16/10/2023 22:12 | gocnhinonline

GNO- Trao đổi với Báo Chí, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, những phản ứng của dư luận về việc “Đất rừng phương Nam” đưa Nghĩa Hòa đoàn và Thiên Địa hội vào phim là có lý.

Ngay sau khi phim Đất rừng phương Nam do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thực hiện ra mắt suất chiếu sớm từ tối 13/10, tác phẩm đã gây sốt trên mạng xã hội với hàng loạt ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều khán giả dành nhiều lời khen cho phim nhưng cũng không ít người cho rằng phim đề cao vai trò Thiên Địa hội, Nghĩa Hòa đoàn là xuyên tạc lịch sử.

Phim điện ảnh Đất rừng phương Nam lấy cảm hứng từ tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi và phiên bản truyền hình Đất phương Nam năm 1997. Ảnh: NSX

Cụ thể, trong phim có những hoạt động và lời thoại nhắc đến Nghĩa Hòa đoàn và Thiên Địa hội là hội nhóm tập hợp bởi một số người dân lao động sinh sống chủ yếu ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên – hoàn toàn không liên quan đến phong trào cùng tên do Chu Hồng Đăng lãnh đạo ở Trung Quốc. 

Thiên Địa hội cũng như Nghĩa Hòa đoàn chỉ được những người dân yêu nước ở Nam Kỳ lúc đó mượn tên gọi để hoạt động độc lập ở Việt Nam. Trước phản ứng của dư luận, Cục Điện ảnh đã cho thẩm định lại bộ phim. Phía đoàn phim đề xuất phần thoại trong phim sẽ chuyển từ Nghĩa Hoà đoàn thành Nam Hòa đoàn và Thiên Địa hội thành Chính Nghĩa hội. 

Sự thay đổi này nhằm tránh sự liên tưởng đến Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn từ thời nhà Thanh Trung Quốc. Bên cạnh đó, điều chỉnh dòng chữ “Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi” lên đầu phim. Sự điều chỉnh này nhằm làm rõ hơn ý đoàn phim về sự thay đổi mốc thời gian trong tác phẩm văn học, theo sát hơn bản phim truyền hình vốn đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả.

Phim điện ảnh Đất rừng phương Nam thay đổi mốc thời gian so với bản văn học. Ảnh: NSX
Đất rừng phương Nam bị khán giả phê phán là hoàn toàn có lý

Nhận định về những phản ứng của dư luận cho rằng Đất rừng phương Nam xuyên tạc lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, đó là phản ứng hoàn toàn có lý: “Theo như lời của Hội đồng duyệt phim nhận định, bộ phim điện ảnh Đất rừng phương Nam không vi phạm luật điện ảnh nhưng có một yếu tố làm cho người ta dễ hiểu sai. Đó là phim lấy tên Đất rừng phương Nam. Lấy tên, lấy cảm xúc của tác phẩm văn học nhưng lại nói về một thời kỳ khác. Tác phẩm văn học là thời kỳ 1945 phim lại là năm 1920 – 1930. Cho nên người xem phê phán là đúng. Không nói đến chuyện xuyên tạc lịch sử hay không mà hai thời kỳ này rất khác nhau.

Bất kỳ bộ phim nào, trừ khoa học viễn tưởng ra cũng phải có không gian lịch sử nhất định. Điện ảnh có quyền phóng tác, hư cấu nhưng bối cảnh từ trang phục cho đến lời nói, sự kiện không thể sai được. Nhà làm phim có thể thêm vào những khoảng trống lịch sử chưa lấp đầy”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, những lời giải thích sau khi gặp bão dư luận của nhà làm phim và Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chỉ có tính chất “chữa cháy” mà chưa đi đúng vào bản chất vấn đề.

“Điện ảnh phải có mục tiêu rõ rệt khi làm phim, muốn ca ngợi gì, tôn vinh gì, cho dù khách quan nhất. Cho nên việc làm cho câu chuyện lẫn lộn giữa 2 thời kỳ lịch sử tuy chỉ cách nhau có 2 thập kỷ nhưng rất quan trọng vì đó là thời kỳ thay đổi rất lớn trong đời sống văn hóa, xã hội, đặc biệt là chính trị. 

