Sau những phản ánh của Thương hiệu và Công luận về nhiều “bất thường” của những sản phẩm mỹ phẩm mang thương hiệu MQ Skin, Thanh tra Sở Y tế TP. HCM đã xử phạt Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu MQ (MQ Skin) 30 triệu đồng vì quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp theo quy định.
Ngày 3/3/2021, Thanh tra Sở Y tế TP. HCM cho biết, đơn vị đã xử phạt Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu MQ – MQ Skin (có địa chỉ tại 280 Lê Văn Sỹ phường 14 Quận 3, TP. HCM) 30 triệu đồng và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo có nội dung không phù hợp do Công ty này quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.
Được biết từ đầu tháng 01/01 đến 05/02/ 2021, riêng trong lĩnh vực Dược – Mỹ phẩm, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã xử phạt nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm (với tổng số tiền gần 300 triệu đồng) như: Xử phạt 75,5 triệu đồng Công ty TNHH SX và TM Vương Kim Long (tại 267 Khuông Việt, phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP.HCM) do đơn vị này sản xuất mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa,… và buộc công ty thu hồi và tiêu hủy hàng hóa không đạt tiêu chuẩn chất lượng; xử phạt Công ty TNHH Quốc tế Đại Cát Á (có địa chỉ tại 43D/44 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM) 35 triệu đồng và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo do Công ty này quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung thực hiện quảng cáo theo quy định; xử phạt ông Tạ Văn Mừng ( có địa chỉ tại 258 Đặng Văn Bi phường Bình Thọ, TP.Thủ Đức, TP.HCM) 25 triệu đồng do mua, bán thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược;….
Liên quan đến việc cơ quan chức năng xử phạt Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu MQ – MQ Skin vì vi phạm quy định của pháp luật, như Thương hiệu và Công luận đã có loạt bài phản ánh về việc, hiện nay trên thị trường đang xuất hiện sản phẩm mỹ phẩm mang nhãn hiệu MQ Skin được bán rầm rộ với những quảng cáo “có cánh” như thuốc chữa bệnh, xuất xứ Hàn Quốc, công nghệ Hàn Quốc,… khiến nhiều người tiêu dùng “sập bẫy”.
Cụ thể, trên thị trường mỹ phẩm trên cả nước đang xuất hiện nhiều sản phẩm mang thương hiệu MQ Skin như: MQ Skin Ginseng Cleansing (Số CB: 0538/20/CBMP – LA); MQ Skin Ginseng sparkling water (Số CB: 0022079/20/CBMP – HCM); MQ Skin Ginseng Repair Ampoule (Số CB: 002122/20/CBMP –HCM); MQ Skin Anti – Melasma Cream, (Số CB: 002069/20/CBMP – HCM); MQ Skin Ginseng white Cream, (Số CB 002575/19/CBMP – HCM); MQ Skin Ginseng Repair Serum, (Số CB 002559/19/CBMP – HCM); MQ Skin Ginseng Repair SerumPremium, (Số CB 002559/19/CBMP – HCM); MQ Skin UV Protection Sunblock, (Số CB 004629/20/CBMP – HCM);…
Tuy các sản phẩm, những sản phẩm trên đều được nhiều trang website, mạng xã hội được quảng cáo “chuyển giao công nghệ Hàn Quốc”, vậy đối với người tiêu dùng, câu hỏi đặt ra là công nghệ Hàn Quốc là công nghệ nào? Nguyên liệu hay dây chuyền máy móc của Hàn Quốc chuyển về cho nhà máy sản xuất hay cho công ty CP XNK MQ? Chính những điều này rất dễ gây hiểu lầm cho khách hàng về nguồn gốc của sản phẩm (khi tham khảo trên mạng internet, đặt mua những sản phẩm trên), chỉ khi có trong tay những sản phẩm này thì mới thấy trên các bao bì đều có chữ “Xuất xứ: Made in Việt Nam” (như vậy rõ ràng những sản phẩm trên đều không phải là sản phẩm được nhập khẩu trực tiếp từ Hàn Quốc).
