25/08/2023 08:40 | gocnhinonline

GNO- Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng (Công ty Hồng Hoàng), đơn vị liên quan đến Ngân hàng ACB đã công bố lợi nhuận đạt gần ngàn tỷ trong 6 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, những con số “đẹp” đó không thể “làm quên đi” thực tế rằng Công ty đã có 3 năm liên tiếp âm vốn và gây chú ý khi vốn chỉ 5 tỷ đồng nhưng phát hành được lô trái phiếu trị giá 1.402 tỷ đồng.

Lợi nhuận tăng vọt, thoát âm vốn

Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng (Công ty Hồng Hoàng) vừa công bố thông tin về tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, hoạt động của Hồng Hoàng ngày càng tích cực khi lãi tăng vọt.

Cụ thể, Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 của Hồng Hoàng lên tới 958 tỷ đồng, tăng 556 tỷ đồng, tương đương 138% so với cùng kỳ năm 2022. Trước đó, hồi cuối năm 2022, Công ty đã thoát khỏi quãng thời gian dài âm vốn khi Vốn chủ sở hữu đạt 20,4 tỷ đồng nhờ khoản lãi ròng khổng lồ.

Công ty Hồng Hoàng phát hành lô trái phiếu hơn 1.400 tỷ đồng vào tháng 10/2019 với lãi suất lên đến 20%/năm

Tới ngày 30/6/2023, Vốn chủ sở hữu Hồng Hoàng tăng mạnh lên 863 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải giảm nên hồi cuối quý 2/2023, tỷ lệ Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu của công ty giảm sâu từ 70,2 lần xuống 1,6 lần; dư nợ trái phiếu/Vốn chủ sở hữu cũng giảm từ 68,7 lần xuống 1,3 lần. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu tại Hồng Hoàng là con số cao ngất ngưởng, lên đến 1.970% (cuối năm 2022) và 111% (cuối tháng 6/2023).

Tuy nhiên, những con số “đẹp” đó không thể “làm quên đi” thực tế rằng công ty đã có 3 năm liên tiếp âm vốn và gây chú ý khi vốn chỉ 5 tỷ đồng nhưng phát hành được lô trái phiếu trị giá 1.403 tỷ đồng. Để phát hành lô trái phiếu này, Công ty Hồng Hoàng này có khối tài sản đảm bảo 61 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) định giá thị trường gần 1.500 tỷ đồng.

3 năm liền âm vốn chủ sở hữu

Như đã nêu trên, trong nửa đầu năm 2023, Công ty Hồng Hoàng có bức tranh tài chính khá tốt. Thế nhưng, trước đó, Công ty ngụp lặn trong chuỗi ngày không doanh thu và thua lỗ đến mức âm vốn chủ sở hữu.

Không kể năm đầu hoạt động, trong giai đoạn 5 năm gần đây (từ 2017 đến 2021), 2017 và 2018 là 2 năm hiếm hoi công ty phát sinh doanh thu với những con số khiêm tốn chỉ 510 triệu đồng và 726 triệu đồng. Lợi nhuận công ty gặt hái được cũng rất thấp, đạt 25 triệu đồng và 67 triệu đồng.

3 năm sau đó (từ 2019 đến 2021), Hồng Hoàng không kiếm nổi 1 đồng doanh thu và gánh các khoản thua lỗ lớn, lần lượt là 110 tỷ đồng (năm 2019), 99 tỷ đồng (năm 2020) và 177 tỷ đồng (năm 2021). Kết quả là hồi cuối năm 2019, 2020 và 2021, công ty âm vốn chủ sở hữu lần lượt 63,1 tỷ đồng, 142 tỷ đồng và 319 tỷ đồng.

Vốn 5 tỷ đồng, phát hành 1.402 tỷ đồng trái phiếu

Một trong những “điểm nhấn” của Công ty Hồng Hoàng chính là việc dù quy mô vốn vô cùng thấp, chỉ 5 tỷ đồng nhưng công ty vẫn phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 1.402 tỷ đồng. Nghĩa là giá trị trái phiếu cao gấp… 280 lần vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, tháng 10/2019, Hồng Hoàng đã phát hành thành công lô trái phiếu trị 1.402 tỷ đồng có kỳ hạn 5 năm. Đây là trái phiếu có hình thức không chuyển đổi, có đảm bảo bằng tài sản.

