12/02/2022 17:52 | gocnhinonline

GNO- Việc giá xăng dầu tăng đúng như dự đoán, cũng giống chiếc lò xo sẽ bật mạnh khi bị nén quá lâu. Song, vấn đề đáng quan tâm nhất là những hỗn loạn trên thị trường trước ngày điều chỉnh.

Sau khoảng 20 ngày không thực hiện điều chỉnh, chiều ngày 11/2, giá xăng dầu trong nước đã tăng gần 1.000 đồng/lít/kg, là mức khá cao trong nhiều năm trở lại đây.

“Cú đấm bồi” vào doanh nghiệp vận tải

Việc xăng dầu tăng giá được ví như “cú đấm bồi” vào sức chịu đựng vốn đã kiệt quệ của các doanh nghiệp vận tải hành khách. Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên chia sẻ với VnBusiness rằng: Doanh nghiệp đã khởi động hoạt động vận tải từ mùng 2 Tết, song lượng khách quá ít. Càng chạy càng lỗ. Hoạt động chưa được 50% công suất so với bình thường.

Cây xăng dầu đóng cửa vì… hết xăng

“Chúng tôi xác định giai đoạn này duy trì hoạt động chỉ để cầm cự qua ngày, để khách hàng biết rằng mình vẫn đang hoạt động, dù không có lãi, thậm chí hòa vốn cũng rất khó”, ông Xuyên nói.

Sau khi biết thông tin giá xăng dầu tăng vào chiều 11/2, ông Xuyên cho biết chắc chắn số lỗ mỗi chuyến xe của doanh nghiệp sẽ tăng lên khi giá xăng dầu chiếm khoảng 40% chi phí giá thành, chưa kể với những biến động trên thị trường hiện nay, doanh nghiệp không thể lường trước kịch bản, cũng như càng không thể ký hợp đồng mua xăng dầu dài hạn với đối tác.

Trên thực tế, những ngày trước Tết Nguyên đán, thông tin Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp vấn đề tài chính nên giảm công suất, hủy nhập 2 chuyến tàu dầu thô đã đặt ra những lo ngại về nguồn cung xăng dầu.

Tuy nhiên, đỉnh điểm của câu chuyện có lẽ lại nằm ở việc bỏ qua kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 1/2 – trùng với ngày 1/1 âm lịch – kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Điều đó dẫn tới ngay sau Tết Nguyên đán, hàng loạt cửa hàng xăng dầu treo biển nghỉ bán với lý do hết xăng, đi đám giỗ…

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, sự hỗn loạn này xảy ra là do nguyên nhân kỳ điều chỉnh xăng dầu ngày 1/2 trùng với mùng 1 Tết âm lịch nên cơ quan quản lý không thực hiện điều chỉnh. Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, cửa hàng bán lẻ phải nhập với giá cao nên họ phải tính cách, dùng thủ thuật để không bán hàng, giữ hàng để bán khi giá điều chỉnh tăng. Đây là trách nhiệm của Liên Bộ Công Thương – Tài chính khi không điều chỉnh nhịp nhàng, giữ ổn định thị trường.

Ông Thịnh nêu quan điểm với VnBusiness: Nguồn cung xăng dầu không thể thiếu bởi quy định của Nhà nước đã nêu rõ rằng thương nhân đầu mối phải có nhiệm vụ dự trữ 20 ngày. Đồng thời, ngay cả khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chạy đủ công suất thì chúng ta vẫn phải nhập khẩu xăng dầu khoảng 30%.

Bỏ qua kỳ điều chỉnh để giúp bình ổn thị trường Tết?

Trước tình hình trên, Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu xây dựng các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu đảm bảo kịp thời điều chỉnh giá xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới có biến động hơn trong việc đặt đơn hàng nhập khẩu xăng dầu. Từ đó, hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn, hoặc xem xét việc để giá xăng dầu tự điều tiết theo cơ chế thị trường.

Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo các nhà máy lọc dầu (trong đó có 2 nhà máy lọc dầu lớn là Nghi Sơn và Dung Quất) thường xuyên đảm bảo hoạt động sản xuất, đáp ứng nguồn xăng dầu cho thị trường, giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng xăng dầu bớt ảnh hưởng bởi giá xăng dầu của thị trường thế giới.

“Đề nghị các doanh nghiệp đầu mối cân đối nguồn cung ứng xăng dầu đầu vào, có các phương án thay thế không để phụ thuộc vào một nguồn hàng, gây ra tình trạng thiếu hàng khi nguồn hàng xảy ra sự cố. Đặc biệt, doanh nghiệp đầu mối cần làm tốt công tác dự báo và kế hoạch nguồn hàng trong dài hạn, có phương án ứng phó với các biến động có thể xảy ra, nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong năm 2022, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh”, Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị.

Trường hợp doanh nghiệp đầu mối có đủ lượng xăng dầu cung ứng cho hệ thống của mình, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị hỗ trợ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối khác gặp khó khăn về nguồn hàng được ký hợp đồng cung cấp xăng dầu để tránh tình trạng đứt gãy hàng cục bộ, ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông trên địa bàn và tâm lý người tiêu dùng…

Ở góc độ cơ quan quản lý điều hành giá, giải thích cho quyết định bỏ qua kỳ điều hành ngày 1/2, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, điều này được thực hiện đúng với quy định của Nhà nước khi kỳ điều hành giá xăng dầu rơi vào mùng 1 Tết – thì chuyển sang kỳ sau. Do vậy, khoảng cách giữa 2 lần điều chỉnh dài hơn bình thường. Tuy nhiên, điều này phù hợp với diễn biến giá cả, tâm lý người tiêu dùng, giúp bình ổn giá dịp Tết.

“Điều chỉnh giá xăng dầu không nên điều chỉnh vào ngày mùng 1 Tết”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Về phía Bộ Công Thương, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước chỉ đạo PVN tiến hành đàm phán với các bên liên quan trong Liên doanh nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn để đảm bảo nguồn cung như đã cam kết. Trường hợp không đảm bảo được thì phải chịu trách nhiệm, không làm thiệt hại cho các đối tác, không gây xáo trộn thị trường xăng dầu trong nước.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề cập tới những doanh nghiệp đầu mối, tư nhân phải thể hiện vai trò sứ mệnh, chủ động nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung, giá bán tiệm cận theo giá thế giới nhưng nguồn cung thì dứt khoát không được đứt gãy, xem lại trách nhiệm của những doanh nghiệp đầu mối, thể hiện vai trò nâng hết công suất, nhập tối đa.

Do đó, Vụ Thị trường trong nước phải xem xét, tính toán mức độ tiêu thụ là 2 triệu m3 xăng dầu/tháng thì bối cảnh phục hồi kinh tế nhu cầu cụ thể là bao nhiêu, cần có vai trò của Nhà nước trong phân bổ kế hoạch để nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

theo Thy Lê/vnbusiness

Bài viết cùng chuyên mục