03/07/2023 15:15 | gocnhinonline

GNO- Tính đến cuối tháng 3/2023, tổng số nợ của Tập đoàn Masan đã gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu, chiếm đến 75% cơ cấu tài sản. Nếu đối chiếu “núi nợ” lên đến 108.678 tỷ đồng với cơ cấu tài sản, thì con số tổng vốn chủ sở hữu và nợ dài hạn không thể phủ tổng số tài sản dài hạn lên đến hơn 94.200 tỷ đồng, tức “thâm hụt” vượt 10%.

Điều này cho thấy, Masan đã sử dụng các nguồn vay ngắn hạn để tài trợ cho hoạt động dài hạn. Đây là con số bất thường và đi ngược các nguyên tắc tài chính. Bởi lẽ, thực trạng kéo dài sẽ khiến cho vòng quay vốn lưu động của doanh nghiệp có nguy cơ “vỡ trận”.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan

Nhìn rộng hơn, trong năm 2022, tình hình nghiêm trọng hơn khi chênh lệch giữa tài sản dài hạn so với con số tổng vốn chủ sở hữu và các khoản nợ dài hạn lên đến 17.647 tỷ đồng, tức “thâm hụt” 23%. Đồng nghĩa, sự mất cân đối tài chính tại Masan không phải đến quý I/2023 mới xảy ra, đồng thời đặt ra nhiều nghi vấn về năng lực quản trị vốn lưu động tại đơn vị này.

Thực tế, dòng tiền lưu chuyển tại Masan đã và đang bộc lộ những điểm yếu chết người. Riêng quý I/2023, mặc dù sở hữu khối tài sản lên đến 145.784 tỷ đồng, nhưng dòng tiền thuần lưu chuyển trong các hoạt động kinh doanh lại âm 342 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ các khoản lãi vay đến 1.583 tỷ đồng và các khoản nợ khác vượt hơn 1.018 tỷ đồng.

Các hoạt động đầu tư của Masan lại càng bi đát hơn khi ghi nhận con số dòng tiền thuần lưu chuyển âm hơn 2.582 tỷ đồng. Như vậy, tất cả các hoạt động của Masan hiện tại đều dựa vào nguồn tiền đi vay.

Masan ôm “núi nợ”, năng lực của doanh nhân Nguyễn Đăng Quang có vấn đề?

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong kỳ cũng cho thấy đơn vị có nguồn tiền thu từ đi vay và phát hành trái phiếu lên đến 21.640 tỷ đồng, tăng phi mã 80% so với con số 11.735 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, đơn vị phải sử dụng đến 16.357 tỷ đồng để trả nợ một phần vốn vay và nợ trái phiếu, tăng 45% so với cùng kỳ.

Và nhìn nhận trong năm 2022, lưu chuyển tiền thuần trong các hoat động kinh doanh âm đến 3.789 tỷ đồng, bởi lẽ riêng tiền trả lãi vay đã 5.071 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm con số khổng lồ 26.447 tỷ đồng so với con số dương 6.346 tỷ đồng cuối năm 2021.

Tương tự quý I/2023, đơn vị này đã phải tìm đến các nguồn vay nợ mới có thể duy trì hoạt động. Tuy nhiên, con số vay nợ, phát hành trái phiếu ghi nhận trong lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính lên đến 78.060 tỷ đồng, và cũng phải sử dụng đến 54.956 tỷ đồng cho các khoản trả nợ gốc vay và nợ trái phiếu đến hạn.

Tập đoàn Masan của doanh nhân Nguyễn Đăng Quang đang nợ nần chồng chất, tổng chi phí tài chính riêng quý 1/2023 1.989 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoài

Trong khi đó, lợi nhuận hoạt động trong năm 2022 lại trượt dốc không phanh 53% so với 2021, chỉ đạt 4.754 tỷ đồng. So với quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu, rõ ràng, con số lợi nhuận không cho thấy được năng lực ban lãnh đạo Masan hiện thời, lại càng khó có thể tác động tích cực lên dòng vốn lưu động.

Bước sang quý I/2023, tình hình lại càng tối tăm, bởi lẽ lợi nhuận co lại chỉ còn hơn 439 tỷ đồng, tức sụt giảm đến 77% so với cùng kỳ. Thực trạng này rõ ràng là một nghịch lý, bởi tổng doanh thu kỳ này tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ. Nghĩa là, hoạt động quản trị chi phí tại Masan không cho thấy hiệu quả đáng lẽ nên có.

Với những thực trạng bi đát kéo dài như vậy, không loại trừ khả năng dòng vốn lưu động tại Masan sẽ tiếp tục duy trì thực trạng “chết lâm sàng” trong năm 2023 và đe dọa khả năng hoạt động liên tục của đơn vị này.

Bài tiếp: Những ngân hàng nào đang ôm “núi nợ” của Tập đoàn Masan?

theo Đặng Thành/TTV

Bài viết cùng chuyên mục