Lãi suất phát hành thực tế của lô trái phiếu này lên tới 20%/năm và toàn bộ được phát hành cho nhà đầu tư tổ chức của nước ngoài. Đây là mức lãi suất rất cao, cao hơn cả đầu năm 2023 – thời điểm lãi suất huy động vượt mốc 10%/năm.

Điều khiến dư luận chú ý lúc bấy giờ là không lâu sau thương vụ phát hành trái phiếu khủng trên, Công ty này đã thế chấp hơn 60,77 triệu cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu tại Saigon Asia Credit Limited có trụ sở tại đảo Cayman (một trong những địa điểm được mệnh danh là “thiên đường thuế” trên thế giới).

Chính điều này đã khiến giới đầu tư cũng như truyền thông trong nước đặt nghi vấn Công ty Hồng Hoàng đã dùng số tiền huy động được để mua cổ phiếu ACB, sau đó dùng chính số cổ phiếu này thế chấp làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu trên.

Sở dĩ có nghi vấn trên là vào ngày 30/10/2019, trước khi Công ty Hồng Hoàng hoàn tất phát hành lô trái phiếu trên, trên thị trường chứng khoán đã có tổng cộng 4 lệnh giao dịch thỏa thuận cổ phiếu ACB tại mức giá 23.800 đồng với tổng khối lượng là 60.771.055 cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch là 1.446 tỷ đồng, đúng bằng số cổ phiếu ACB mà công ty Hồng Hoàng đang nắm giữ.

Công ty Hồng Hoàng đã dùng số tiền huy động được để mua cổ phiếu ACB, sau đó dùng chính số cổ phiếu này thế chấp làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu trên

Đáng chú ý, đợt phát hành trái phiếu này của Hồng Hoàng liên quan nhiều đến Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Cụ thể, đơn vị tổ chức tư vấn, đại lý đăng ký lưu ký cho lô trái phiếu này là Công ty TNHH Chứng khoán ACB.

Ngoài ra, trước đó, vào ngày 19/9/2019, thời điểm trước khi Hồng Hoàng phát hành thành công lô trái phiếu kể trên, công ty đã ký hợp đồng với Saigon Asia Limited và Vietnam Finance Limited có địa chỉ ở “thiên đường thuế” Quần đảo Cayman. Tài sản đảm bảo là một tài khoản ngân hàng Công ty Hồng Hoàng mở và duy trì tại ACB – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

Công ty liên quan Ngân hàng ACB

Công ty Hồng Hoàng là đơn vị khá kín tiếng trên thị trường. Công ty thành lập ngày 2/11/2016 với ngành nghề chính là “Hoạt động tư vấn quản lý. Chi tiết: – Dịch vụ tư vấn quản lý chung – Dịch vụ tư vấn quản lý marketing – Dịch vụ tư vấn quản lý khác. Chi tiết: dịch vụ tư vấn phát triển công nghiệp, dịch vụ tư vấn phát triển du lịch”.

Ở thời điểm thành lập, vốn điều lệ của công ty chỉ có 5 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: Ông Đặng Anh Tuấn (sở hữu 5% vốn, tương đương 250 triệu đồng), ông Đặng Anh Vũ (sở hữu 5% vốn, tương đương 250 triệu đồng) và bà Phạm Thị Khánh Hồng (sở hữu 90% vốn, tương đương 4,5 tỷ đồng). Cả ba cổ đông sáng lập Hồng Hoàng đều có địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú giống nhau. Ở thời điểm mới thành lập, bà Phạm Thị Khánh Hồng còn nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Công ty.

Có một điều khó hiểu đã diễn ra. Đó là ngày 4/9/2019, Công ty Hồng Hoàng tăng vốn điều lệ… 20.000 đồng lên 5.000.020.000 đồng. Cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Sau đó, chức vụ Tổng giám đốc lần lượt được giao cho bà Vũ Hồng Nhung và hiện tại là ông Lê An.

Cần phải nhấn mạnh rằng, ở thời điểm đó, bà Phạm Thị Khánh Hồng cũng là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Nghi Lan, nơi bà Trần Thị Minh Hà sở hữu 90% vốn điều lệ.

Mà bà Hà lại là cổ đông sáng lập Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Bách Thanh. Công ty Bách Thanh là một trong 3 pháp nhân tham gia tái cơ cấu sở hữu cổ phần ACB hồi đầu năm 2019 theo như lời giải thích của Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy.

theo Nhi Nhi/baoxaydung

Bài viết cùng chuyên mục