14/08/2023 16:20 | gocnhinonline

GNO- Doanh thu của nhà tổ chức hoa hậu – Công ty cổ phần Quảng cáo thương mại Sen Vàng (Công ty Sen Vàng) năm 2020,2021 và 2022 đạt hơn 1.500 tỷ đồng nhưng biên lợi nhuận ròng chỉ vỏn vẹn chưa đến 0,4% và đang nợ thuế hàng chục tỷ đồng.

Công ty Sen Vàng – Đơn vị tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu

Công ty cổ phần Quảng cáo thương mại Sen Vàng được thành lập ngày 3/8/2006, có địa chỉ đăng ký tại số 6D Trường Sa, phường 17, quận Bình Thạnh, Tp.HCM. Công ty hoạt động trong khá nhiều mảng nhưng nổi bật nhất là thực hiện các chương trình truyền hình thực tế và tổ chức các cuộc thi hoa hậu….

Theo giới thiệu, Sen Vàng là công ty tổ chức các cuộc thi sắc đẹp như Hoa hậu Việt Nam, Miss World Vietnam (Hoa hậu Thế giới Việt Nam) và Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Trong đó, tân Miss World Vietnam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi đang là tâm điểm “lùm xùm” bởi những phát ngôn trong thời gian gần đây.

Công ty cổ phần Quảng cáo thương mại Sen Vàng nắm giữ bản quyền nhiều cuộc thi sắc đẹp cũng như quản lý hàng loạt người đẹp

Người sáng lập Sen Vàng là bà Phạm Kim Dung – nhân vật được người trong ngành gọi là “bà trùm hoa hậu”. Bà Dung cũng là người đại diện pháp luật, kiêm tổng giám đốc của Sen Vàng.

Đáng chú ý, không chỉ trong lĩnh vực giải trí, bà Phạm Thị Kim Dung còn lấn sân sang cả mảng bất động sản. Nữ doanh nhân này hiện là người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Bất động sản Sen Vàng Homes, CTCP Bất động sản Sen Vàng Holdings.

Về Công ty cổ phần Quảng cáo thương mại Sen Vàng, tháng 7/2018, công ty này tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng. Trong đó, bà Phạm Thị Kim Dung góp vốn 133,5 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu là 89%. Các cổ đông còn lại là: Dương Đình Phan, Hoàng Hữu Nhật Nam, Nguyễn Thị Nam Phương cùng sở hữu 2% vốn doanh nghiệp; hoa hậu Đỗ Mỹ Linh góp vốn 7,5 tỷ đồng, tương ứng nắm giữ 5% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, đến tháng 10/2019, doanh nghiệp này lại điều chỉnh vốn điều lệ về mức 50 tỷ đồng.

“Bà trùm Hoa hậu” Phạm Thị Kim Dung và các cuộc thi sắc đẹp

Doanh thu lớn nhưng chỉ lãi tượng trưng

Trong 3 năm gần đây, tổng tài sản của Sen Vàng không ngừng tăng nhanh. Từ mức 242,8 tỷ đồng vào năm 2020, tài sản của doanh nghiệp tăng lên 273,7 tỷ đồng vào năm 2021. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng cộng tài sản của Sen Vàng đã chạm mốc gần 380 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, tài sản của Sen Vàng phần lớn hiện diện ở các khoản phải thu ngắn hạn, với mức lần lượt là: 228,5 tỷ đồng (2020), 248,5 tỷ đồng (2021) và 349,6 tỷ đồng (2022).

Về kết quả kinh doanh, năm 2020, doanh thu thuần của Sen Vàng đạt mức 459,2 tỷ đồng, rồi giảm xuống còn 400,7 tỷ đồng vào năm 2021. Tuy nhiên, đến năm 2022, doanh thu thuần của Sen Vàng tăng vọt hơn 66%, đạt mức 665,4 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu ấn tượng nhưng doanh nghiệp này lại báo lỗ hoặc chỉ lãi “nhỏ giọt”. Cụ thể, năm 2020 lỗ thuần hơn 1,1 tỷ đồng. Sang năm 2021, doanh nghiệp này báo lãi gần 2,3 tỷ đồng và tới năm 2022 báo lãi hơn 2,4 tỷ đồng.

