GNO- Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) trong tháng 1, Thanh long, mít, bưởi, chuối, xoài… là những loại cây ăn quả chịu áp lực tiêu thụ lớn nhất. Ngay sau thanh long, có khoảng 47.600 tấn mít, 86.000 tấn chuối và 50.000 tấn bưởi sẽ cần hỗ trợ tiêu thụ gấp từ nay đến Tết Nguyên đán.
Tại diễn đàn “Thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả” sáng 13/1, ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, tổng sản lượng rau mỗi năm của Việt Nam khoảng 10 triệu tấn. Trong đó, sản lượng quý 1 hầu như tập trung vào tháng 1, chiếm hơn 60% tổng sản lượng.
Theo tính toán, nếu mỗi người dân tiêu thụ khoảng 10kg rau/tháng, sản lượng rau thừa trong quý 1 khoảng 2,5 triệu tấn. Số lượng này sẽ đưa vào chế biến. Riêng Tây Nguyên là khu vực thừa nhiều nhất, với hơn 900.000 tấn.
Theo ông Tùng, Thanh long là cây cho sản lượng cao nhất với 1,4 triệu tấn/năm. Sau đó là chuối với hơn 1 triệu tấn, xoài với hơn 800.000 tấn, sầu riêng hơn 600.000 tấn… tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, khu vực này còn ít cơ sở chế biến, và chủ yếu xuất khẩu ở dạng quả tươi, thậm chí một số vùng chưa có sơ chế cơ bản.
“Trong tháng 1, thanh long, mít, bưởi, chuối, xoài… là những loại cây ăn quả chịu áp lực tiêu thụ lớn nhất. Ngay sau thanh long, có khoảng 47.600 tấn mít, 86.000 tấn chuối và 50.000 tấn bưởi có thể sẽ cần hỗ trợ tiêu thụ gấp từ nay đến Tết Nguyên đán”, ông Tùng cho hay.
Ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit cho biết, năm 2021, có 113 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu và 110 doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu sản phẩm mít. Tuy nhiên, số lượng lớn chỉ tập trung phần lớn ở 5 cá nhân của Việt Nam và 3 cá nhân Trung Quốc. Nếu chúng ta không trao đổi với nhóm thương nhân này sẽ không nắm bắt được thông tin thị trường.
Theo ông Viên, để hạn chế tình trạng sản xuất dư thừa, các địa phương cần xây dựng trung tâm đầu mối tiếp nhận, từ đó phân bổ sản xuất theo tín hiệu thị trường. Chẳng hạn, Đồng bằng sông Cửa Long có sản lượng chiếm khoảng 80%, thì những vùng khác chuyển cây trồng khác, thay vì cứ tập trung trồng mít.
Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, qua những bài học ùn tắc trong thời gian qua, các địa phương cần xây dựng lại, chuẩn hóa các vùng trồng nguyên liệu ngay từ gốc. Nếu làm được, hàng hóa bị ùn tắc trong xuất khẩu có thể lập tức đưa trở lại nhà máy chế biến.
Đồng thời, các địa phương, đơn vị kết nối tiêu thụ nông sản bằng nhiều con đường, tiến tới tạo lập ra một hệ sinh thái tiêu thụ nông sản, ngay từ khi bắt đầu vụ gieo trồng.
theo Dương Hưng/tienphong