GNO- UBND TP.HCM đã kiến nghị trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về quy hoạch đô thị, quy chuẩn quy hoạch mới và có quy định đặc thù cho thành phố.
Chiều 27-12, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bàn thành phố từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH TP.HCM, dự buổi giám sát từ đầu cầu Hà Nội bằng hình thức trực tuyến.
Nhiều vướng mắc cần gỡ
Thay mặt UBND TP.HCM báo cáo công tác quy hoạch trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực Lê Hòa Bình nhận định công tác lập quy hoạch tại thành phố theo quy định của Luật Quy hoạch còn chậm so với các địa phương khác. Hiện nay, TP.HCM lập đồng thời 4 quy hoạch: quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch cấp nước TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Do thời kỳ và tầm nhìn lập các quy hoạch trên khác nhau nên TP.HCM gặp khó khăn khi đồng bộ, tương thích về nội dung và thời điểm khớp nối giữa các loại quy hoạch trong quá trình lập.
Để hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, UBND TP.HCM đưa ra nhiều kiến nghị. Theo đó, thành phố mong trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, quy chuẩn quy hoạch mới và có quy định đặc thù (ngoại lệ) cho Thành phố. Ngoài ra, theo Luật Đất đai, người sử dụng đất nằm trong quy hoạch là “đất ở nông thôn” hoặc “đất ở đô thị” thì được chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác (đất nông nghiệp, phi nông nghiệp) sang đất ở. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, việc giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở với trường hợp này gặp nhiều khó khăn. Do đó, UBND TP.HCM đề nghị có quy định tích hợp quy hoạch đô thị, xây dựng, nông thôn và quy hoạch sử dụng đất để đồng bộ, làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm, tạo thuận lợi cho người có nhu cầu được chuyển mục đích sử dụng đất.
UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cấu trúc dữ liệu chuẩn cần tích hợp trong hệ thống thông tin địa lý (GIS) ở các cấp độ quy hoạch. Mục đích là để sau khi quy hoạch được lập và quyết định/phê duyệt thì có thể tích hợp thành dữ liệu chung (big data) ở cấp quốc gia, cấp vùng, nhằm cung cấp thông tin đồng bộ, bảo đảm công khai, minh bạch thông tin quy hoạch. Đồng thời đề nghị Bộ Xây dựng sớm triển khai danh mục chương trình, dự án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2025 và hướng dẫn thực hiện để các tỉnh, thành có cơ sở triển khai. Bởi hiện nay, công tác lồng ghép nội dung này vào công tác quản lý chuyên ngành chưa cao, việc phối hợp giữa các sở, ngành còn lúng túng.
Phải tận dụng tối đa nguồn lực có sẵn
Nêu ý kiến tại buổi giám sát, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng trước mắt, TP.HCM cần tận dụng những tài nguyên lớn như khu dự trữ sinh quyển và mảng xanh; tài nguyên biển; nhà đất của doanh nghiệp, cơ quan trung ương trên địa bàn. Ngoài ra, không gian ngầm cũng là một tài nguyên lớn bởi nhiều quốc gia đã có công trình sâu hàng chục mét dưới lòng đất. Nhiều nước khai thác không gian ngầm rất hiệu quả nhưng ở nước ta hiện quy định về không gian ngầm không đủ và cần có khung pháp luật mạnh mẽ hơn.
Ông dẫn chứng một căn nhà ngoài chiều ngang, chiều dài thì được sở hữu bao nhiêu mét về chiều sâu. “Đây chính là nguồn lực để TP.HCM phát triển. Nếu không làm chặt chẽ thì sẽ mất tài nguyên và bị tư nhân hóa” – vị ĐB này cảnh báo. Một tài nguyên khác là quy hoạch “treo”. Các dự án như Bình Quới – Thanh Đa (Bình Thạnh), Safari (Củ Chi) đã “treo” nhiều năm khiến người dân và địa phương rất bức xúc. Ngoài ra, ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng đề cập một nguồn lực rất lớn khác của thành phố là các địa chỉ nhà đất của trung ương trên địa bàn.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, phản ánh tình trạng sử dụng đất công của một số cơ quan trung ương ở thành phố còn lãng phí. Bà đề nghị TP.HCM cần có ý kiến với trung ương trong rà soát tình trạng sử dụng đất công. Trong khi đó, ĐB Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, cho biết nhiều nhiệm kỳ làm ĐBQH, ĐB HĐND TP.HCM đều nghe người dân phản ánh không thể làm chủ thật sự mảnh đất của mình do vướng quy hoạch, quy định, kể cả về thể chế.
