28/06/2023 13:50 | gocnhinonline

TTV- Tiến hành kiểm tra 03 xe ôtô tải, 05 đại lý kinh doanh phân, phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện và thu giữ 79,55 tấn phân bón giả.

Theo thông tin ban đầu, trong các ngày 02, 07 và 14/6/2023, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành kiểm tra 03 xe ôtô tải, 05 đại lý kinh doanh phân bón, qua kiểm tra đã tạm giữ 79,55 tấn phân bón do Công ty Cổ phần quốc tế Nông nghiệp Sài Gòn Xanh, địa chỉ tại số 01, Cụm công nghiệp Quốc Quang Long An, huyện Bến Lức, tỉnh Long An sản xuất.

Phòng Cảnh sát môi trường đã phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiến hành lấy mẫu phân bón theo quy định để giám định. Căn cứ kết luận giám định của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường Chất lượng 3, Bộ Khoa học và Công nghệ, xác định toàn bộ 79,55 tấn phân bón nói trên đều là phân bón giả.

Sản phẩm phân bón bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ (ảnh Công an tỉnh Đắk Nông)

Cụ thể: theo thành phần đăng ký, công bố hợp quy trên bao bì, hàm lượng Magiê 9%; Đạm 18 %; Lân 46%. Tuy nhiên, kết quả giám định hàm lượng Magiê 0,55%; Đạm 7%; Lân 0,8%.

Được biết, Công ty Cổ phần quốc tế Nông nghiệp Sài Gòn Xanh chuyên sản xuất các mặt hàng DAP, NPK, LÂN phân phối trên địa bàn nhiều tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long…

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần quốc tế Nông nghiệp Sài Gòn Xanh đăng ký tại số 51/29A Đường số 10, Khu phố 4, phường Linh Chiểu, TP.Thủ Đức. Giấy phép kinh doanh: 0312350680; Người ĐDPL: Phạm Lương Thiện. Nông nghiệp Sài Gòn Xanh còn có 2 chi nhánh khác tại B3/21 Mai Bá Hương, ấp 2, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM; Lô 1, đường số 1, Cụm Công Nghiệp Quốc Quang Long An, ấp 5A, xã Lương Bình, huyện Bến Lức, Long An.

Lô phân bón do Công ty Cổ phần quốc tế Nông nghiệp Sài Gòn Xanh sản xuất

Hiện vụ việc đang được phòng Cảnh sát môi trường tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

    • Phân bón giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đất đai bị thoái hóa, ô nhiễm môi trường, mà còn gây thiệt hại nặng nề đến đời sống kinh tế của người nông dân. Trong bối cảnh hiện nay, có thể nói, người nông dân đang trong tình cảnh “một cổ hai tròng”, nghĩa là vừa phải chịu tác động từ việc giá phân bón tăng cao, vừa phải đối mặt với nạn phân bón giả…

Điển hình như: Tháng 6/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Thanh Hóa đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự về “sản xuất hàng giả là phân bón” xảy ra tại Công ty cổ phần phân bón Sông Mã. Công ty cổ phần phân bón Sông Mã đã sản xuất sản phẩm phân bón Hoa Nông chuyên dùng cho bón thúc bị thiếu hàm lượng silic khoảng 40%, để bán ra thị trường với giá thành rẻ hơn, gây thiệt hại cho nông dân.

Công an TP.Thanh Hóa đã thu giữ hơn 11 tấn phân bón nhãn hiệu Hoa Nông chuyên bón thúc không đảm bảo chất lượng để phục vụ công tác điều tra. Đồng thời, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 bị can về tội sản xuất hàng giả là phân bón gồm: ông Nguyễn Xuân Quy, 41 tuổi, ở phường Đông Hương, giám đốc Công ty cổ phần phân bón Sông Mã; Lê Hưng Long, 38 tuổi, ở phường Đông Sơn, đều TP Thanh Hóa; Lê Thế Hùng, 39 tuổi, ở xã Xuân Cao, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Hay ngày 12/2022, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 3 phối hợp với Đội QLTT số 5 và Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Bắc Giang), kiểm tra hộ ông Lý Văn Mạnh phát hiện gia đình đang bày bán phân bón có dấu hiệu kém chất lượng loại NPK HBF 10-6-4, NPK HBF 12-5-10, NPK HBF 10-5-5. Đoàn kiểm tra lấy mẫu 8 lô phân bón gửi cơ quan chuyên môn để giám định.

Với hành vi buôn bán phân bón giả và kém chất lượng, hộ ông Mạnh bị xử phạt tổng cộng 43 triệu đồng. Ngoài bị phạt tiền, ông bị tịch thu 71 bao phân bón giả; buộc thu hồi, tái chế toàn bộ số phân bón kém chất lượng. Đến thời điểm này, hộ vi phạm đã nộp phạt theo quy định.

Cũng tháng 12/2022, qua truy xét, ngày 11-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang khởi tố vụ án “sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón” đối với Công ty TNHH Nông nghiệp Ba Trái Dâu (Công ty Ba Trái Dâu, đường Võ Văn Kiệt, P3Q6, TPHCM). Điều đáng nói, trước đó lô hàng 350 tấn phân bón giả có kết quả giám định là phân bón thật để qua mắt cơ quan chức năng.

Mới đây nhất, Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk vừa công bố danh sách hàng loạt cơ sở, sản phẩm phân bón giả, phân bón kém chất lượng bị phát hiện. Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk đã chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra Công an huyện Krông Năng giải quyết theo quy định của pháp luật đối với hộ kinh doanh Trần Thị Sen địa chỉ, thôn Tam Thịnh , xã Tam Giang, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.

Cơ sở này vi phạm về hành vi buôn bán hàng giả 5 tấn phân bón NPK Năm lá 22-5-5+13S+TE, sản xuất ngày 11/3/2022, có các chỉ tiêu P2O5hh và K2Ohh chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức đăng ký trong Quyết định công nhận phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam. Đơn vị sản xuất là Công ty Cổ phần công nghiệp hóa chất Đà Nẵng, địa chỉ: Số 73 Nguyễn Văn Cừ, KCN Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Đơn vị phân phối là Công ty TNHH MTV Thương mại Đầu tư Xây dựng Ngọc Lễ, địa chỉ số 106, thôn 8, xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.

theo PV/TTV.com.vn

Bài viết cùng chuyên mục