Với sự đa dạng về chủng loại, sản phẩm như lúa gạo, đồ uống, thảo dược, nội thất trang trí, dệt khăn… Thái Bình có nhiều tiềm năng để phát triển chương trình OCOP. Nói đến Thái Bình không thể không nhắc đến bánh cáy làng Nguyễn, món quà quê bình dị của người dân làng Nguyễn, xã Nguyên Xá (Đông Hưng) bởi những nét độc đáo riêng.
Thái Bình có nhiều đặc sản truyền thống nổi tiếng mang thương hiệu riêng. Tuy nhiên, câu chuyện đưa sản phẩm ra thị trường dường như vẫn quẩn quanh trong “ao làng”. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được kỳ vọng là “cú hích” góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm và chất lượng cuộc sống cho người dân.
Vì vậy gày 28/10/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 4018/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kế hoạch khung chỉ đạo điểm khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Thái Bình với 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển, Thái Bình có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế nông thôn. Nói đến Thái Bình là nói đến thế mạnh về thâm canh lúa với sản lượng đạt trên 1 triệu tấn/năm; đa dạng các loại cây màu: khoai tây, ngô, bí các loại, hành, tỏi, ớt…
Ngoài trồng trọt, Thái Bình còn có thế mạnh về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản với 54km bờ biển cùng bãi triều rộng lớn ở hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy. Cùng với đó, Thái Bình hình thành nhiều xã nghề, làng nghề truyền thống như chạm bạc Đồng Xâm, dệt đũi Nam Cao (Kiến Xương), dệt khăn Phương La (Hưng Hà), thêu Minh Lãng (Vũ Thư), gỗ mỹ nghệ Nguyên Xá (Vũ Thư), nón lá Nam Hải (Tiền Hải)… Toàn tỉnh có 245 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, thu hút trên 67.400 lao động. Mỗi năm, các làng nghề trong tỉnh sản xuất 100 tấn bánh kẹo các loại; trên 1.000 tấn bún, bánh đa; 3.000 tấn khăn các loại; 1,2 triệu sản phẩm may mặc; 500.000 sản phẩm mây tre đan các loại; 100.0000 sản phẩm chiếu cói…
Theo ông Vũ Công Bình, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình thì thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, HTX, các hộ gia đình đầu tư sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị bền vững, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Vì vậy, khi triển khai chương trình OCOP, Thái Bình sẽ có nhiều thuận lợi bởi sự đa dạng về nhiều sản phẩm đặc thù, là thế mạnh của địa phương.
Bánh cáy làng Nguyễn – món quà quê bình dị
Nói đến Thái Bình không thể không nhắc đến bánh cáy làng Nguyễn, món quà quê bình dị của người dân làng Nguyễn, xã Nguyên Xá (Đông Hưng) bởi những nét độc đáo riêng.
Bánh cáy làng Nguyễn có tuổi đời hơn 200 năm, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Nguyễn hiện nay vẫn giữ nguyên được nét văn hóa và thương hiệu của một làng nghề truyền thống không bị mai một bởi thời gian. Món bánh quê được làm từ những nguyên liệu là những nông sản địa phương: nếp cái hoa vàng, lạc, vừng, dừa, mứt bí, gừng, cà rốt, vỏ quýt tươi, mỡ lợn… theo tỷ lệ và quy trình tỉ mỉ, công phu tạo nên hương vị rất đặc trưng cho thứ bánh này. Nếu như xưa kia bánh cáy làng Nguyễn được làm hoàn toàn thủ công thì những năm gần đây, nhiều hộ sản xuất đã đầu tư kinh phí mua máy móc về sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, để sản xuất ra những chiếc bánh ngon lại thuộc về tâm huyết của những người thợ.
Ông Nguyễn Hữu Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá cho biết: Toàn xã có khoảng 1.000 hộ làm bánh cáy, trong đó trên 50 cơ sở lớn, với dây chuyền sản xuất khép kín; tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập từ 3 – 4 triệu đồng/tháng.
Nhờ phát triển nghề làm bánh cáy truyền thống, Nguyên Xá đã trở thành một trong những xã đi đầu về phát triển kinh tế của huyện Đông Hưng. Đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ của xã chiếm trên 80% cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 80%.
Đây chính là những điều kiện tiên quyết để Thái Bình phấn đấu đưa bánh cáy làng Nguyễn đạt tiêu chuẩn OCOP.
Mục tiêu năm 2020 – đưa sản phẩm OCOP đủ điều kiện xem xét công nhận đạt chuẩn 5 sao
Ngày 30/3/2020, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 34 về Thực hiện Chương trình OCOP năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, mục đích của Kế hoạch là triển khai, thực hiện hiệu quả các nội dung Chương trình OCOP của tỉnh một cách đồng bộ theo trình tự thủ tục đánh giá, xếp hạng sản phẩm của Chương trình.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình OCOP đến các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh.
Nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm đăng kí tham gia Chương trình OCOP năm 2020 và tổ chức xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn.
Kế hoạch đề ra chỉ tiêu: Nâng cấp ít nhất 15-20 sản phẩm chủ lực có thương hiệu và thị trường tiêu thụ (mỗi huyện từ 2-3 sản phẩm).
Phát triển mới ít nhất 8 sản phẩm, trong đó mỗi huyện từ 1-2 sản phẩm, tập trung vào các nhóm sản phẩm nông – thủy sản chế biến và thủ công mỹ nghệ.
Củng cố ít nhất 15 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm thế mạnh hiện có của các địa phương (doanh nghiệp, hợp tác xã,… ), ưu tiên đơn vị có sự tham gia quản trị của người địa phương.
Phát triển mới ít nhất 01 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP (ưu tiên mô hình thành lập hợp tác xã hoặc doanh nghiệp), ưu tiên đơn vị có sự tham gia quản trị của người địa phương.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP (tỉnh, huyện, xã) và lãnh đạo các doanh nghiệp/hợp tác xã tham gia OCOP: 100% cán bộ quản lý Chương trình OCOP, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn.
100% chủ thể sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất) tham gia OCOP được nâng cao kỹ năng phân phối, tiếp thị, xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP.
Mặc dù tham gia “sân chơi” OCOP muộn hơn so với các tỉnh thành khác những điều kiện thuận lợi và việc ban hành các kế hoạch kịp thời, Thái Bình sẽ đạt được những thành công nhất định, từ đó tạo dựng thương hiệu và “mở lối” cho các sản phẩm không chỉ vươn tầm quốc gia mà còn có cơ hội bước ra thị trường quốc tế.