04/01/2023 20:33 | gocnhinonline

GNO- Chiều 4/1, người dùng mạng MobiFone tại TP.HCM bất ngờ thấy điện thoại mất sóng, không thể nhận, thực hiện cuộc gọi hay truy cập dịch vụ 4G.

Thảo Như, một nhân viên văn phòng tại TP.HCM, cho biết chồng chị đến đón sau giờ làm nhưng gọi 30 phút không được. “Tôi không nhận được cuộc gọi nào, sau đó phát hiện sim MobiFone không có cột sóng, nhà mạng cũng không gửi tin nhắn thông báo trước. Nhiều người quanh tôi cũng gặp tình trạng tương tự”, Thảo nói.

Hoàng Văn, một tài xế công nghệ, cho biết từ khoảng 17 giờ, anh không thể truy cập Internet để kết nối ứng dụng. Ban đầu Văn nghĩ điện thoại bị lỗi nhưng sau nhiều lần khởi động, tháo sim ra lắp lại, máy vẫn không hiện vạch sóng nào. “MobiFone mất sóng vào lúc cao điểm, nhu cầu đặt xe rất đông, không làm sao ‘nổ đơn’, người khác không biết cách nào liên lạc với khách hàng”, Hoàng Văn nói.

Đến hơn 19h ngày 4/1, người dùng MobiFone ở TP.HCM vẫn chưa thể truy cập mạng bình thường. Ảnh: Quế Anh

Đại diện MobiFone xác nhận tình trạng kết nối tại TP.HCM gặp gián đoạn, hệ thống có hiện tượng nghẽn cục bộ, khách hàng tại một số khu vực khó sử dụng dịch vụ. Công ty đang triển khai các biện pháp khắc phục, nhưng chưa thông báo chi tiết về nguyên nhân và phạm vi ảnh hưởng.

Hơn 19giờ, người dùng vẫn chưa thể kết nối lại, nhất là ở khu vực trung tâm, quận 1, quận 3.

20 giờ 13, Anh C.Phong (quận Tân Bình) cũng đã thử gọi điện khi nghe nhóm thanh niên ngồi cạnh (trong quán cà phê) thảo luận vấn đề này. Anh cũng xem điện thoại dù có cột sóng như gọi đi vẫn không được.

Theo ông Thành Nhân, đại diện một đơn vụ cung ứng dịch vụ vận chuyển lớn, việc MobiFone gián đoạn đột ngột mà không thông báo trước không chỉ phiền hà mà còn gây thiệt hại cho người dùng. Ông cho biết nhiều tài xế đang không thể giao hàng theo đúng lịch do mất sóng. Tổng đài phải tìm phương thức liên lạc khác như OTT để thông báo và xin lỗi khách hàng. Một số hàng hóa không thể để lâu ở nhiệt độ ngoài trời buộc phải trả về kho.

Tại quán cà phê nhiều nhóm người cùng thảo luận vấn đề, thiệt hại như vậy thì ai là người chịu trách nhiệm và cơ quan bảo vệ người tiêu dùng quốc gia có vào cuộc?

Trong khi đó, đại diện một hệ thống bán lẻ smartphone thuộc top 5 ở TP.HCM cho biết ban đầu, kênh chăm sóc khách hàng của cửa hàng liên tục “cháy máy” do khách gọi phản ánh điện thoại gặp trục trặc.

Đặc biệt hơn, người dùng mạng di động này không hề nhận được bất kỳ một tin nhắn hay văn bản thông báo nào trước khi sự việc này xảy ra.

Đây là lần thứ hai trong vòng 3 tháng mạng MobiFone gặp sự cố tại phía Nam. Trước đó vào sáng 24/10/2022, hàng loạt thuê bao mạng này cũng gặp sự cố. MobiFone khi đó gửi lời xin lỗi về tình trạng chập chờn khi sử dụng dịch vụ và cho biết nguyên nhân do việc tiến hành nâng cấp và cần khởi động hệ thống nên “ảnh hưởng tới người dùng trong thời gian ngắn”.

Hồi tháng 9/2020, người dùng ở TP.HCM cũng không thể gọi điện, nhận tin nhắn, truy cập 3G, 4G. Sau đó, vấn đề lan sang các khu vực Vĩnh Long, Bình Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Bến Tre, Hà Nội. Khi đó, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone nói do lỗi đường truyền khiến một số thuê bao bị chập chờn về thoại và data. Vấn đề được khắc phục trong ngày. Năm 2018, người dùng MobiFone tại Hà Nội, TP.HCM cũng bị sự cố tương tự và được khôi phục sau 3 tiếng.

Trên website, MobiFone cho biết họ chiếm 30% thị phần, nằm trong số trong ba mạng di động lớn nhất tại Việt Nam, với gần 50 triệu thuê bao, 30.000 trạm 2G và 20.000 trạm 3G trên cả nước.

theo Khương Nha/vnexpress

Bài viết cùng chuyên mục