23/04/2020 11:12 | gocnhinonline

Chiều 22/4, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Nhiều đại biểu đồng tình việc dự thảo luật sớm trình Quốc hội, qua đó giúp thực hiện hiệu quả hơn việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan công tác đăng ký, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu ý kiến tại phiên họp

Đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính về trật tự xã hội

Theo Tờ trình của Chính phủ, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cư trú.

Trong đó, việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú (sửa đổi) là cần thiết để bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân; góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Đồng thời, hướng đến thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan công tác đăng ký, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú.

Về nội dung cơ bản của dự thảo luật, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã thể chế hóa hai nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua tại đề nghị xây dựng vào dự thảo luật.

Đó là, nhóm chính sách về bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cở sở dữ liệu về cư trú; và nhóm chính sách về quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính…

Ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do cư trú của công dân, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.

Qua thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu cũng cơ bản tán thành với sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng, các quy định của dự thảo Luật phù hợp chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp về những nội dung của dự thảo luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, hiện nay dòng dịch chuyển lao động, cư trú trong thời kỳ mới đã khác trước rất nhiều, tình trạng di cư lao động diễn ra phổ biến, lao động nông thôn dịch chuyển về đô thị… Vì thế cần phải có phương thức quản lý mới kịp thời về cư trú.

Xét tình hình thực tế, năng lực quản lý của các địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng tình với đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung dự án Luật Cư trú (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Nhiều ý kiến của đại biểu nêu các nội dung của luật này sẽ liên quan hàng chục luật khác, do vậy cần tiếp tục rà soát thật kỹ các nội dung trong dự án luật để bảo đảm tính đồng bộ.

Toàn cảnh phiên họp

Kết nối giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia

Tại phiên họp, nhiều ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ tính kết nối hạ tầng thông tin, kết nối giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đồng thời đánh giá thêm về sổ hộ khẩu điện tử, cụ thể thông tin thêm về kinh nghiệm các nước quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân.

Tham gia phát biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, dự án Luật Cư trú (sửa đổi) liên quan nhiều bộ luật, luật khác, cả về dân sự, kinh tế, hình sự, hành chính…, nhất là liên quan các thủ tục về sổ hộ khẩu nên cần cân nhắc kỹ lưỡng để không phát sinh vấn đề pháp lý làm ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, hiện cơ sở dữ liệu quốc gia chưa hoàn thành. Vì thế, cần có cơ sở để khẳng định những việc này sẽ được hoàn thành vào thời điểm luật có hiệu lực, bảo đảm tính khả thi…

Tại phiên họp, trong ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự ủng hộ trình dự án luật tại Kỳ họp thứ 9 để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu để thay thế bằng quản lý theo mã số định danh cá nhân, cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú là phương thức tiến bộ, mà từ lâu lắm rồi, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng.

Vì thế, việc thay đổi như vậy sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; đồng thời, nâng cao hiệu lực, năng lực quản lý nhà nước về dân cư.

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, để bảo đảm sự khả thi, không gây xáo trộn lớn cuộc sống của người dân, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu báo cáo cụ thể hơn về tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và khả năng hoàn thành cấp số định danh cá nhân cho tất cả công dân Việt Nam đến thời điểm luật có hiệu lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp rà soát các quy định cụ thể, bảo đảm quyền tự do công dân, để sau khi luật có hiệu lực có thể thi hành được ngay.

Tại phiên họp chiều qua, báo cáo về quá trình xây dựng dự án luật, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Các thành viên của Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập gồm đại diện các cơ quan Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Dự án Luật đã được gửi lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, công an các đơn vị, địa phương và gửi lấy ý kiến của các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập dự án Luật.

Bên cạnh đó, Hồ sơ dự án Luật được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an, lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các ý kiến tham gia đã được Bộ Công an tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu và giải trình. Đồng thời, hồ sơ dự án Luật Cư trú (sửa đổi) đã được Bộ Tư pháp thẩm định và Chính phủ cho ý kiến theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Việc xây dựng luật giúp tạo khuôn khổ pháp lý hữu hiệu, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống, làm ăn. Trình tự, thủ tục đăng ký đơn giản, thuận tiện, kịp thời, công khai, minh bạch, không gây phiền hà, tiêu cực; đồng thời, bảo đảm cho công tác đăng ký, quản lý cư trú có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo…

(Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày)

Nhiều ý kiến đồng tình dự án luật được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 để có cơ sở pháp lý cho Chính phủ thúc đẩy việc triển khai các công việc cần thiết để khi luật có hiệu lực sẽ thi hành được ngay. Đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hồ sơ, bảo đảm đầy đủ, đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

(Theo báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật)

LinkG:https://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/44198302-tao-khuon-kho-phap-ly-huu-hieu-bao-dam-quyen-loi-ich-hop-phap-cua-cong-dan.html

theo Văn Chúc (nhandan)

Bài viết cùng chuyên mục