13/01/2022 18:02 | gocnhinonline
GNO- Ngày 12/1, tại hội nghị “Thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua vận tải đường biển”, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, hiện có khoảng 30 công ty vận tải biển khai thác việc vận chuyển, lưu thông container từ Việt Nam sang Trung Quốc như Cosco, SITC, Yangming…

Qua theo dõi, trong tháng 11/2021 tại các cảng ở TP.HCM có 4.000 container lạnh chở nông sản, chủ yếu là các loại trái cây. Sang tháng 12/2021, số lượng tăng gấp 3 lần. Còn tại Hải Phòng, có khoảng 1.000 container lạnh đã được vận chuyển qua Trung Quốc và còn 1.000 container đang nằm chờ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, cửa khẩu Lào Cai vừa chính thức cho mặt hàng thanh long thông quan sang Trung Quốc. Còn cửa khẩu Móng Cái, ngày 10/1, phía Trung Quốc vừa cho thông quan. Thế nhưng, chỉ sau 2 ngày, Trung Quốc vừa thông báo tạm dừng do phát hiện một lô hàng chứa virus SARS CoV-2 trên bao bì nhãn mác.

Theo ông Giang, hàng nông sản xuất bằng đường biển cần phải đầy đủ giấy tờ, xuất bằng chính ngạch và đáp ứng được các tiêu chuẩn của Trung Quốc. Bởi hiện nay, nhiều lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng thiếu giấy tờ, rất dễ bị trả lại. Lúc đó, đơn vị xuất khẩu sẽ phải trả thêm rất nhiều chi phí.

Để chuyển hàng bằng đường biển, các DN cần phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời có giấy chứng ngạch an toàn thực phẩm

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông sản cho rằng, dù vận chuyển bằng đường bộ hay đường biển, Trung Quốc vẫn kiểm dịch rất chặt chẽ theo chính sách “Zero Covid”. Hiện nay, tất cả hàng nông, thủy sản của Việt Nam khi sang Trung Quốc đều phải đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, sâu hại. Do đó, để việc thông quan được thuận tiện, các doanh nghiệp cần phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời có giấy chứng ngạch an toàn thực phẩm, tuân thủ hướng dẫn 5K phòng chống, dịch bệnh trên hàng hóa.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, các doanh nghiệp cần khai thác song song bằng đường biển, đường bộ, thậm chí nghiên cứu chuyển sang đường hàng không. Đối với cước phí vận chuyển, ông Sang cho biết phần lớn là của các hãng tàu quốc tế nên khó can thiệp vào giá. Bộ GTVT sẽ làm việc với các hãng tàu, khuyến khích các đơn vị này tăng tần suất đi chuyến Việt Nam – Trung Quốc, đồng thời làm việc với một số cảng để ưu tiên các hàng nông sản xuất khẩu.

“Các doanh nghiệp và hiệp hội cần thống kê số lượng hàng nông sản cần vận chuyển bằng đường biển một cách chi tiết. Về lâu dài, chúng ta cần đầu tư năng lực vận chuyển, thu hút các đội tàu quốc tế tham gia chuỗi logistic của Việt Nam”, ông Sang nói.

theo Dương Hưng/tienphong

Bài viết cùng chuyên mục