Với số lãi ít ỏi, biên lợi nhuận ròng của công ty này chỉ vỏn vẹn chưa đến 0,4% tức là 1000 đồng doanh thu mới mang về gần 4 đồng lãi.

Một điểm đáng lưu tâm nữa trong bức tranh tài chính của Sen Vàng đó là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2022 âm 16,7 tỷ đồng, dù năm trước đó vẫn dương 2,6 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh giai đoạn 2020-2022 của Sen Vàng

Với pháp nhân dùng để đưa các nhan sắc Việt đi thi quốc tế là Công ty cổ phần Giải trí Sen Vàng, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này cũng không mấy khả quan khi không ghi nhận doanh thu thuần vào năm 2020. Sang năm 2021, doanh thu thuần của đơn vị này là 814,5 triệu đồng, rồi tăng lên 5,4 tỷ đồng vào năm 2022. Doanh nghiệp này lỗ thuần 17,4 triệu đồng vào năm 2020, sau đó báo lãi 8 triệu đồng vào năm 2021. Năm 2022, Công ty cổ phần Giải trí Sen Vàng báo lãi 173,3 triệu đồng.

Nợ thuế hàng chục tỷ

Trong 3 năm gần đây, tổng tài sản của Sen Vàng không ngừng tăng nhanh: Từ mức 242,8 tỷ đồng năm 2020, tăng lên 273,7 tỷ đồng vào năm 2021 và gần 380 tỷ đồng năm 2022.

Trên bảng cân đối kế toán, tài sản của Sen Vàng phần lớn hiện diện ở các khoản phải thu ngắn hạn, với mức lần lượt là: 228,5 tỷ đồng (2020), 248,5 tỷ đồng (2021) và 349,6 tỷ đồng (2022).

Về phía nguồn vốn của Sen Vàng, phần lớn là các khoản nợ phải trả. Cụ thể, năm 2020, nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 192,5 tỷ đồng (chiếm 79,2% nguồn vốn); năm 2021, số nợ này tăng lên 208,2 tỷ đồng (chiếm 76% nguồn vốn). Đến cuối năm ngoái, nợ phải trả của Sen Vàng đã cán mốc 312,2 tỷ đồng (chiếm hơn 82% nguồn vốn).

Tất cả các khoản nợ phải trả của Sen Vàng đều là nợ ngắn hạn, trong đó tập trung chủ yếu là các khoản nợ phải cho cho người bán. Nợ vay của Sen Vàng cũng tăng từ mức 69 tỷ đồng vào năm 2020 lên 91,7 tỷ đồng vào năm 2022.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Sen Vàng trong giai đoạn 2020-2022 không có quá nhiều biến động, từ mức 50,3 tỷ đồng lên 66,8 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc năm tài chính năm 2022, tổng tài sản của Sen Vàng là 370 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả lên tới 263 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần vốn chủ sở hữu là 106 tỷ đồng. Ở kỳ báo cáo trước, tổng tài sản của nhà Sen Vàng là 290 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 211 tỷ đồng, gấp tới 2,67 lần vốn chủ sở hữu là 79 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý là dù lợi nhuận sau thuế của năm 2022 lên tới 20 tỷ đồng, song kết thúc năm tài chính năm 2022, đơn vị này lại ghi nhận khoản nợ thuế nhà nước lên tới 15,8 tỷ đồng, nợ người lao động 2,2 tỷ đồng; ở kỳ trước, lợi nhuận sau thuế là 15,89 tỷ đồng, nợ thuế ghi nhận là 10,7 tỷ đồng, nợ người lao động 1,1 tỷ đồng.

theo TCDN

Bài viết cùng chuyên mục