Trường hợp lao động nữ (sau đây gọi tắt là “NLĐ”) đã hoặc đang nghỉ việc hưởng chế độ thai sản và dự định nghỉ việc thì NLĐ có thể hưởng trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc nếu thời điểm nghỉ việc xảy ra ngay sau thời gian nghỉ thai sản không?
1. Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc
Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp | Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc |
– Đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi tắt là “BHTN”); – Đã đóng BHTN khi làm việc theo hợp đồng lao động (sau đây gọi tắt là “HĐLĐ”) hoặc hợp đồng làm việc, cụ thể: + Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc có xác định thời hạn; + Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng. – Chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc trái pháp luật hoặc đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; – Đã nộp Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm. – Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 49 Luật Việc làm 2013. | NLĐ có tổng thời gian thực tế làm việc cho doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên và thuộc một trong các trường hợp sau: – Hết hạn HĐLĐ; – Đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ; – Hai bên thoả thuận chấm dứt HĐLĐ; – NLĐ bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong HĐLĐ theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án; – NLĐ chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; – Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động; – Người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ hợp pháp; – Doanh nghiệp đơn phương chấm dứt HĐLĐ hợp pháp. |
2. Nghỉ việc ngay sau khi nghỉ thai sản có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Để xác định một người lao động có đủ điều kiện hưởng TCTN hay không, trước tiên phải xác định người đó có đang đóng BHTN tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 12 Nghị định 28/2015/NĐ-CP thì:
“Điều 12. Đóng BHTN … 2. Người lao động đang đóng BHTN là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc đã đóng BHTN và được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau: a) Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội[…]” |
Theo quy định này, trường hợp NLĐ nghỉ việc ngay sau khi nghỉ thai sản, tháng liền kề sẽ được xác định là tháng ngay trước thời điểm NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản chứ không phải là tháng ngay trước thời điểm chấm dứt HĐLĐ.
Vì vậy, nếu tại tháng liền kề, NLĐ có đóng BHTN và đáp ứng điều kiện về thời gian đóng đối với loại HĐLĐ tương ứng tại Mục 1 (Điều kiện hưởng TCTN) nêu trên thì NLĐ vẫn được hưởng TCTN như các trường hợp khác.
Ví dụ: Chị B giao kết HĐLĐ không xác định thời hạn với doanh nghiệp X. Trong thời gian làm việc, chị B tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
– Chị B nghỉ thai sản từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/6/2020.
– Tuy nhiên chị B có nguyện vọng ở nhà chăm sóc cho con nên đã nộp đơn xin nghỉ việc bắt đầu từ ngày 01/7/2020.
Trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ, tổng thời gian đóng BHTN của chị B là 18 tháng.
Tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp này được xác định là tháng 12/2019, đây là thời gian chị B đang đóng BHTN. Kết hợp với thời gian đóng BHTN đủ 12 tháng trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ, chị B đủ điều kiện hưởng TCTN sau khi nghỉ việc tại doanh nghiệp X.
3. Nghỉ việc ngay sau thời gian nghỉ thai sản có được hưởng trợ cấp thôi việc?
Theo quy định pháp luật hiện hành, NLĐ vẫn có thể được hưởng trợ cấp thôi việc khi nghỉ việc ngay sau thời gian nghỉ thai sản nếu đáp ứng đủ điều kiện nêu tại Mục 1. NLĐ cần lưu ý về cách xác định thời gian tính trợ cấp thôi việc, cụ thể như sau:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP thì:
“3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đó (nếu có). Trong đó: a) Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội[…] |
Bên cạnh đó, theo Khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì “Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động”.
Theo quy định này, thời gian mà NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đóng BHTN mà sẽ được tính vào thời gian làm việc thực tế cho doanh nghiệp, tức là khoảng thời gian này vẫn được tính vào thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc.
Vì vậy, nếu đáp ứng đủ điều kiện về tổng thời gian làm việc, NLĐ nghỉ việc ngay sau khi nghỉ thai sản vẫn có thể được hưởng trợ cấp thôi việc.
Thời gian tính trợ cấp thôi việc | = | Thời gian làm việc cho công ty | + | Thời gian nghỉ chế độ thai sản | – | Thời gian đóng BHTN |
Ngoài ra, Quý thành viên có thể tham khảo một số bài viết dưới đây:
– Phân biệt Trợ cấp thôi việc và Trợ cấp mất việc làm;
– Tổng hợp 12 lưu ý về chế độ thai sản;
– Đang mang thai nghỉ việc có được hưởng chế độ thai sản không?
Căn cứ pháp lý:
– Luật Việc làm 2013;
– Bộ luật Lao động 2012;
– Nghị định 05/2015/NĐ-CP;
– Nghị định 28/2015/NĐ-CP;
– Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017.
Có câu hỏi nào cần hỏi xin gửi về email: gocnhinonline.tintuc@gmail.com chúng tôi sẽ cố gắng phản hổi bạn đọc một cách chi tiết nhất!
Gia Bảo (theo TVPL)