09/07/2024 15:37 | gocnhinonline

GNO- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng từ 6,5 – 7% trong quý III. Lạm phát giữ ở mức 4 – 4,5%. Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, giữ vững quốc phòng an ninh.

Kinh tế đã phục hồi trở lại như trước đại dịch COVID-19

Sáng 6/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.

Các ý kiến tại Hội nghị nhận định, mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng 6 tháng đầu năm, kinh tế nước ta đã phục hồi tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước và cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.

Trong đó, tăng trưởng GDP quý II phục hồi mạnh, đạt 6,93%, tính chung 6 tháng đạt 6,42%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2023 (3,84%) và vượt kịch bản tại Nghị quyết 01 (5,5-6%). Cả 3 khu vực đều tăng trưởng tốt, nông nghiệp tăng 3,38%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%; dịch vụ tăng 6,64%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 đạt 54,7 điểm (cao nhất ASEAN).

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực: Nông nghiệp chỉ còn chiếm 11,55%; công nghiệp và xây dựng chiếm 36,44%; dịch vụ chiếm 43,35%; thuế trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,66%.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,17% so với tháng 5; bình quân 6 tháng tăng 4,08% (lạm phát cơ bản tăng 2,75%).

Tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 6%; tỉ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì khá ổn định; khoảng cách chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước giảm còn khoảng 4-5 triệu đồng/lượng.

Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Xuất khẩu tháng 6 tăng 2,6% so với tháng 5 và 10,5% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng xuất khẩu tăng 14,5% (khu vực trong nước tăng 20,6%; khu vực FDI tăng 13,9%); nhập khẩu tăng 17%; xuất siêu 11,63 tỷ USD.

Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tăng 1,1% so với tháng 5 và tăng 9,1% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng tăng 8,6%. Số lượt khách quốc tế tháng 6 đạt trên 1,2 triệu lượt, tăng 28,1%; tính chung 6 tháng đạt trên 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ 2023 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 (trước dịch COVID-19).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương (Ảnh: VGP)

Tình hình tài chính-ngân sách nhà nước tiếp tục được cải thiện rõ nét. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 60% dự toán năm, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều giới hạn quy định.

Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm đã miễn, giảm 47,3 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí; dự kiến tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí cả năm 2024 khoảng 191 nghìn tỷ đồng.

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý II tăng 7,5%; tính chung 6 tháng tăng 6,8%; trong đó vốn đầu tư của khu vực Nhà nước tăng 4,8%; khu vực ngoài nhà nước tăng 6,7%, khu vực FDI tăng 10,3%. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 29,39% kế hoạch. Thu hút FDI 6 tháng đạt 15,19 tỷ USD, tăng 13,1%; vốn FDI thực hiện đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% (cao nhất 5 năm qua)…

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện báo cáo và dự thảo Nghị quyết phiên họp, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Nhìn chung, tình hình 6 tháng đầu năm cho thấy nền kinh tế đã phục hồi trở lại như trước đại dịch COVID-19 và tiếp tục xu hướng tích cực: Tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước; tính chung 6 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực và cả năm 2024 có thể cao hơn năm 2023.

Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương một số địa phương có GRDP 6 tháng tăng mạnh: Bắc Giang tăng 14,14%; Khánh Hoà tăng 12,73%; Thanh Hoá tăng 11,49%; Hà Nam tăng 10,35%; Hải Phòng tăng 10,32%; Trà Vinh tăng 10,27%; Hải Dương tăng 10%.

Bên cạnh những thành quả tích cực, cơ bản, Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế ở một số địa phương còn thấp; trong đó một số đầu tàu kinh tế có tốc độ tăng trưởng thấp hơn bình quân chung cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa.

Phấn đấu tăng trưởng quý III từ 6,5-7%

Thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ trong chỉ đạo điều hành, cần lưu ý quý III, quý IV có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2024 để phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch năm 2024.

Mục tiêu là phấn đấu đạt tăng trưởng GDP từ 6,5-7% trong quý III, sau đó xác định mục tiêu phù hợp trong quý IV; lạm phát giữ ở mức dưới 4,5%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và có thặng dư, bảo đảm an ninh tài chính-tiền tệ quốc gia, giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Chỉ rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng trước hết yêu cầu thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp đồng bộ, hài hòa và tạo thuận lợi cho việc thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục điều tiết tỉ giá, mặt bằng lãi suất phù hợp; trong đó lưu ý giảm mặt bằng lãi suất cho vay, chi phí vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh; bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng, tăng tiếp cận vốn tín dụng.

Giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Siết chặt kỷ luật tài chính- ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, tiết kiệm chi; đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng hóa đơn điện tử, chống thất thu thuế, nhất là từ thương mại điện tử. Tiếp tục thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất.

Tăng cường công tác quản lý giá; kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; kiên quyết không để thiếu điện.

Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ; kiên quyết điều chuyển 29,9 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ chi tiết; tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn ODA; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm. Xây dựng, tổ chức tốt Chương trình thi đua 500 ngày nỗ lực cố gắng hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc để có hệ thống đường cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam và 80 năm Quốc khánh.

Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, khuyến mại, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Có cơ chế, chính sách cụ thể, hiệu quả thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các lĩnh vực giá trị gia tăng cao như chíp bán dẫn, AI…).

Đồng thời, thúc đẩy tăng cung của nền kinh tế, trong đó lưu ý tập trung thực hiện các giải pháp phát triển cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, lan tỏa mạnh mẽ để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng…

theo Anh Đào (thuongtruong.com.vn)

Bài viết cùng chuyên mục