Nếu như Cục trưởng Cục Điện Ảnh Vi Kiến Thành nói phim Đất rừng phương Nam là bối cảnh những năm 1920 -1930 thì chưa có Việt Minh, thậm chí chưa có Đảng Cộng Sản, Đảng Cộng Sản đến năm 1930 mới hình thành. Chuyện đó không ai phê phán nhưng rõ ràng phim lấy tên Đất rừng phương Nam của giai đoạn 1945-1946 thì không thể bỏ qua vai trò của Việt Minh” – ông Dương Trung Quốc nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: VOV

Câu chuyện phải được làm rõ và nói đến ở câu chuyện này là: “Vậy phim Đất rừng phương Nam nói về thời kỳ lịch sử nào, phải nói rõ ra. Chuyện phim có liên quan gì đến nhà văn Đoàn Giỏi hay bộ phim truyền hình Đất phương Nam đã có. Tại sao phim không lấy một tên mới hoàn toàn. Theo tôi, trong chừng mực nào đó, đây cũng là một sự vi phạm bản quyền về tên gọi, về tinh thần tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi. Hay nói một cách thiếu thiện chí là “treo đầu dê bán thịt chó”.

Chính vì phim lấy tên Đất rừng phương Nam là nguyên vẹn tên một tác phẩm đã ăn sâu trong tâm thức mọi người rồi. Thêm vào đó, phim cũng kế thừa cả bộ phim truyền hình trước kia, là một bộ phim truyền hình trung thành với Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi. Nếu giữ đúng tinh thần đó thì người ta sẽ chỉ nói phim của Nguyễn Quang Dũng hay hay dở. Nhưng phim lấy tên Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi mà thời kỳ của phim lại là 1915-1920 – thời kỳ lịch sử khác với tác phẩm văn học. Cho nên bảo chê oan thì không đúng vì người ta phê phán bộ phim điện ảnh Đất rừng phương Nam trên tinh thần của tác phẩm văn học Đất rừng phương Nam năm 1945 …” – nhà sử học Dương Trung Quốc nêu quan điểm.

Thiên Địa hội có tham gia vào công cuộc kháng Pháp hay không?

Trước vấn đề nhiều người thắc mắc là trong lịch sử, Thiên Địa hội có tồn tại ở Việt Nam như một hình thức lưu vong hay không?, nhà sử học Dương Trung Quốc giải thích rằng: “Có thì chắc chắn là có và có sự thay đổi rất nhiều. Tổ chức này trong thực tế có sang Việt Nam ở Nam Bộ rất đông khi nhà Thanh sụp đổ. Nhưng tinh thần của tổ chức chống Pháp có phải là Thiên Địa hội không thì chắc chắn là không phải. Nó không được hiểu theo nghĩa một tổ chức chính trị, hay hoạt động một cách có mục tiêu chính trị. Sau này, Thiên Địa hội đã có khuynh hướng Việt Nam hóa rất nhiều với khái niệm hội kín. Còn nếu dựng lại nguyên vẹn như Thiên Địa hội hay Nghĩa Hòa đoàn là tổ chức của Trung Quốc thì rõ ràng làm sai lệch nhận thức xã hội”.

Theo ông Dương Trung Quốc, sở dĩ Đất rừng phương Nam bị phản ứng dữ dội là vì bộ phim đi vào việc làm quá đậm đặc vai trò của người Hoa. “Mặc dù người Hoa là một thành phần chúng ta rất trân trọng, nhưng mật độ quá nhiều gây phản cảm. Vì chúng ta đang làm phim cho thế kỷ 21, cho thời hiện tại xem. Phim ảnh không phải là bảo tàng và sao chụp nguyên vẹn được. Còn việc có sao chụp đúng hay không còn chưa nói đến. Phải luôn nghĩ là lịch sử không phải là chuyện quá khứ mà là chuyện hiện nay. Lịch sử là những câu chuyện ngụ ngôn của quá khứ phục vụ cho đời sống hiện nay. Rõ ràng, nhìn vào tiêu chí ấy bộ phim Đất rừng phương Nam đang tạo ra rất nhiều điều để khán giả hiểu khác với những gì người làm phim đưa ra, chưa nói đến là hiểu sai hay không hiểu” – ông Dương Trung Quốc khẳng định.

