23/01/2024 07:27 | gocnhinonline

GNO- Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dự án Nhà máy điện mặt trời KN Cam Lâm (gọi tắt là NMĐMT KN Cam Lâm) được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 – 2025, có xét đến 2035 (Quyết định số 424/QĐ-BCT ngày 31/1/2018). Dự án này nằm ở địa phận của xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà, có công suất là 50 MWp.

Tuy nhiên, trong quá trình Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (NLTT) thẩm định, đã không tiếp thu đầy đủ ý kiến của EVN tại văn bản số 5237/EVN-KH ngày 07/11/2017 đối với hồ sơ bổ sung dự án NMĐMT KN Cam Lâm vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa.

Trong đó, EVN có đề nghị đối với dự án này: “Có giải pháp tổng thể trong công tác Quy hoạch phát triển các nguồn điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để phù hợp với nhu cầu và cơ sở hạ tầng lưới điện, tránh gây áp lực quá lớn lên việc đầu tư hệ thống điện truyền tải và đảm bảo hiệu quả chung của toàn xã hội”.

Sau khi chủ đầu tư, công ty tư vấn hiệu chỉnh hồ sơ gửi Cục Điện lực và NLTT thẩm định, nhưng Cục Điện lực và NLTT đã không lấy lại ý kiến của EVN về phương án đấu nối trước khi trình Bộ trưởng phê duyệt.

Đến thời điểm kiểm tra, dự án NMĐMT Cam Lâm vẫn chưa chuyển về phương án đấu nối chính. Trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương, Cục Điện lực và NLTT.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ: “Việc Sở Tài chính đánh giá nguồn vốn chủ sở hữu chỉ dựa trên cam kết góp vốn của nhà đầu tư, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định 792/QĐ-UBND ngày 23/3/2018 chấp thuận nhà đầu tư Công ty TNHH Điện Mặt trời KN Cam Lâm thực hiện dự án NMĐMT KN Cam Lâm là thực hiện không đúng khoản 3 Điều 10 Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 của Bộ Công Thương. Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Khánh Hòa và các sở ngành có liên quan”.

Toàn cảnh dự án Nhà máy ĐMT KN Cam Lâm

Đồng thời, UBND tỉnh Khánh Hòa chưa hoàn thành việc xử lý khoản ngân sách nhà nước đã chi giải phóng mặt bằng thuộc dự án Hồ chứa nước Tà Rục trước đây với tổng số tiền 77,8 tỷ đồng (theo báo cáo của UBND huyện Cam Lâm), sau đó UBND tỉnh đã thu hồi đất cho Công ty CP điện mặt trời KN Cam Lâm thuê đất để thực hiện dự án Nhà máy ĐMT KN Cam Lâm và cho Công ty CP Cam Lâm Solar thuê đất để thực hiện dự án NMĐMT Cam Lâm VN theo ý kiến của Bộ Tài chính tại văn bản số 997/BTC-QLCS ngày 28/1/2022.

Về việc này, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 592/TB-UBND ngày 26/12/2022 kết luận, chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với sở ngành để xử lý tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án thuê đất tại bãi vật liệu phục vụ thi công Hồ chứa nước Tà Rục theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính và quy định của pháp luật. Trách nhiệm đối với khuyết điểm nêu trên thuộc về UBND tỉnh Khánh Hòa và các sở ngành có liên quan.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện các biện pháp xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân thuộc Bộ Công Thương và UBND tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương khắc phục khuyết điểm, vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa rà soát, xử lý đối với các khoản ngân sách nhà nước đã chi cho việc giải phóng mặt bằng thuộc dự án Hồ chứa nước Tà Rục với tổng số tiền 77,8 tỷ đồng (tạm tính). Sau đó, tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi đất cho Công ty CP điện mặt trời KN Cam Lâm thuê đất để thực hiện dự án NMĐMT KN Cam Lâm, cho Công ty CP Cam Lâm Solar thuê đất để thực hiện dự án NMĐMT Cam Lâm VN theo đúng ý kiến của Bộ Tài chính tại văn bản số 997/BTC-QLCS ngày 28/1/2022.

