GNO- Nhà thầu cho rằng Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã vi phạm nghiêm trọng quy tắc đấu thầu, cố ý “cài” thêm một số tiêu chí vào hợp đồng tương tự nhằm chọn nhà thầu đã được định hướng tại dự án Tuyến nối QL91 và Tuyến tránh TP.Long Xuyên.
Nhà thầu cho rằng Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã vi phạm nghiêm trọng quy tắc đấu thầu, cố ý “cài” thêm một số tiêu chí vào hợp đồng tương tự nhằm chọn nhà thầu đã được định hướng tại dự án Tuyến nối QL91 và Tuyến tránh TP.Long Xuyên.
Không đảm bảo tính công bằng trong gói thầu cạnh tranh
Theo đó, hồ sơ mời thầu của các gói thầu CW4C- Xây dựng đoạn tuyến Km17+ 500 đến Km23+561, 22, giá gói thầu là 500,073 tỷ đồng; gói thầu CW4B- Xây dựng đoạn tuyến Km10+ 900 đến Km 17+500, giá gói thầu là 437 tỷ đồng; gói thầu CW4A- Xây dựng đoạn tuyến Km7+877,13 đến Km10+900, giá gói thầu là 361 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án Mỹ thuận trong quá trình mời thầu đã yêu cầu tăng giá trị hợp đồng tương tự lên 80% giá trị gói thầu (tương đương hơn 400 tỷ đồng đối với gói thầu CW4C).
Không dừng lại ở đó, đơn vị này còn sửa đổi tiêu chí về kinh nghiệm xây dựng. Cụ thể, hồ sơ mời thầu yêu cầu “một thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu này”.
Theo các nhà thầu, việc xây dựng yêu cầu về hợp đồng tương tự của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận là chưa phù hợp với yêu cầu thực tế của gói thầu. Những tiêu chí này đã hạn chế sự cạnh tranh trong quá trình đấu thầu, vi phạm Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch Đầu tư về quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp. Chưa hết, hồ sơ mời thầu yêu cầu về hợp đồng tương tự là quá cao và việc quy định đóng khung chi tiết như trên rất dễ dẫn đến cục diện chỉ một nhà thầu đáp ứng điều kiện.
Hơn thế nữa, trong trường hợp liên danh, việc yêu cầu một thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu có công trình tương tự đạt trên 80% giá trị công trình và không cho phép cộng dồn năng lực của từng thành viên liên danh dẫn đến việc hạn chế cạnh tranh của các nhà thầu và chỉ có rất ít nhà thầu lớn đáp ứng được yêu cầu.
“Thông thường, các chủ đầu tư hoặc bên mời thầu yêu cầu giá trị hợp đồng tương tự của nhà thầu đáp ứng khoảng 70% giá trị gói thầu đang mời. Bên cạnh đó, tùy vào tính chất của gói thầu mà tỷ lệ này có thể dao động lên hoặc xuống”, một nhà thầu cho biết.
“Cần làm rõ trách nhiệm của Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận”
Đó là đề nghị của một nhà thầu cạnh tranh trong gói thầu gói thầu CW4C- Xây dựng đoạn tuyến Km17+ 500 đến Km23+561, 22.
Theo nhà thầu này, trong công tác tổ chức đấu thầu, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận do ông Trần Văn Thi làm Giám đốc đã toàn quyền quyết định, bao gồm việc mời thầu, chấm thầu và bổ sung các quy định về hợp đồng tương tự kể trên mà không cần đến đơn vị tư vấn đấu thầu.
“Việc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chẳng khác nào “ra đề rồi tự mình chấm thi” cả, điều này hoàn toàn không minh bạch. Thêm vào đó, Ban quản lý lại thêm vào hợp đồng tương tự những quy định không phù hợp với yêu cầu thực tế của dự án khiến tôi rất bức xúc. Do đó, tôi kiến nghị các cơ quan hữu quan và ADB nhanh chóng thành lập đoàn thanh, kiểm tra và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trên” nhà thầu này khẳng định.
Được biết, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ vừa được tái lập vào tháng 2/2021 sau hơn 7 năm xóa sổ.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên do Bộ GTVT làm chủ đầu tư; Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Úc tài trợ, kinh phí hơn 2.100 tỷ đồng. Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư của tỉnh An Giang là 528,77 tỷ đồng. Dự án đi qua địa bàn 8 phường, xã ở TP.Long Xuyên, ảnh hưởng trực tiếp đến 558 hộ dân; tổng diện tích đất thu hồi trên 460.000m2; tổng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 430 tỷ đồng. |