01/06/2020 17:55 | gocnhinonline

Nhiều năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ nấm ngày càng phát triển và mở rộng ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, chủ yếu là Đức, Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản… Nghề trồng nấm ở nước ta đã có từ lâu và đạt được những thành tựu đáng kể, đặc biệt ở đồng bằng có nguồn nguyên liệu rơm phong phú để phát triển sản xuất nấm rơm.

Theo Cục Trồng trọt, cả nước ta sản xuất 16 loại nấm, trong đó các tỉnh phía Nam chủ yếu trồng nấm rơm, nấm mộc nhĩ; các tỉnh phía Bắc trồng nấm hương, nấm sò, nấm linh chi. Sản lượng nấm cả nước đạt hơn 250.000 tấn/năm. Kim ngạch xuất khẩu nấm đạt từ 25 – 30 triệu USD, trong đó xuất khẩu nhiều nhất là nấm mộc nhĩ 120.000 tấn, nấm rơm 64.000 tấn.

Nâng cao phát triển nghề trồng nấm, góp phần xây dựng kinh tế nông thôn

Cũng theo đánh giá của PGS.Ts Mai Thành Phụng, Trưởng bộ phận thường trực Nam bộ, Trung tâm khuyến nông Quốc Gia thì sự phát triển đó vẫn chưa ngang tầm với tiềm năng và lợi thế bởi nước ta có nguồn nguyên liệu phong phú sẵn có, nguồn lao động dồi dào và điều kiện thời tiết thích hợp cho nghề trồng nấm phát triển.

Điển hình ở Long An, nghề trồng nấm được hình thành khá sớm, tập trung tại các huyện: Bến Lức, Thủ Thừa, Châu Thành, Mộc Hoá. Sản lượng nấm rơm đạt 400 tấn/năm, nấm bào ngư 36 tấn/năm, nấm linh chi 2 tấn/năm.

Tại đây, nhiều mô hình trồng nấm được hình thành và mang lại hiệu quả. Đáng chú ý là trồng nấm bào ngư trên mạt cưa, trồng nấm rơm; đặc biệt Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN của tỉnh đang triển khai dự án xây dựng mô hình sản xuất nấm hàng hoá theo hướng công nghiệp.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của địa phương là nông dân thiếu vốn sản xuất, chưa mạnh dạn đầu tư cơ giới hoá vào sản xuất nấm, chỉ sản xuất nhỏ lẻ, không có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cơ sở sản xuất giống là tư nhân nên chất lượng nguồn giống không kiểm soát được.

Không chỉ ở tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Tiến (Sinh năm 1971, thôn Phước Thượng, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) cũng đã thành công với mô hình sản xuất nấm rơm, mang lại kinh tế ổn định và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Được biết, đầu năm 2007, ông trồng thử nghiệm nấm rơm trên diện tích 500m2 đất vườn. Nhờ thực hiện bài bản quy trình kỹ thuật nên nấm phát triển tốt, cho năng suất cao, hình dáng đẹp, được thị trường ưa chuộng. Nhờ thế mà chỉ năm đầu tiên đã cho ông lãi ròng không dưới 30 triệu đồng. Thấy nguồn thu nhập khá, cộng thêm sự hỗ trợ từ các đoàn thể của xã trong việc tiếp cận vốn vay. Từ năm 2012 đến nay ông mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô trang trại lên 6.000m2 với 12 trại nấm. Nhờ trồng nấm rơm, gia đình ông đã thoát nghèo.

Để có nguồn giá thể sản xuất nấm, ông nhận thu mua rơm khô từ các đồng ruộng trong toàn huyện, xây dựng nhà chứa để bảo quản rơm được tốt hơn. Với sản lượng nấm ổn định, mỗi tháng ông xuất bán ra thị trường trong tỉnh và một số địa phương lân cận khoảng 500kg nấm, mức giá bình quân 70 nghìn đồng/kg. Mô hình của ông giúp 6 – 7 lao động tại địa phương có công ăn việc làm ổn định, mức thu nhập 3,5 – 4 triệu đồng/người/tháng.

“Để trồng nấm phát huy hiệu quả, tôi sử dụng nguồn rơm nguyên liệu sạch, không nhiễm các loại nấm mốc ký sinh, đặc biệt chú ý kỹ đến men giống vì đây là yếu tố quyết định sự thành công. Khi đưa vào nhà trồng, phải chủ động phòng trừ các loại bệnh hại trên nấm. Nếu không quan tâm khâu này, năng suất và chất lượng nấm sẽ đạt thấp” – ông Tiến chia sẻ.

Link G:https://thuonghieusanpham.vn/vung-nguyen-lieu-tang-cuong-phat-trien-nghe-trong-nam

Gia Hân (TH&SP)

Bài viết cùng chuyên mục