21/04/2020 16:48 | gocnhinonline

Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã kết luận hàng loạt sai phạm tại dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né do Công ty cổ phần Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (APEC Group) liên kết với Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ Việt Nam). Thậm chí, chủ đầu tư đã huy động vốn sớm từ khách hàng khi bán sản phẩm căn hộ condotel không “có thật” tại dự án.

Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận vừa công bố Kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản, Luật phòng chống rửa tiền đối với hàng loạt dự án nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 1/9/2019, Bình Thuận có 70 dự án bất động sản được chấp thuận đầu tư, trong đó có 32 dự án khu dân cư, khu đô thị và 38 dự án du lịch nghỉ dưỡng kết hợp kinh doanh bất động sản.

Nhiều dự án đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư, chưa được cấp quyền sử dụng đất, chưa xây dựng, chưa đủ điều kiện kinh doanh… nhưng chủ đầu tư, đơn vị phân phối, môi giới đã tổ chức bán hàng, huy động vốn trái phép dưới hình thức đặt cọc, đặt chỗ. Các dự án cũng chưa thực hiện bảo lãnh huy động vốn theo quy định. Thậm chí có hiện tượng quảng cáo, giới thiệu sản phẩm không đúng với quy hoạch xây dựng, thiết kế công trình được phê duyệt.

Trong đợt 1 thanh tra vào tháng 10/2019, Đoàn thanh tra Sở Xây dựng Bình Thuận đã thanh tra 14 dự án bất động sản lớn và phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, bất chấp quy định pháp luật. Có thể kể đến hàng loạt dự án “đình đám” như: dự án khu liên hợp hồ Điều hoà, chỉnh tra đô thị và thương mại Hưng Long, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né, dự án khu du lịch vui chơi biệt thự nghỉ dưỡng Royal Ruby Villa Mũi Né, dự án Sentosa Villa…

Đây đều là những dự án sử dụng quỹ đất lớn, nằm ở vị trí đẹp dọc bãi biển Phan Thiết, có tổng mức đầu tư được quảng bá là cả nghìn tỉ đồng.

Đáng chú ý, dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né tọa lạc tại tại tuyến đường DT716, TP. Phan Thiết do APEC Group và IDJ Việt Nam làm chủ đầu tư, có diện tích đất khoảng 4,5ha và xây dựng hơn 2.700 căn hộ.

Tại thời điểm thanh tra, dự án này đang được san nền, xây dựng đường giao thông tạm, đường điện, thi công một cọc thử tải… Dự kiến đến quý 1/2020 mới khởi công xây dựng sau khi được cấp phép xây dựng. Chủ đầu tư APEC Group báo cáo rằng, chưa thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng cũng như chưa ký hợp đồng kinh doanh bất động sản với tổ chức, cá nhân nào.

APEC Group và hai sàn Khải Hoàn Land , Cland vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng, rửa tiền, huy động vốn trái phép

Trên thực tế, chủ đầu tư và đơn vị phân phối đã “bán chui” sản phẩm tại dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né cho nhiều khách hàng, thông qua các hình thức ký kết hợp đồng vay vốn, văn bản thoả thuận, bản đăng ký nguyện vọng… Khi kiểm tra, chủ đầuu tư còn lắp dựng các bảng quảng cáo về việc bán căn hộ condotel xung quanh dự án này. Sau đó, ngày 10/6/2019, Sở Xây dựng đã có công văn chấn chỉnh việc giao dịch, mua bán và chuyển nhượng bất động sản vi phạm Luật kinh doanh bất động sản tại dự án của APEC Group.

Mặt khác, qua đơn thư phản ánh, kiến nghị của công dân, Sở Xây dựng đã phát hiện Công ty IDJ Việt Nam có giao dịch với Công ty Cổ phần Bất động sản Khải Hoàn Land và  Công ty Cổ phần Dịch vụ và Đầu tư bất động sản Cland.

Nhưng hai công ty môi giới bất động sản này chưa báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu định kỳ hàng tháng về Sở Xây dựng theo quy định của Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Công ty IDJ Việt Nam cũng chưa thực hiện việc báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu định kỳ về Sở Xây dựng theo quy định tại điểm b, khoản 1 và điểm a, khoản 2, Điều 13 của Nghị định số 117/2015/NĐ-CP.

Thời gian qua, chủ đầu tư và các nhà phân phối quảng cáo, tiếp thị bán căn hộ nghỉ dưỡng tại dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né kèm “hứa hẹn” sẽ được cấp quyền sở hữu (sổ hồng) trong 50 năm khiến nhiều khách hàng, nhà đầu tư tin tưởng góp vốn, đặt tiền mua.

