01/10/2023 11:29 | gocnhinonline

GNO- Chiều 29/9, Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2023 với chủ đề “Truyền thông chính sách: Góc nhìn từ các cơ quan báo chí” được tổ chức tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Tham dự và chủ trì Diễn đàn có các ông: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam; Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cùng dự Diễn đàn còn có đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, gần 120 đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương, lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nam, lãnh đạo Sở TT& TT các tỉnh cùng nhiều khách mời, phóng viên từ các cơ quan báo chí.

Toàn cảnh Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2023

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Mỗi năm một lần, trong khuôn khổ Gala Báo chí, Báo Nhà báo & Công luận tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập với mong muốn là nơi để lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ những vấn đề cũng như áp lực, thách thức mà các toà soạn đang và sẽ phải đối mặt trong dòng chảy biến động không ngừng của đời sống báo chí, truyền thông, từ đó cùng nhau kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ”.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, “cho tới nay, công tác truyền thông chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương, bộ, ban, ngành vẫn còn xem nhẹ công tác truyền thông chính sách; thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin. Hệ quả là thời gian qua đã xảy ra không ít sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước. Báo chí chính thống dù được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách, đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và cơ quan bộ ngành, các địa phương đến với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn về cơ chế, nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình”.

Nhằm giải quyết khó khăn, thách thức cũng như tìm giải đáp cho những hạn chế còn tồn tại trong công tác truyền thông chính sách, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam hy vọng: “Diễn đàn sẽ được đón nhận những ý kiến chia sẻ, trao đổi thẳng thắn, đề xuất giải pháp giàu tâm huyết để công tác truyền thông chính sách ngày càng hiệu quả”.

Tại phiên thảo luận đầu tiên, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam gợi mở 4 nhóm vấn đề, trong đó nhấn mạnh thực tế việc thực hiện truyền thông chính sách trong thời gian qua, bước tiến và những mặt hạn chế còn tồn tại. Đồng thời, đặt ra câu hỏi tại sao trong bối cảnh hiện nay cần phải coi trọng và nâng cao hơn nữa hiệu quả của truyền thông chính sách; vai trò, sự cần thiết của báo chí trong việc tham gia hoàn thiện chính sách là gì.

Tại phần thảo luận, với góc độ cơ quan quản lý báo chí, ông Lưu Đình Phúc – Cục trưởng Cục Báo chí cho biết: “Chúng ta có cả hệ thống truyền thông lớn với số lượng 800- 900 cơ quan báo chí trên cả nước, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan làm truyền thông chính sách chỉ chiếm khoảng 0,56%.

Dưới góc độ cơ quan quản lý báo chí chúng tôi đã có nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thụy Điển… Ví dụ như tại Hàn Quốc, nhà nước đặt hàng làm truyền thông chính sách và yêu cầu đơn vị thực hiện đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn mới được tham gia vào thực hiện. Đặc biệt trước khi làm truyền thông chính sách phải có khảo sát đánh giá nhu cầu của công chúng rồi mới thực hiện chứ không ban hành một chính sách như kiểu “ném đá ao bèo”.

Tại Việt Nam, về cơ bản chúng ta đã làm rất tốt theo chỉ đạo, định hướng của Đảng, quản lý của Nhà nước. Thế nhưng đâu đó vẫn có những câu chuyện, chính sách của địa phương khi đưa ra chưa có sự khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng dẫn đến thông tin lan truyền trên mạng xã hội trái ngược với thông tin chính thống. Nguyên nhân do người dân chưa được tiếp cận thông tin, thiếu thông tin dẫn đến có những ý kiến, bình luận ở một góc độ khác”.

Ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, để có thể giúp cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách, thì “hai bên cùng bắt tay nhau thực hiện việc chung và hai bên đều tìm được cái mình mong đợi. Một điều mà ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh nữa là việc cần cải thiện mối quan hệ về cả cơ chế, chính sách, kinh tế giữa báo chí và cơ quan chủ quan.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, hầu hết cơ quan báo chí hiện tại không nhận được sự hỗ trợ về tài chính đối với cơ quan báo chí của mình. “Hiện nay rất nhiều cơ quan chủ quản đang hiểu sai về tự chủ của cơ quan báo chí và nghĩ là tự chủ trong cái tự bơi”, ông Lâm đánh giá.

Tiếp ý kiến của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá Diễn đàn Tổng Biên tập 2023 là sự kiện rất bổ ích giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm chính sách và cơ chế tốt hơn, để báo chí làm tốt công tác truyền thông chính sách. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng báo chí cần phải nhìn lại mình khi đã thực sự làm tốt truyền thông chính sách hay chưa.

“Chúng ta đã nghe nhiều Tổng Biên tập nói đến vấn đề là chính sách làm gì cho truyền thông báo chí. Tuy nhiên, tôi cũng thấy còn một chiều nữa là vừa rồi báo chí chúng ta đã làm được gì cho cho công tác truyền thông chính sách”, ông đặt vấn đề.

Theo ông Trần Thanh Lâm, Việt Nam có hơn 800 cơ quan báo chí nhưng thực ra Tạp chí có chức năng riêng. Hiện chỉ có khoảng gần 200 cơ quan báo chí thực sự làm công tác truyền thông chính sách. Một chi tiết nữa mà ông Lâm lưu ý là cơ quan báo chí cần khách quan, giữ tinh thần phản biện nhưng mà vẫn phải có tinh thần xây dựng như yêu cầu của Đảng và Nhà nước đã đề ra. Tuy nhiên, theo ông, gần đây đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc khi có một số bài báo tác động tiêu cực tới sự phát triển chung, gây ra hiểu nhầm của người dân về một số chính sách ở một số địa phương.

Diễn đàn Tổng biên tập với chủ đề: “Truyền thông chính sách: Góc nhìn từ các cơ quan báo chí” do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì giao Báo Nhà báo & Công luận tổ chức tại Khách sạn A La Carte Hạ Long, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đồng hành là UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Hà Nam cùng các doanh nghiệp: Nam Á Bank, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, HABECO, Amway, Taseco, THACO…

theo Phương Nam/vietq.vn

Bài viết cùng chuyên mục