02/01/2024 11:17 | gocnhinonline

GNO- Lãnh đạo EVN cho rằng, việc sản xuất điện chủ yếu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, kể cả thuỷ điện (nước) cũng là tài nguyên thiên nhiên, trong khi tài nguyên của chúng ta ngày càng cạn kiệt. Điều này cũng giải thích cho câu hỏi của dư luận tại sao giá điện chỉ tăng, không giảm.

EVN tiếp tục kinh doanh điện lỗ năm thứ 2 liên tiếp

Tại hội nghị tổng kết sáng 2.1, ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2023, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt hơn 80.000MW, tăng gần 3.000MW so với năm 2022, trong đó, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo hơn 21.000MW. Quy mô hệ thống điện của Việt Nam đứng đầu ASEAN.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, trong năm 2023, công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành cung ứng điện vẫn còn tồn tại, hạn chế, để xảy ra tình trạng thiếu điện và phải thực hiện tiết giảm điện một số địa phương khu vực miền Bắc trong các ngày đầu tháng 6.

Nguyên nhân do nhiều yếu tố bất lợi, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Như dự phòng nguồn điện khu vực miền Bắc rất thấp, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino dẫn đến hạn hạn kéo dài, lưu lượng nước về các hồ thủy điện giảm thấp đột ngột, đặc biệt tại khu vực miền Bắc.

Nhu cầu phụ tải tăng cao; nhiều nhà máy nhiệt điện than trên toàn hệ thống bị sự cố do nhiệt độ nước làm mát tăng cao; công tác sửa chữa, khắc phục sự cố một số nhà máy nhiệt điện than ngoài EVN bị kéo dài.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Giám đốc EVN. Ảnh: Nguyễn Phú

Về cân đối tài chính, theo ông Tuấn, doanh thu bán điện toàn tập đoàn năm 2023 ước đạt 497.000 tỉ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022.

Tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2023 là 630.537 tỉ đồng (bằng 94,7% so với năm 2022), trong đó vốn chủ sở hữu là 201.535 tỉ đồng (bằng 89,4% so với cùng kỳ năm 2022).

Giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần, tuy nhiên không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện do các thông số đầu vào vẫn duy trì ở mức cao nên EVN tiếp tục lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp.

Cần có sự điều chỉnh chính sách về giá bán lẻ điện

Tổng Giám đốc EVN cho biết, thông thường, sản lượng thuỷ điện của Việt Nam đạt 35% hoặc cao hơn, nhưng trong năm 2023, do hạn hán, nhiều hồ thuỷ điện về mực nước chết, nên sản lượng của nguồn thuỷ điện chỉ đạt 28,4%.

Còn nhiệt điện than – nguồn năng lượng chiếm tỉ trọng 33,2%, nhưng năm 2023 sản xuất được 46,2%; nguồn tuabin khí và nhiệt điện dầu chiếm tỉ trọng 10,3%, sản xuất được 9,8%; nhập khẩu điện chiếm tỉ trọng rất ít 1,46%; năng lượng tái tạo có công suất đặt chiếm 26,9%, sản xuất đạt 13%.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, hiện nay, thuỷ điện vẫn là nguồn có giá ổn định nhất, nhưng nguồn này chỉ chiếm 28,4% tổng công suất nguồn điện; còn năng lượng tái tạo, do chính sách khuyến khích ban đầu cho nên giá của nguồn năng lượng này rất cao, nếu xét theo giá thành 9,35 cent theo Fit 1 thì vượt giá thành bán ra của EVN.

“Với cơ cấu nguồn như vậy, giá thành điện của chúng ta chủ yếu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, kể cả nguồn thuỷ điện (nước) cũng là tài nguyên thiên nhiên. Trong khi tài nguyên của chúng ta ngày càng cạn kiệt, do vậy giá thành chỉ có tăng, không có chuyện xuống.

Vấn đề này cần được giải thích rõ để khách hàng thấu hiểu và chia sẻ với ngành điện và cũng giải thích cho câu hỏi của dư luận tại sao giá điện chỉ tăng, không giảm”, ông Tuấn cho hay.

Theo ông Tuấn, hiện nay, tổng chi phí bình quân các khâu phát điện. truyền tải, phân phối là 2.092,78 đồng/kWh, trong khi đó, giá bán ra là 1.950 đồng/kWh.

“Mặc dù chúng tôi đang cố gắng tối ưu hoá các chi phí để tiết giảm, nhưng việc cân đối tài chính của tập đoàn hết sức khó khăn. Do vậy, năm 2024 cần có sự điều chỉnh chính sách về giá bán lẻ điện thì mới giải quyết được những khó khăn về tài chính của EVN”, ông Tuấn nói.

Đọc bài gốc tại đây.

theo Cường Ngô (laodong.vn)

Bài viết cùng chuyên mục