Đặc biệt, trong quá trình thu thập thông tin Phóng viên Thương hiệu và Công luận phát hiện trên website: www.tapdoanmqskin.com, www.mqgroup.com.vn, rất nhiều hình ảnh các hình ảnh sản phẩm nhãn hiệu MQ Skin nhưng lại được ghi là: Trị mụn rỗ, nám, tàn nhang, da không đều màu, se khít lỗ chân lông, thải độc gấp 5 lần so với những loại kem bình thường, trị da hư tổn do dùng thuốc rượu, kem chứa corticoid, chất tẩy… Cần làm rõ tính chân thật của những thông tin này. Bởi, theo quy định những từ như: Trị; Điều trị,… không được chấp nhận trong việc công bố tính năng cũng như đặt tên cho sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Cần làm rõ tính chân thật của những thông tin này.
Thực tế cho thấy, trên thị trường không ít doanh nghiệp “gian manh” chỉ vì lợi nhuận mà lừa dối khách hàng bằng cách quảng cáo, ghi nhãn “thổi phồng” công dụng, tính năng của sản phẩm. Điều này có thể khiến người tiêu dùng hiểu nhầm và ngộ nhận về mĩ phẩm. Ngoài ra, nếu chỉ dựa vào những lời quảng cáo “có cánh” mà không tìm hiểu rõ thông tin về sản phẩm, thì người tiêu dùng nhất là những người mắc bệnh về da lâu năm rất dễ nhầm tưởng và “sập bẫy”. Kết quả là chưa chắc đã khỏi mà còn đối mặt với nguy cơ “tiền mất, tật mang”.
Theo văn bản số 602/STY-VP, ngày 29/1/2021 của Sở Y tế TP. HCM V/v: “trả lời Thương hiệu và Công luận liên quan đến Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu MQ” việc 2 sản phẩm mang thương hiệu MQ Skin (MQ Skin Ginseng Repair Serum và MQ Skin Ginseng Repair Serum Premium) đang trôi nổi ngoài thị trường nhưng cùng ghi một số phiếu công bố 002559/19/CBMP – HCM. Thì Sở Y tế TP.HCM đã cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm số 02559/19/CBMP-HCM ngày 26/6/2019 đối với sản phẩm “MQ skin – Ginseng Repair Serum” cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu MQ là tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm “MQ skin Ginseng Repair Serum” do Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Chi Chi (Địa chỉ: 240/13/18E Nguyễn Văn Luông, Phường 11, Quận 6, TPHCM) sản xuất.
Như vậy, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu MQ không phải là đơn vị sản xuất sản phẩm mĩ phẩm MQ skin Ginseng Repair Serum và sản phẩm mỹ phẩm MQ Skin Ginseng Repair Serum Premium chưa có số công bố, điều này đồng nghĩa với việc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu MQ đang có dấu hiệu dối người tiêu dùng, đưa sản phẩm này ra thị trường khi sản phẩm chưa được cơ quan chức năng cho phép.
Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, trước việc sản phẩm MQ Skin Ginseng Repair Serum (Tinh chất nhân sâm tái tạo da) trên bao bì có ghi: “CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ HÀN QUỐC”, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu MQ, địa chỉ: 280 Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Mã vạch sản phẩm 8936117150012. NSX 03/09/20, HSD 03/09/23 và 1 kí tự S0:003. Sản phẩm này không thể hiện số lô sản xuất.
Với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo 389 Thành phố, Sở Y tế TP. HCM sẽ có báo cáo cho Ban Chỉ đạo 389 Thành phố và chủ động phối hợp với Cục Quản lý thị trường Thành phố tiếp tục thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) đối với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu MQ.
Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế cũng có quy định ngoài những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn thì: “Tổ chức, cá nhân được phép ghi trên nhãn mĩ phẩm những nội dung khác. Những nội dung ghi thêm không được trái với quy định của pháp luật và phải đảm bảo trung thực, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hoá, không che khuất, không làm sai lệch những nội dung bắt buộc ghi trên nhãn mỹ phẩm”.
theo Hoàng Dương – Nguyễn Tùng (thuonghieucongluan)