KN Cam Lâm và mối liên hệ với Golf Long Thành

Theo tìm hiểu, dự án NMĐMT KN Cam Lâm do Công ty CP Điện mặt trời KN Cam Lâm làm chủ đầu tư. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là bà Lê Nữ Thuỳ Dương và ông Trần Quốc Thanh giữ chức vụ giám đốc. Ngoài ra, bà Lê Nữ Thùy Dương còn làm đại diện pháp luật Công ty CP Cam Lâm Solar và ông Trần Quốc Thanh giữ chức vụ giám đốc.

Được biết, KN Cam Lâm được thành lập vào tháng 4/2017, vốn điều lệ ban đầu 400 tỷ đồng. Còn Cam Lâm Solar được thành lập vào tháng 7/2014 với 280 tỷ đồng vốn điều lệ. Cam Lâm Solar còn là chủ đầu tư dự án NMĐMT Cam Lâm VN. Cả hai pháp nhân này đều được góp vốn bởi Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành (Golf Long Thành) và ông Lê Văn Kiểm với tỷ lệ lần lượt là 20% và 80%.

Ông Lê Văn Kiểm và bà Lê Nữ Thùy Dương (cha, con) từng liên đến dự án Khu dân cư thương mại Phước Thái (dự án KDC Phước Thái) tại phường Tam Phước, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nam. Dự án này do Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Phước Thái làm chủ đầu tư và ông Trương Quốc Tuấn (sinh năm 1975) là Tổng giám đốc doanh nghiệp này.

Ông Lê Văn Kiểm và những thành viên trong gia đình của mình

Liên quan đến sai phạm tại dự án, ngày 31/8/2023, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên án ông Tuấn với mức án 14 năm tù, và nhiều bị cáo khác là cựu cán bộ ở Đồng Nai với mức án từ 4-10 năm tù vì gây thiệt hại cho nhà nước số tiền gần 79 tỷ đồng tại dự án này.

Trong vụ án trên, kết luận của VKSND tỉnh Đồng Nai nêu rõ: Việc ông Kiểm, bà Dương ký các tài liệu do Tuấn (từng là Trợ lý Tổng giám đốc Công ty Huy Hoàng từ năm 2003-2013) đưa có liên quan đến Nguyễn Hữu Thành là do tin tưởng Tuấn để Tuấn hoàn tất các thủ tục pháp lý dự án có liên quan đến hợp đồng số 10. Ông Kiểm, bà Dương (đại diện Công ty Huy Hoàng) không hưởng lợi từ việc Tuấn lập khống hồ sơ để Nguyễn Hữu Thành là chủ sử dụng đất… Do đó, hành vi của ông Lê Văn Kiểm và bà Lê Nữ Thùy Dương không là đồng phạm với Trương Quốc Tuấn trong vụ án, nên không có căn cứ để xử lý hình sự.

Về hoạt động kinh doanh của Golf Long Thành, 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 16,6 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, mức lợi nhuận này của Golf Long Thành là tăng 14,5%.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này tăng nhẹ lên 6.723 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Golf Long Thành tính đến 30/6/2023 là 2,16 lần. Tương ứng phải trả khoảng 14.541 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm năm 2022 là 2,06 lần, tương ứng nợ phải trả ở mức 13.832 tỷ đồng. Trong số nợ phải trả, có 1.481 tỷ đồng là nợ trái phiếu, chiếm 22% vốn chủ sở hữu và khoảng 10,2% tổng nợ phải trả.

Lợi nhuận èo uột trong nửa đầu năm 2023, khiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của Golf Long Thành chỉ ở mức 0,248%.

[lời bình C.P] Trước đó ông lớn Hàn Quốc đã rút lui khỏi dự án? Có phải chăng họ thấy không ổn tại dự án này? Hơn nữa, cũng đang có khá nhiều thông tin xoay quanh sân Golf Tân Sơn Nhất sẽ được xin ưu tiên dành 1 phần để làm tổ hợp thương mại (C.P sẽ tìm hiểu thêm và thông tin về việc này sau).

C.P (theo Kết luận Thanh tra chính phủ)

Bài viết cùng chuyên mục