21/08/2020 18:38 | gocnhinonline

Theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0%/năm với số tiền 16.000 tỷ đồng được nhiều DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trông đợi. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 4 tháng triển khai, trên địa bàn tỉnh này vẫn chưa có DN nào tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Gói tín dụng 16.000 tỷ đồng được NHNN triển khai căn cứ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 42.

Thanh Hóa: Chưa doanh nghiệp nào được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 16.000 tỷ đồng

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), NHNN đã vào cuộc rất tích cực để triển khai gói tín dụng này và đã sẵn sàng nguồn tiền để chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội đáp ứng theo nhu cầu. Mục đích của gói tín dụng là để doanh nghiệp trả lương cho người lao động có trình độ, tay nghề cao để giữ chân người lao động, tránh trường hợp người lao động chuyển sang doanh nghiệp khác.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định NHNN sẵn sàng dành ra 16.000 tỷ đồng và đã ban hành thông tư về tái cấp vốn với đầy đủ quy trình nghiệp vụ cho các đơn vị chức năng trong NHNN cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tuy nhiên, tính đến ngày 10/8/2020, sau gần 4 tháng triển khai các quy định trên, NHCSXH Thanh Hóa vẫn chưa giải ngân được khoản vay nào thuộc gói tín dụng 16.000 tỷ đồng. Điều này, đồng nghĩa với việc chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện vay của gói tín dụng trên.

Cụ thể, điều kiện để doanh nghiệp vay được gói 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động theo quy định, gồm: Có từ 20% hoặc từ 30 lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6/2020; doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm 31/12/2019.

Đại diện NHCSXH Thanh Hóa, cho biết: Quy định điều kiện doanh nghiệp không có nợ tại thời điểm 31/12/2019 khá khó khăn, bởi lẽ, đa phần doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, do thời gian giãn cách ngắn, Chính phủ kiểm soát dịch bệnh tốt, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần được phục hồi nên nhiều doanh nghiệp chỉ thực hiện cắt giảm giờ làm hoặc làm luân phiên chứ không cho người lao động tạm ngừng việc, để vừa giữ chân người lao động, vừa hỗ trợ có thu nhập tối thiểu trong lúc khó khăn.

Do đó, quy định để được vay lãi suất 0% là doanh nghiệp phải có từ 20% hoặc từ 30 lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên, đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6 gần như không có doanh nghiệp nào đáp ứng được.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải chứng minh đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc. Chưa kể doanh nghiệp có tên trong danh sách đủ điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc phải có phê duyệt của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Do tiêu chí quá cao nên sau khoảng 4 tháng triển khai, đến nay chưa doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vay được gói tín dụng 16.000 tỉ đồng, lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị giảm sâu thu nhập do đại dịch.

Khắc phục hạn chế này, để doanh nghiệp vay được gói tín dụng trả lương cho người lao động, nhiều doanh nghiệp đang đề xuất các cấp, ngành, ngân hàng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh lại các tiêu chí, điều kiện vay; trong đó, bỏ điều kiện doanh nghiệp không có nợ xấu tại ngân hàng tại thời điểm 31/12/2019.

Bên cạnh đó, đối với điều kiện doanh nghiệp đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động, nên điều chỉnh lại theo hướng gói hỗ trợ sẽ cho vay 50% tiền lương tối thiểu, phần còn lại doanh nghiệp sẽ tự cân đối, và mở rộng thời gian thụ hưởng gói tín dụng để sau khi điều chỉnh quy định, các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận hơn.

Hoài Thu (theo thuonghieucongluan)

Link G: https://thuonghieucongluan.com.vn/thanh-hoa-sau-4-thang-trien-khai-goi-ho-tro-lai-suat-16-000-ty-dong-chua-doanh-nghiep-nao-duoc-tiep-can-a111317.html

Bài viết cùng chuyên mục