02/01/2024 16:31 | gocnhinonline

GNO- Năm 2023, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt 3.744.214 tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 99.323 tỷ đồng, tăng 1,31% so với năm 2022.

Thông tin này được nêu trong báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, tổ chức ngày 29/12.

Góp hơn 887.000 tỷ vào GDP

Theo báo cáo, năm 2023, doanh thu toàn ngành ước đạt 3.744.214 tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 99.323 tỷ đồng, tăng 1,31% so với năm 2022. Đóng góp vào GDP của ngành ước đạt 887.398 tỷ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022. Tổng số lao động toàn ngành năm 2023 ước khoảng 1.767.766 lao động, tăng 2,72% so với năm 2022.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Trong số này, doanh thu dịch vụ bưu chính đạt 58.900 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2022; doanh thu lĩnh vực viễn thông ước đạt 139.260 tỷ đồng, tăng 0,41% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 99,5% kế hoạch năm 2023.

Điểm sáng trong năm 2023 của ngành Thông tin và Truyền thông đến từ lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, với doanh thu đạt 142 tỷ USD. Trong đó, khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài (tăng gần 4% so với năm 2022).

Về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, trong năm 2023, Luật Giao dịch điện tử và Luật Viễn thông đã được Quốc hội khóa XV thông qua với tỷ lệ biểu quyết thông qua cao. Sau 14 năm, ngành Thông tin và Truyền thông có 2 luật được ban hành trong vòng 1 năm.

2024 là năm phát triển kinh tế số

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh kinh tế số là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Kinh tế số của Việt Nam đã chiếm 16,5% GDP và luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP khoảng 3 lần.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã định hướng chuyển đổi số cho năm 2024 là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột, gồm: công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông; số hoá các ngành; quản trị số và dữ liệu số, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

“Năm 2024 cũng sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số,  phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số, động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo Bộ trưởng, hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng.

“Hạ tầng số Việt Nam thì phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, năm 2024 là năm ứng dụng mạnh mẽ AI và trợ lý ảo. “AI thì càng nhiều dữ liệu càng thông minh, càng ít dữ liệu thì càng ngây ngô”. Ngược lại, con người càng nhiều dữ liệu thì càng ngây ngô, càng ít dữ liệu thì càng thông minh.

“Vậy nên việc gì nhiều dữ liệu, giấy tờ, văn bản quy định hãy để máy tính làm”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đang chỉ đạo phát triển 4 trợ lý ảo chính, gồm: trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ công chức; trợ lý ảo phát hiện mâu thuẫn văn bản pháp luật; trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân và trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán. Trong đó, trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán đã đưa vào sử dụng được hơn một năm, giúp giảm thời gian xử án 30%.

theo Ngọc Lưu (vietnamfinance.vn)

Bài viết cùng chuyên mục