21/01/2024 20:18 | gocnhinonline

GNO- Vào tháng 5/2023, ông lớn Hàn Quốc đã giảm mạnh tỷ lệ sở hữu tại dự án điện mặt trời KN Cam Lâm và Cam Lâm Solar (KN Holdings) từ mức 70% xuống 19% vốn.

Theo Kết luận thanh tra số 3116, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm của Bộ Công thương và tỉnh Khánh Hòa liên quan đến dự án nhà máy điện mặt trời KN Cam Lâm.

Văn bản của Thanh tra Chính phủ nêu ra sai phạm tại dự án điện mặt trời tại Khánh Hòa

Bộ Công thương đã phê duyệt bổ sung dự án điện mặt trời KN Cam Lâm (công suất 50 MWp) vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035.

Trong quá trình, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (NLTT) thẩm định đã không tiếp thu đầy đủ ý kiến của EVN tại Văn bản số 5237 ngày 7/11/2017 đối với hồ sơ bổ sung dự án Nhà máy điện mặt trời KN Cam Lâm vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa, trong đó đề nghị: “…có giải pháp tổng thể trong công tác Quy hoạch phát triển các nguồn điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để phù hợp với nhu cầu và cơ sở hạ tầng lưới điện, tránh gây áp lực quá lớn lên việc đầu tư hệ thống điện truyền tải và đảm bảo hiệu quả chung của toàn xã hội”.

Sau khi chủ đầu tư, công ty tư vấn hiệu chỉnh hồ sơ gửi Cục Điện lực và NLTT thẩm định, nhưng Cục này đã không lấy lại ý kiến của EVN về phương án đấu nối trước khi trình Bộ trưởng phê duyệt. Đến thời điểm kiểm tra, dự án vẫn chưa chuyển về phương án đấu nối chính. Trách nhiệm thuộc về Bộ Công thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, việc Sở Tài chính đánh giá nguồn vốn chủ sở hữu chỉ dựa trên cam kết góp vốn của nhà đầu tư, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 792 ngày 23/03/2018 chấp thuận nhà đầu tư Công ty TNHH Điện Mặt trời KN Cam Lâm (nay là CTCP điện mặt trời KN Cam Lâm) thực hiện dự án Nhà máy điện mặt trời KN Cam Lâm là không đúng theo khoản 3 Điều 10 Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 của Bộ Công Thương, Trách nhiệm thuộc về UBND tinh Khánh Hòa, các sở, ngành có liên quan.

Liên quan đến vấn đề kinh tế, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa rà soát, xử lý đối với các khoản ngân sách nhà nước đã chi cho việc giải phóng mặt bằng thuộc dự án Hồ chứa nước Tà Rục với tổng số tiền 77,8 tỷ đồng (tạm tính). Sau đó, tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi đất cho CTCP điện mặt trời KN Cam Lâm thuê đất để thực hiện dự án Nhà máy ĐMT KN Cam Lâm, cho CTCP Cam Lâm Solar thuê đất để thực hiện dự án nhà máy ĐMT Cam Lâm VN theo đúng ý kiến của Bộ Tài chính tại văn bản số 997/BTC-QLCS ngày 28/1/2022.

Toàn cảnh dự án Nhà máy ĐMT KN Cam Lâm

Trước đó, theo thông tin từ Báo Nhà Đầu tư, trong các ngày 28/4/2023 và 19/5/2023, cổ đông nước ngoài Hanwha Energy Corporation Singapore PTE.LTD – một thành viên của Hanwha Group (Hàn Quốc) đã đồng loạt hạ tỷ lệ sở hữu tại Điện mặt trời KN Cam Lâm và Cam Lâm Solar từ mức 70% xuống 19%.

Cùng với đó, ông Shin Byungchul (sinh năm 1970) cũng không còn nắm các vai trò cấp cao như Chủ tịch HĐQT, Người đại diện theo pháp luật tại cả 2 đơn vị. Thay thế ông ở các vị trí này là bà Lê Nữ Thùy Dương (sinh năm 1976) – con gái vợ chồng Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings Lê Văn Kiểm – Trần Cẩm Nhung.

Cùng thời điểm, Điện mặt trời KN Cam Lâm và Cam Lâm Solar có tân cổ đông lớn mới là một pháp nhân liên quan tới KN Holdings với cùng tỷ lệ sở hữu đạt 51%.

Những chuyển động kể trên diễn ra trong bối cảnh Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận thanh tra số 1027 (ngày 28/4/2023) về thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Được biết, Điện mặt trời KN Cam Lâm và Cam Lâm Solar lần lượt là chủ đầu tư dự án điện mặt trời Cam Lâm BN và KN Cam Lâm tại xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà. Bộ đôi dự án có tổng công suất 100MW, tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng, đã chính thức đóng điện vào ngày 25/6/2019, kịp hưởng giá mua ưu đãi 9,35 UScents/kWh của Chính phủ.

theo Quốc Chiến (chatluongvacuocsong)/tinnhanhnhadat.vn

Bài viết cùng chuyên mục