Philippines mở thầu mua 300.000 tấn nhưng chỉ chốt 189.000 tấn gạo. Trong đó, Việt Nam trúng thầu 60.000 tấn với giá 497,3 USD/tấn, gồm 45.000 tấn giao ở cảng Manila và 15.000 tấn giao ở cảng Davao.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), Philippines vừa mở thầu mua 300.000 tấn gạo dưới hình thức đấu giá liên Chính phủ (G2G). Đây là lần mua đấu giá đầu tiên dưới hình thức G2G kể từ khi ngành gạo Philippines được tự do hóa.
Tập đoàn Thương mại Quốc tế Philippines (PITC) được Chính phủ nước này giao khoản tiền trị giá 149 triệu USD để mua lượng gạo này.
Trong gói thầu này, Philippines có nhu cầu mua gạo 25% tấm, giá tham khảo là 497,62 USD/tấn, giao tại các cảng Manila, Cebu, Tacloban, Zamboanga và Davao. Dự kiến, 150 ngàn tấn đầu tiên sẽ được giao trước ngày 14/7, số còn lại sẽ được giao trước ngày 14/8.
Tại cuộc đấu thầu G2G trực tuyến nói trên, 4 nước gồm: Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ đã gửi hồ sơ dự thầu.
Cũng theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Philippines chỉ chốt mua 189.000 tấn gạo; trong đó, Việt Nam trúng thầu 60.000 tấn với giá 497,3 USD/tấn, gồm 45.000 tấn giao ở cảng Manila và 15.000 tấn giao ở cảng Davao.
Cùng với đó, Ấn Độ trúng thầu số lượng nhiều nhất, với 96.000 tấn bao gồm 42.000 tấn giao ở cảng Cebu (giá 484,7 USD/tấn); 7.500 tấn giao ở cảng Tacloban (485,7 USD/tấn); 24.000 tấn giao ở cảng Zamboanga (484,7 USD/tấn) và 22.500 tấn giao ở cảng Davao (485,7 USD/tấn).
Myanmar trúng thầu 33.000 tấn, giao ở cảng Manila, với mức giá 489,3 USD/tấn. Riêng Thái Lan không trúng gói thầu nào do đưa mức giá quá cao.
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho biết, Philippines nhập khẩu 300.000 tấn gạo lần này để bổ sung dự trữ cho tiêu dùng trong nước, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 có những tác động nhất định đến quốc gia này.
Việc nước này nhập khẩu theo cơ chế liên Chính phủ do có nhiều doanh nghiệp vẫn chưa giao hàng xong cho các hợp đồng tư nhân đã ký kết trước đó với đối tác phía Philippines, trong khi hợp đồng liên Chính phủ có khối lượng và thời gian giao hàng nhanh hơn.
Chí Công (t/h)