Gò Công (Tiền Giang) một vùng đất nổi tiếng với nhiều sản vật độc đáo, trong đó có đặc sản mắm tôm chà. Người ta gọi mắm tôm chà Gò Công là món “Hoàng gia” bởi từ gần hai trăm năm trước, đây là sản phẩm “tiến vua” đã theo chân Thái hậu Từ Dụ vào cung đình Huế và nổi tiếng từ đó.
Theo các bậc cao niên tại thị xã Gò Công, thuở ấy con tôm bạc biển ở xứ Gò Công nhiều lắm nhiều đến mức ăn không hết người ta phải đem phơi khô hoặc làm mắm như mắm tôm chua, mắm ruốc đặc biệt là mắm tôm chà đây là món ăn đòi hỏi một quá trình chế biến một cách công phu khéo léo để dành ăn trong một thời gian dài. Nghề làm mắm tôm chà cũng xuất hiện từ thời đó.
Ra đời từ đầu thế kỷ 19 thế nhưng mắm tôm chà Gò Công chỉ thực sự được biết đến rộng rãi khi bà Phạm Thị Hằng sau này trở thành thái hậu Từ Dụ quý phi của vua Thiệu Trị tiến cung và mang theo món nước chấm này, kể từ ngày đó mắm tôm chà với hương vị đặc trưng của mình được yêu thích và trở thành món ăn đặc sắc dùng để tiếp đãi khách trong các buổi yến tiệc triều đình nhà Nguyễn. Tính đến nay món mắm tôm chà đã có tuổi đời hơn 200 năm và vẫn được các thế hệ con cháu giữ gìn phát triển.
Cách làm mắm tôm chà ở Gò Công thì mỗi nhà một công thức, nhưng căn bản phải qua các bước như sau: Tôm đất làm sạch nhưng cẩn thận không để mất gạch tôm, sau khi rửa sạch thì đem ngâm với rượu nếp khoảng 20 phút rồi vớt ra để ráo nước. Đem tôm giã nhuyễn với tỏi, ớt và muối, sau đó đem ủ độ một tuần rồi lấy hỗn hợp tôm ra chà qua rây để lấy phần thịt, loại bỏ xác. Đem thịt tôm phơi khoảng 20 nắng sẽ được món mắm tôm chà thơm ngon, bổ dưỡng.
Mắm tôm chà có thể bảo quản dùng cả năm vẫn không hư. Mắm tôm chà có thể thưởng thức với nhiều cách khác nhau đều ngon. Mắm tôm chà y (tức không pha thêm gia vị) xưa được người dân xứ Gò Công dùng làm món mặn ăn với cơm trắng dẻo, làm thức chấm cho món canh chua cá nấu lá me hay chấm với xoài, cóc xanh…
Đặc biệt, mắm tôm chà pha thêm với chút giấm, chanh, đường, tỏi và ớt băm sẽ là thức chấm độc đáo cho món thịt ba rọi luộc cuốn với bánh tráng, rau sống và bún.
Tại ấp Ông Non, xã Tân Trung, thị xã Gò Công, chị Huỳnh Thị Diễm – chủ cơ sở sản xuất mắm Bà Hai Diễm vẫn tiếp tục phát triển nghề làm mắm tôm chà gia truyền của gia đình qua 3 thế hệ. Vừa qua, Sở NN&PTNT Tiền Giang đã trao chứng nhận OCOP hạng 3 sao cho 3 sản phẩm của cơ sở do chị Diễm làm chủ, cụ thể là sản phẩm mắm tôm chua, mắm cá cơm và mắm ruốc. Trước đó, năm 2019, sản phẩm mắm tôm chà của cơ sở chị Diễm cũng đã được trao chứng nhận sản phẩm OCOP.
Đây là một động lực và là điều hiện thuận lợi cho sản phẩm của chị được cung ứng vào các siêu thị uy tính trong nước, góp phần phát triển ngành làm mắm tôm truyền thống nổi tiếng ở xứ Gò Công.
Nếu du khách có dịp về thăm Gò Công, du lịch bãi biển Tân Thành, thăm đền thờ Trương Định, khu lăng mộ Hoàng Gia (thân tộc bà Từ Dụ), sau khi thưởng thức các món đặc sản như nghêu ốc hương Tân Thành, bánh gía Hòa Đồng, nhớ mua một hũ mắm tôm chà, đem về cho người thân thưởng thức cả hương vị quê hương Nam Bộ.
theo Mai Quỳnh (theo THSP)