GNO- Khi những nghi vấn về việc “cài cắm” thêm tiêu chí không phù hợp với yêu cầu thực tế của gói thầu CW4C chưa được làm rõ thì mới đây ban Quản lý dự án Mỹ Thuận lại tiếp tục mời thầu gói CW4B với những “cài cắm” tương tự gây xôn xao dư luận, bức xúc cho các nhà thầu.
Liên tiếp “cài cắm” trong công tác đấu thầu
Như đã thông tin, trước đó Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận trong quá trình mời thầu gói thầu CW4C- Xây dựng đoạn tuyến Km17+ 500 đến Km23+561,22 (thuộc Dự án nối QL91 và tuyến tránh TP.Long Xuyên) đã bị các nhà thầu phản ứng gay gắt về việc “cài cắm” thêm các tiêu chí không phù hợp với yêu cầu thực tế của gói thầu nhằm chọn nhà thầu đã được định hướng, gây ảnh hưởng rất lớn đến tính công bằng trong gói thầu cạnh tranh.
Cụ thể, gói thầu CW4C có giá là 500,073 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận trong quá trình mời thầu đã yêu cầu tăng giá trị hợp đồng tương tự lên 80% giá trị gói thầu (tương đương hơn 400 tỷ đồng đối với gói thầu).
Không dừng lại ở đó, đơn vị này còn sửa đổi tiêu chí về kinh nghiệm xây dựng. Cụ thể, hồ sơ mời thầu yêu cầu “một thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu này”.
Điều này theo các nhà thầu là chưa phù hợp với yêu cầu thực tế của gói thầu. Bởi theo các nhà thầu, trong trường hợp liên danh, việc yêu cầu một thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu có công trình tương tự đạt trên 80% giá trị công trình và không cho phép cộng dồn năng lực của từng thành viên liên danh dẫn đến việc hạn chế cạnh tranh của các nhà thầu và chỉ có rất ít nhà thầu lớn đáp ứng được yêu cầu.
Trên thực tế, pháp luật cũng quy định rõ, liên danh nhà thầu là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp đứng tên để cùng nhau dự thầu dưới tư cách là nhà thầu liên danh và thực hiện gói thầu là một phần hoặc toàn bộ dự án theo hồ sơ mời thầu.
Lý do các nhà thầu phải liên danh với nhau thành nhà thầu liên danh thường xuất phát từ nguyên nhân là nếu chỉ một doanh nghiệp bất kỳ trong đó tham gia thì có thể không đủ khả năng lực thực hiện gói thầu đó. Một lý do khác là do gói thầu lớn và các thành viên trong liên danh muốn tối ưu hóa phần công việc trong hồ sơ mời thầu phù hợp với năng lực của mình mà không phải chịu trách nhiệm như trường hợp sử dụng nhà thầu phụ. Đối với nhà thầu liên danh thì năng lực, kinh nghiệm được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh song phải bảo đảm từng thành viên liên danh đáp ứng năng lực, kinh nghiệm đối với phần việc mà thành viên đó đảm nhận trong liên danh.
Quá bức xúc và cho rằng Ban Quản Lý dự án Mỹ Thuận đang cố tình “đo chân cho vừa giày”, tự ý vẽ thêm tiêu chí trái quy định để lựa chọn nhà thầu, một số nhà thầu đã làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng và các cơ quan truyền thông yêu cầu vào cuộc xác minh. Tuy nhiên, không đợi sự việc được làm rõ, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận tiếp tục mời thầu với những yêu cầu tương tự, bất chấp dư luận và phản ứng của các nhà thầu.
Cụ thể, ngày 22/10/2021, Ban này lại tiếp tục mời thầu gói thầu CW4B – Xây dựng đoạn tuyến Km10+ 900 đến Km 17+500, giá gói thầu là 437 tỷ đồng. Đơn vị tiếp tục giữ nguyên các tiêu chí như yêu cầu tăng giá trị hợp đồng tương tự lên 80% giá trị gói thầu và bắt buộc “một thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu này”.
Động thái này của bên mời thầu đã làm các nhà thầu cạnh tranh trực tiếp cho các gói thầu kể trên dấy lên nghi vấn về việc xuất hiện các “nhóm lợi ích” trong vụ việc.
Tiêu chí mời thầu mà Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đưa ra là chưa phù hợp?
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Quang Hùng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo quy định tại khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định, trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Khoản 5, Mục I Chỉ thị số 47/2017/CT-TTg quy định, khi xây dựng hồ sơ mời thầu không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu như: “Yêu cầu nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự đăng ký hợp đồng với nhà thầu, thiết bị thi công phải thuộc sở hữu của nhà thầu mà không được đi thuê, đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể… hoặc quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu”.
HSMT/HSYC phải được xây dựng đảm bảo khoa học, khách quan, phù hợp yêu cầu cụ thể từng gói thầu, đảm bảo theo đúng quy định, không mang tính định hướng, tạo lợi thế hoặc cản trở sự tham gia của một hoặc một số nhà thầu…” Việc lập hồ sơ mời thầu phải tuân thủ quy định nêu trên và thuộc trách nhiệm của bên mời thầu, chủ đầu tư.
“Trường hợp hồ sơ mời thầu đưa ra các quy định như: yêu cầu một thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu có công trình tương tự đạt trên 80 % giá trị công trình và không cho phép cộng dồn năng lực của từng thành viên liên danh là chưa phù hợp, sẽ làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP nêu trên”, ông Hùng phân tích.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
theo Hàn Giang/TCDN