Mạnh tay với dự án treo
Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công tác quy hoạch rất quan trọng. Bởi quy hoạch là cụ thể hóa chiến lược phát triển, những ưu tiên phát triển, trên cơ sở tối đa hóa các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, lâu dài. Nhất là đối với một siêu đô thị như TP.HCM thì công tác quy hoạch lại càng có vai trò quan trọng. Quy hoạch không chỉ định hướng cho sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực mà còn là công cụ quan trọng của quản lý nhà nước, bảo đảm sự thống nhất hài hòa tạo nên động lực tăng trưởng mới. Chủ tịch nước lưu ý TP.HCM cần tính đến yếu tố liên kết với địa phương khác với tư cách là trung tâm của vùng và cả nước khi làm công tác quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước, phải thể hiện được tầm nhìn chiến lược, làm cơ sở cho triển khai kế hoạch, huy động nguồn lực của cả nhà nước và tư nhân, xác định các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.
Chia sẻ với những khó khăn mà TP.HCM gặp khi làm quy hoạch, Chủ tịch nước cũng chỉ ra cần thẳng thắn nhìn nhận quy hoạch hiện nay là điểm yếu, điểm nghẽn của thành phố. Đây không chỉ là của TP.HCM mà của cả quốc gia và các địa phương. Do đó, TP.HCM cần bám sát những mục tiêu, định hướng, lợi thế để hoàn thiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, phục vụ tốt nhất yêu cầu của phát triển trong trung và dài hạn. Đồng thời, cần sử dụng quy hoạch là công cụ phát triển thành phố một cách trật tự, lộ trình, bước đi chắc chắn và cụ thể. Từ đại dịch Covid-19 vừa qua, cần rút ra được điều gì từ công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư, khu công nghiệp, khu nhà ở, các thiết chế văn hóa đi kèm… Từ đó, cần có những điều chỉnh gì để đối phó với những vấn đề tương tự trong tương lai.
Chủ tịch nước đề nghị công tác quy hoạch liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều người nên TP.HCM cần chỉ đạo các sở ngành – phối hợp chặt chẽ với các quận – huyện rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch, đáp ứng những mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới, đặc biệt là những hạ tầng thiết yếu, hạ tầng chiến lược, kể cả quy hoạch chiều cao, quy hoạch không gian ngầm… Đồng thời, kiên quyết thu hồi những quy hoạch “treo”, những dự án đã quá thời hạn quy định mà không triển khai. “Có dự án để 18-20 năm chưa triển khai, người dân kêu quá. ĐBQH phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cần sự quan tâm đặc biệt từ trung ương
Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM, cho biết thành phố không chỉ là một địa phương mà còn là trung tâm của vùng, đầu tàu kinh tế cả nước nên trong quá trình xây dựng quy hoạch hiện nay và sau này, thành phố rất quan tâm đến việc xây dựng tầm nhìn chiến lược. Đối với các ngành, lĩnh vực có tính chất chiến lược, phù hợp với tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao giá trị và đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế khu vực, cả nước, TP.HCM sẽ hoàn thiện trong quá trình xây dựng quy hoạch.
Ông cũng cho biết theo quy định của luật, quy hoạch của tỉnh, thành phải phù hợp với vùng, quốc gia. Tuy nhiên, hiện tại ta chưa thực hiện đồng bộ, hướng dẫn của bộ – ngành cũng chưa đầy đủ nên rất khó khăn cho triển khai quy hoạch TP.HCM nói riêng và các địa phương nói chung. Để tháo gỡ, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng không thể chờ đến khi hoàn thiện hết mới triển khai thì rất chậm. Do đó, TP.HCM kiến nghị Chủ tịch nước chỉ đạo các bộ – ngành trung ương có sự quan tâm đối với TP.HCM.
Không phát huy được sẽ có lỗi với tiền nhân
ĐB Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, phản ánh việc quy hoạch các thiết chế văn hóa chưa được quan tâm đúng mức. “Nếu có dịp đi Hà Nội sẽ thấy Nhà hát Chèo nằm ngay trung tâm thủ đô, rất lớn và sáng đèn mỗi tuần. Nhìn lại TP.HCM, tôi thấy rất buồn vì Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chưa được phát huy” – ĐB Tô Thị Bích Châu nói.
Theo ĐB này, khi xây xong Nhà hát Trần Hữu Trang thì không phát huy được vì vướng rất nhiều trong kỹ thuật xây dựng, không thể tổ chức được một vở cải lương hoàn chỉnh. Bà nói: “Đây là vấn đề hết sức đau lòng. Trong khi đó, miền Nam nói chung và TP.HCM, từ sau giải phóng, loại hình nghệ thuật cải lương rất phát triển. Chúng ta không bảo tồn, phát huy được là hết sức có lỗi với tiền nhân”.