên liệu có xu hướng giảm mạnh, liệu rằng trong kỳ báo cáo tới EVN có đề xuất tăng giá điện lần hai không ông Lâm cho biết “Việc này chưa thể chắc được vì giá nguyên liệu đầu vào vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh, chúng tôi chưa biết được than, khí trong tháng 5,6 như thế nào do đó EVN vẫn đang bám sát diễn biến giá nguyên liệu.

Chúng tôi đang làm việc với Tập đoàn Than – Khoán sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc để điều chỉnh giá than bán cho EVN phù hợp với giá của thế giới. Hiện nay, một phần than TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp cho EVN là nguồn hàng nhập khẩu  trộn với than trong nước”.

Theo ông Lâm, ngay cả giá nguyên liệu đã giảm nhưng tập đoàn vẫn phải chịu lỗ.

Theo dữ liệu từ trang Investing, giá than giao sau tính đến ngày 4/5 ở mức 178 USD/tấn, giảm 59% so với mức đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 9 năm ngoái và tương đương giá tại thời điểm tháng 8/2021.

Số liệu: Investing (H.Mĩ tổng hợp)

Giá khí đốt tự nhiên cũng giảm 77% so với mức đỉnh 14 năm hồi tháng 8/2022 xuống 2,1 USD/MMBTU. Mức giá này cũng tương đương thời điểm tháng 12/2019.

Số liệu: Investing (H.Mĩ tổng hợp)

Tại buổi họp báo ông, Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết trước khi quyết định nâng giá điện 3%, tập đoàn đã đề xuất cao hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của nền kinh đang khó khăn, Bộ Công Thương và Chính phủ chỉ đạo mức tăng giá điện tối đa 3% nhằm hạn chế tác động của việc tăng giá điện đối với kinh tế vĩ mô.

Theo ông Nam việc tăng giá 3% ảnh hưởng không đáng kể đến chỉ số giá tiêu dùng  (CPI) bởi tính toán của Tổng Cục Thống kê cho thấy nếu giá điện tăng 5% thì CPI  cũng chỉ tăng 0,17%.

Theo ông Nam, việc tăng giá bán lẻ lần này giúp giảm bớt căng thẳng trong tình hình tài chính của tập đoàn. Tuy nhiên, EVN vẫn phải thực hiện một số giải pháp khác nhằm cắt giảm chi phí như huy động nguồn điện giá rẻ, giảm chi phí sửa chữa, lao động 

theo H.Mĩ/vietnambiz/doanhnghiep&kinhdoanh

Bài viết cùng chuyên mục