Thế nhưng, kết luận thanh tra cho thấy, tháng 9/2019, Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển Mũi Né của APEC Group gồm hệ thống phòng nghỉ, spa, bể bơi, cây xanh, tiện ích, cảnh quan phục vụ khách du lịch. Khu đất 45.876,4m2 được Thành phố Phan Thiết ký hợp đồng cho Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam thuê là đất thương mại, dịch vụ.

Do đó, đây không phải là dự án xây dựng nhà ở thương mại, việc huy động vốn tại dự án không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở. Việc mua bán căn hộ không đúng theo nguyên tắc mua bán nhà, công trình xây dựng tại Điều 19 Luật kinh doanh bất động sản 2014.

Nói cách khác, sản phẩm căn hộ condotel mà APEC Group và các công ty môi giới (Khải Hoàn Land, CLand) đang rao bán, nhận tiền huy động vốn từ nhiều khách hàng thực chất lại không hề tồn tại trong quy hoạch của dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né.

Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra đã khẳng định: Công ty Cổ phần Dịch vụ và Đầu tư bất động sản Cland và Khải Hoàn Land chưa thực hiện các quy định về phòng chống rửa tiền theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013, Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 11/11/2014 và Luật kinh doanh Bất động sản.

Apec Group và IDJ có đủ tiền xây dự án nghìn tỉ?

Theo giới thiệu, APEC Group và IDJ Việt Nam liên kết đầu tư dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né có tổng vốn 15.000 tỉ đồng. Dự án sẽ được khởi công vào quý 1/2020 và dự kiến hoàn thành vào quý 3/2021, cung cấp 2.700 căn hộ condotel và quảng cáo sẽ được cấp sở hữu sổ hồng 50 năm.

Thành lập năm 2006, Công ty cổ phần Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (APEC Group, mã: API) có trụ sở tại tầng 3, toà nhà Charmvit Tower, số 117 Trần Duy Hưng, Hà Nội. Từ vốn điều lệ ban đầu 22,95 tỉ đồng, APEC Group nhanh chóng tăng vốn lên 326 tỉ đồng ở hiện tại. Tháng 10/2019, APEC đã niêm yết cổ phiếu lên UpCOM.

Có địa chỉ kinh doanh tại tầng 16, toà nhà Charmvit, Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ Investment, mã: IDJ) ra đời năm 2007 với vốn điều lệ 149,6 tỉ đồng. Năm 2010, công ty đã niêm yết cổ phiếu IDJ lên sàn HNX.

Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né (Phan Thiết) là thương vụ hợp tác đầu tư bất động sản đầu tiên của APEC Group và IDJ Việt Nam.

Thế nhưng, tình hình tài chính của hai doanh nghiệp này lại rất đáng ngại, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối thanh khoản do phụ thuộc vào những khoản huy động vốn lớn từ nhận tiền trước từ khách hàng, vay nợ, nợ đối tác bán hàng… Đến cuối năm 2019, chủ đầu tư APEC Group có tổng tài sản 2.453 tỉ đồng. Nhưng tổng nợ phải trả gần 1.960 tỉ đồng, chủ yếu là tiền người mua trả trước ngắn hạn hơn 776 tỉ đồng, nợ vay gần 467 tỉ đồng… Lợi nhuận kinh doanh chỉ có hơn 24 tỉ đồng, giảm đáng kể so với mức lãi cũng khiêm tốn 37 tỉ đồng của năm 2018.

Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của IDJ Việt Nam có gần 1.390 tỉ đồng, nhưng tổng nợ phải trả ngắn hạn lên tới 1.036 tỉ đồng. Lợi nhuận cả năm chỉ có 29,15 tỉ đồng, giảm 44% so với năm trước.

Với quy mô tài sản ngang ngửa với tổng nợ phải trả, lợi nhuận lẹt đẹt, liệu rằng APEC Group và IDJ Việt Nam có đủ nguồn tài chính để đầu tư dự án lớn 15.000 tỉ đồng, gấp 4 lần tổng tài sản của hai công ty hay không? Và trong tình cảnh “đói vốn”, chủ dự án luôn có xu hướng “mượn vốn” từ những nhà đầu tư, khách hàng bất chấp dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, bán hàng.

Link G: https://kinhtemoitruong.vn/vi-pham-luat-phong-chong-rua-tien-lien-minh-apec-group-idj-viet-nam-ban-condotel-tren-giay-16501.html
Hải Nam-Trung Phương Ly
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường
Bài viết cùng chuyên mục