20/07/2020 11:31 | gocnhinonline

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong vòng 25 năm qua tăng gần 170 lần. Con số này đã chứng tỏ được tiềm năng và những kết quả khả quan giữa hợp tác thương mại giữa hai bên kể từ 1995 đến nay.

Trong bối cảnh giao thương khó khăn do COVID-19, đại diện phía Hoa Kỳ và Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi mô hình xúc tiến với kỳ vọng biến nguy thành cơ.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, Hoa Kỳ vẫn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Trong đó, riêng ở chiều xuất khẩu, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của nước ta. Cụ thể, 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 25,11 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ 2019 và chiếm 25,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Trong khi đó, ở chiều nhập khẩu, lượng hàng hóa từ Mỹ nhập vào Việt Nam trị giá 6 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 6,2% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Thương mại Việt Nam – Mỹ tăng gần 170 lần sau 25 năm hợp tác (ảnh minh họa)

Theo báo VTV cho hay, với bối cảnh bình thường mới như hiện nay, các doanh nghiệp chia sẻ họ buộc phải chuyển mình online, linh hoạt trong phương thức và sản phẩm xuất khẩu để có thể đảm bảo doanh số.

Cùng với sự nỗ lực chuyển đổi của các doanh nghiệp trong ngành dệt may, năng lượng, thiết bị điện tử để thích nghi với nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cũng nhanh chóng tiến hành những cuộc giao thương trực tuyến thay vì xúc tiến thương mại trực tiếp như kế hoạch ban đầu.

Trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại có kế hoạch tổ chức thêm nhiều các cuộc xúc tiến trực tuyến để các doanh nghiệp đã tham gia xuất khẩu có thêm nhiều đối tác mới tại Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp chưa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành dệt may sẽ có thêm nhiều đơn hàng khẩu trang, bảo hộ y tế để bù đắp thiệt hại.

Theo tạp chí Thị trường TC-TT, theo Tổng cục Hải quan, 25 năm sau khi bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1995-12/7/2020), hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Mỹ có sự tăng trưởng vượt bậc, là một điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước.

Cụ thể, nếu năm 1995 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước mới dừng ở mức 450 triệu USD thì kết thúc năm 2019, con số này đã đạt mốc gần 76 tỷ USD (đạt 75,72 tỷ USD), gấp khoảng 168 lần so với năm 1995.

Riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 61,35 tỷ USD, tăng 29,1% so với năm 2018 và chiếm tới 23,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là với lĩnh vực dệt may.

Năm ngoái, riêng kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Mỹ đạt trị giá 14,85 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018 và chiếm tới 45,2% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này của cả nước, ưu thế lớn được duy trì suốt nhiều năm.

Ngoài ra, năm 2019, Việt Nam còn có nhiều ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu tỷ USD như: điện thoại các loại và linh kiện đạt trị giá 8,9 tỷ USD; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,05 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 5,06 tỷ USD.

Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch từ thị trường Mỹ trong năm ngoái đạt 14,37 tỷ USD, và chiếm 5,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Các nhóm hàng nhập khẩu chủ lực từ Mỹ có thể kể đến như: máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trị giá 4,85 tỷ USD; nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày) đạt 2,13 tỷ USD.

Thanh Mai (thuonghieuvaphapluat)

Bài viết cùng chuyên mục