14/05/2021 07:27 | gocnhinonline

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao; Việt Nam mong muốn các quốc gia chia sẻ thông tin miễn trừ bản quyền đối với vaccine COVID-19 để các loại vaccine sớm được phổ biến rộng rãi ở tất cả các nước trên thế giới.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao vừa diễn ra, chia sẻ quan điểm liên quan đến việc Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố ủng hộ việc miễn trừ bản quyền đối với vaccine ngừa COVID-19, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát và các nước nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh, Việt Nam đã rất nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine phòng COVID-19 trên thế giới để sớm nhập khẩu về sử dụng trong nước.

Cho đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được một số nguồn cung cấp vaccine có cam kết cung ứng từ Chương trình COVAX facilities, từ nhà sản xuất và cung cấp vaccine AstraZeneca. Việt Nam cũng đang thực hiện tiêm chủng cho những đối tượng được ưu tiên.

Ngoài nguồn cung cấp vaccine nhập khẩu, Việt Nam đang thúc đẩy nghiên cứu, phát triển vaccine ở trong nước. Vaccine do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong năm 2022 để có thể chủ động nguồn cung, an ninh y tế, ứng phó khi đại dịch xảy ra trong tương lai.

“Đồng thời, để mở ra cơ hội khống chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này, Việt Nam cũng mong muốn các quốc gia chia sẻ thông tin miễn trừ bản quyền đối với vaccine COVID-19 để các loại vaccine sớm được phổ biến rộng rãi ở tất cả các nước trên thế giới”, Người Phát ngôn nhấn mạnh.

Việt Nam mong muốn các quốc gia miễn trừ bản quyền vaccine COVID-19

Trước đó, vào ngày 5/5, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai tuyên bố, mặc dù quyền sở hữu trí tuệ đối với các doanh nghiệp là quan trọng, Washington “ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp bảo hộ bằng sáng chế đối với vaccine COVID-19” để chấm dứt đại dịch.

“Đây là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, những sự bất thường của COVID-19 đòi hỏi các biện pháp đặc biệt”, bà Katherine Tai nói. Trong những tuần gần đây, Katherine Tai cũng đã gặp gỡ giám đốc điều hành của tất cả nhà sản xuất vaccine lớn của Mỹ, gồm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson để thảo luận về vấn đề này.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi quyết định của Mỹ là “mang tính lịch sử” và đánh dấu “một mốc to lớn trong cuộc chiến chống Covid-19”. Tuy nhiên, Tai cảnh báo rằng các cuộc đàm phán “sẽ mất nhiều thời gian do WTO ra quyết định dựa trên sự đồng thuận”.

COVID-19 đã cướp đi sinh mạng hơn 3,2 triệu người trên toàn thế giới nhưng nhiều quốc gia giàu có đã đạt được tiến bộ trong việc ngăn chặn virus nhờ các chiến dịch tiêm chủng. Toàn cầu đã tiêm hơn 1,2 tỷ liều vaccine, nhưng chưa đến 1% số đó được tiêm ở các nước kém phát triển nhất.

Mỹ không gặp vấn đề thiếu vaccine như Ấn Độ hay nhiều nước khác. Họ có thể sớm có thêm 300 triệu liều vaccine, gần tương đương với toàn bộ dân số. Tổng thống Mỹ Biden cho biết, ông muốn 70% người trưởng thành ở Mỹ được tiêm ít nhất một mũi vaccine trước ngày Quốc khánh 4/7. Ông cũng nhấn mạnh chính quyền “sẵn sàng hành động ngay lập tức” nếu các cơ quan quản lý cho phép tiêm vaccine Pfizer-BioNTech cho trẻ 12-15 tuổi.

Trong khi đó, tình trạng thiếu vaccine đang cản trở nỗ lực tiêm chủng của Ấn Độ. Tuần trước,Chính phủ nước này thông báo cho phép tiêm chủng cho những người từ 18 tuổi trở lên, nhưng chỉ có 12 trong 36 bang và vùng lãnh thổ Ấn Độ có đủ vaccine để triển khai.

Như đã biết, bằng sáng chế vaccine được tạo ra nhằm ngăn chặn các đối thủ sao chép thành quả của một hãng dược và tung ra sản phẩm tương tự. Các phòng thí nghiệm nghiên cứu ra vaccine ngừa COVID-19 đã bảo vệ bí mật thương mại của họ để ngăn chặn việc sao chép bất hợp pháp. Các nhà sản xuất thì xin cấp quyền sở hữu trí tuệ khi cho rằng vaccine sẽ sinh lợi hoặc đóng vai trò quan trọng với xã hội.

Chính vì vậy, ý tưởng cấp quyền miễn trừ tạm thời đối với quyền sở hữu trí tuệ sẽ cho phép bất kỳ quốc gia nào đều có thể sản xuất vaccine mà không cần lo lắng về bằng sáng chế và do đó sản xuất nhiều liều hơn với giá thấp hơn. Cụ thể, trong khuôn khổ việc dỡ bỏ các bằng sáng chế, các quốc gia sẽ cấp giấy phép cho các công ty địa phương, mà chủ sở hữu các bằng sáng chế này không thể có ý kiến. Trên lý thuyết, điều này sẽ làm tăng số lượng địa điểm sản xuất và giảm khoảng cách ngày càng tăng giữa các nước giàu và các nước nghèo nhất.

theo Bảo Lâm (vietQ)

 

Bài viết cùng chuyên mục