Phim điện ảnh Đất rừng phương Nam là bài học cho những nhà làm phim về đề tài lịch sử. Ảnh: NSX
Bài học cho phim đề tài lịch sử

Trước sự việc này, nhà sử học Dương Trung Quốc kết luận: “Mặc dù bộ phim không phải là phim lịch sử nhưng dựa trên tác phẩm văn học nói về một thời kỳ lịch sử. Câu chuyện tên phim cho thấy lỗi của người làm phim đề tài lịch sử là thiếu thận trọng. Đã đi vào đề tài lịch sử có cái khó, ngặt nghèo riêng, nhất là đối với công chúng Việt Nam vốn rất quan tâm vấn đề này. Với tinh thần hết sức coi trọng nên rất khắt khe với phim đề tài lịch sử. Đó cũng là cái khó cho người làm phim Việt Nam. Chính vì thế người làm phim phải quan tâm đến đối tượng khán giả, nếu không phim bị khoác lên những vấn đề người ta đang đề cập đến là “xuyên tạc lịch sử”, “đất rừng Trung Hoa” là những câu chuyện đi rất xa, rất nguy hiểm.

Qua đây tôi có sự chia sẻ với người làm phim đề tài lịch sử, đòi hỏi sự quan tâm thận trọng cao. Cách giải thích của Hội đồng duyệt phim theo quan điểm cá nhân của tôi là “chữa cháy”. Tại sao lại lấy tên là Đất rừng phương Nam để tạo ra sự mù mờ không rõ ràng. Lấy tên của tác phẩm đã có làm về thời kỳ lịch sử khác, cảm hứng thì có thể đổi tên khác hoặc đề chú thích để bày tỏ sự trân trọng của tác phẩm gốc.

Để tên thế thì người ta sẽ hiểu là làm với tinh thần của nhà văn Đoàn Giỏi và kế thừa bản truyền hình. Đó là sự vi phạm nguyên tắc quan trọng nhất của phim đề tài lịch sử. Trong khi đó những nhân vật, câu chuyện vẫn là của nhà văn Đoàn Giỏi. Không thể là bé An của năm 1920 -1930 lại vẫn ở độ tuổi của bé An năm 1945. Rất thông cảm với anh em làm phim đã làm phim rất tâm đắc nhưng chỉ cần một sai sót về nguyên tắc dẫn đến hậu quả này.

Bài học quan trọng cho người làm phim là phải có thận trọng tối thiểu về nguyên tắc. Còn yếu tố hư cấu, sáng tạo hoàn toàn có thể có nhưng phải có một cái đinh treo vững chứ không phất phơ được. Cái đinh nặng hay nhẹ, chịu đựng được bao nhiêu trọng lượng là chuyện khác” – ông Dương Trung Quốc khẳng định.

Phim điện ảnh Đất rừng phương Nam lấy cảm hứng từ tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi và phiên bản truyền hình Đất phương Nam năm 1997. Phim Đất rừng phương Nam kể lại hành trình của bé An (Hạo Khang đóng) đi tìm cha sau khi mất mẹ. An gặp được Út Lục Lâm (Tuấn Trần đóng) và sau đó gặp được cha con ông Tiều (Tiến Luật đóng) – thành viên Thiên Địa hội kháng Pháp hoạt động bí mật, bé Xinh (Bảo Ngọc đóng) cùng nhiều người khác.

Tất cả đều bao bọc, giúp đỡ An. Song song hành trình của An là phong trào yêu nước của nghĩa quân cùng các thành viên hội nhóm như Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn… Câu chuyện được nhà làm phim cho biết lấy bối cảnh trước năm 1930, lùi lại so với thời gian của tác phẩm văn học của nhà văn Đoàn Giỏi là năm 1945.

theo Hà Thúy Phương/danviet.vn

Bài viết cùng chuyên mục