14/03/2021 11:35 | gocnhinonline

Ngang nhiên bày bán hàng loạt sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt, thậm chí không rõ nguồn gốc xuất xứ… đó chính là tình trạng đang diễn ra tại nhiều cơ sở của Nhà sách ADC Book, gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo. Thời gian gần đây, nhận được phản ánh của bạn đọc về việc nhiều sản phẩm bày bán ở các cơ sở của Nhà sách ADC Book được cho là hàng nhập khẩu, nhưng lại không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Nhà sách ADC Book cơ sở 75B Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội

Để rộng đường dư luận, PV đã đến cơ sở ADC Book tại 75B Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội. Tại đây, PV nhận thấy rất nhiều các sản phẩm được bày bán như: Đồ chơi điện tử, xe motor, xe đua, logo lắp ráp, đồ chơi búp bê, gấu bông, đèn xông tinh dầu, thiết bị văn phòng, bút màu, thước kẻ, keo dán, và rất nhiều đồ dùng học tập khác… có xuất xứ nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc.

Thế nhưng, xen lẫn những sản phẩm được dán nhãn đầy đủ thì rất nhiều sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt được bày bán công khai.

Nhiều sản phẩm không có tem nhãn phụ tiếng Việt

Chia sẻ với PV, chị Minh Vân (Tây Hồ, Hà Nội), một khách hàng của ADC Book cho biết: “Tôi đến ADC Book để mua đồ chơi và thiết bị học tập cho con. Tuy nhiên tôi nhận thấy nhiều sản phẩm tại đây không có nhãn phụ tiếng Việt. Có những sản phẩm còn chỉ ghi mỗi giá, không có thông tin gì thêm như đèn xông tinh dầu, đèn xông hơi. Điều này khiến tôi khá lo lắng vì không biết các sản phẩm được bày bán tại đây có đảm bảo chất lượng không?”.

Anh Tuấn Anh (Lạc Long Quân, Tây Hồ) cũng chia sẻ: “Tôi không dám mua đồ chơi cho con tại đây vì nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thậm chí nhiều sản phẩm tôi còn không biết nó có công dụng gì vì trên sản phẩm không ghi. Thời gian qua, trên truyền thông cũng cảnh báo nhiều về các mặt hàng đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc gây hại tới sức khỏe của trẻ. Vậy nếu có điều gì không may xảy ra thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”.

Có thể thấy, việc bán các sản phẩm nhập khẩu không có dán nhãn phụ đang gây hoang mang cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng không nắm được nguồn gốc sản phẩm từ đâu, không hiểu rõ về thành phần, công dụng của sản phẩm như thế nào, ngoài ra sự việc này còn gây khó khăn cho cơ quản chức năng trong công tác quản lý thị trường.

ADC Book là nhà sách bán rất nhiều sản phẩm dành cho trẻ nhỏ. Liệu rằng, những món đồ trên có thực sự an toàn với trẻ? Bởi trên thực tế, đã có nhiều vụ việc trẻ em sử dụng đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồ kém chất lượng dẫn đến tình trạng nguy hiểm về tính mạng.

Theo các chuyên gia y tế, các đồ chơi không an toàn, ngoài gây nguy cơ sát thương trực tiếp còn ảnh hưởng tiêu cực về lâu dài đến sự phát triển thể chất của trẻ. Bởi đa phần các loại đồ chơi đều bị trộn thêm hạt nhựa công nghiệp, cho thêm nhiều phụ gia, màu công nghiệp kém chất lượng để giảm giá thành, dễ gia công, tạo hình.

Trong các nguyên liệu này, có rất nhiều chất hóa học, kim loại nặng, độc hại đối với con người. Vì vậy, khi trẻ chơi rất dễ xâm nhập vào cơ thể bằng con đường hô hấp, tiếp xúc da, đường miệng làm giảm khả năng miễn dịch, suy giảm sức khỏe, thậm chí nếu tiếp xúc nhiều có thể gây bệnh ung thư, vô sinh…

Hẳn dư luận chưa quên sự việc, cách đây không lâu vào khoảng giữa năm 2019 nhà sách ADC Book cũng liên tục bị người tiêu dùng “tố” bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn phụ tiếng Việt. Sau đó, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã nhanh chóng bắt tay vào cuộc. Kết quả nhà sách ADC Book bị xử phạt 8.500.000 đồng do bày bán hàng hóa có xuất xứ nước ngoài không dán tem nhãn phụ, vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 9, Chương I Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng đang trở thành vấn nạn mà cả xã hội chung tay bài trừ. Vậy mà ADC Book vẫn chưa có biện pháp giải quyết sự việc này?

Câu hỏi đặt ra: Người sử dụng sẽ ra sao nếu mua phải những mặt hàng rởm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành trên thị trường?

Khi có sự cố xảy ra, tổ chức, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm đối với khách hàng?…

Liệu đây có phải hành vi tiếp tay cho tiêu thụ hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ?

Hàng hóa nhập lậu” gồm: Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật; hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn; hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Theo Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, người có hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị áp dụng hình phạt tiền tùy từng mức độ, có thể lên đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Bên cạnh đó, nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hoặc hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hoặc hàng hoá nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt con trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi thì có thể bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, tối đa có thể lên đến 200.000.000 đồng.

theo Hương Mi (TC.SHTT)

 

Bài viết cùng chuyên mục