12/02/2022 19:11 | gocnhinonline

GNO- Dù lãi suất cho vay đã nhích tăng ngay từ đầu năm 2022, nhưng nỗi lo lạm phát khiến chi phí vốn vẫn đang ở mức thấp. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng lãi tiết kiệm sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, theo đó sẽ tác động đến mặt bằng lãi vay.

Theo khảo sát của VnBusiness, ngay tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động đối với hình thức tiết kiệm thông thường.

Lãi suất huy động rần rần tăng

Khảo sát ngày 9/2, lãi suất tiết kiệm cao nhất được SCB niêm yết tại mức 7%/năm, đối với các khoản tiền gửi từ 12 tháng đến 36 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ). Với hình thức tiết kiệm online, lãi suất tiền gửi cao nhất lên tới 7,35%/năm.

Tương tự, theo biểu lãi suất áp dụng từ 0h ngày 7/2 Techcombank cũng đã tăng lãi suất tiền gửi 0,2 – 0,5%/năm tuỳ theo từng kỳ hạn. Một số ngân hàng khác như: BacABank, DongABank, ACB… cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi từ 0,2 – 0,5%/năm

Thống kê cho thấy, trong 2 tháng qua, các ngân hàng thương mại đã tăng 10 – 50 điểm cơ bản đối với biểu lãi suất huy động, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn hoặc 1 năm. Các chương trình khuyến mại cũng được sử dụng nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân.

Chưa kể, một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất trên 7%/năm, song chỉ áp dụng cho số tiền cực lớn, từ hàng trăm tỉ đồng trở lên. Ví dụ, Techcombank áp dụng mức lãi suất 7,1%/năm, với điều kiện khách hàng gửi từ 999 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng và cam kết không được tất toán trước hạn. Trong khi mức lãi suất tiết kiệm thông thường cao nhất tại ngân hàng này là 5,8%/năm, tăng 0,4%/năm so với tháng trước.

Hay như tại ACB, với những khoản tiền gửi khoảng 100 tỷ trở lên kỳ hạn 13 tháng, khách hàng được hưởng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất lên tới 7,1%/năm, trong khi cùng kỳ hạn, khách hàng gửi theo hình thức tiết kiệm truyền thống, lĩnh lãi cuối kỳ là 6,3%/năm.

Trên thực tế, theo quan sát của VnBusiness, thông thường trước và sau Tết Nguyên đán các ngân hàng thương mại sẽ tăng lãi suất huy động nhằm hút tiền nhàn rỗi của khách hàng, cùng với đó tung ra chương trình khuyến mại gửi tiền tặng thêm lãi suất.

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm nhằm hút tiền gửi từ khách hàng

Ví dụ, hiện nay VPBank có chương trình Prime Savings, với ưu đãi lãi suất cho các kỳ hạn từ trên 6 tháng: Nhân đôi lãi suất trong tháng đầu tiên và không giới hạn sổ gửi, tiền gửi tối thiểu từ 10 triệu đồng trở lên. Đặc biệt, khách hàng khi gửi tiền tiết kiệm Prime Savings kỳ hạn 12 tháng sẽ được hưởng lãi suất tháng đầu tiên là 12,2 hoặc 12,4%/năm tương ứng với số tiền gửi dưới 300 triệu đồng hoặc từ 300 triệu đồng trở lên.

Hay như Vietinbank cũng cộng thêm mức lãi suất 0,3 – 0,4%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến so với gửi tại quầy và mức lãi suất áp dụng đầu xuân năm mới Nhâm Dần cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước 0,2 – 0,4/năm tùy theo kỳ hạn gửi…

Lãi suất vay sẽ tăng?

Với những diễn biến trên thị trường hiện nay, các doanh nghiệp lo ngại đà tăng của lãi suất huy động cùng với áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng và triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế có thể tạo sức ép lên lãi suất cho vay. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất – kinh doanh đang từng bước hồi phục sau dịch.

Ông Vũ Xuân Nguyên, giám đốc công ty TNHH Xuất khẩu Khôi Nguyên lo lắng: “Hiện nay, doanh nghiệp vừa mới vực dậy sau đại dịch, nếu lãi suất cho vay tăng sẽ gây cản trở cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường có khó khăn nhất định hiện nay”.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia công ty chứng khoán KBSV, mặt bằng lãi suất cho vay được dự báo sẽ duy trì ở mức nền như hiện tại và có thể giảm nhẹ ở một số ngành ưu tiên dưới tác động của gói hỗ trợ cấp bù lãi suất của Chính Phủ (cụ thể Quốc hội thông qua gói chính sách tiền tệ hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỉ đồng cho một số ngành nghề ưu tiên) khi các ngân hàng cũng cần duy trì một mức thu nhập lãi thuần cao (tương ứng NIM duy trì ở mức cao như hiện tại), để có dư địa tăng trích lập dự phòng khi các khoản nợ xấu do giãn cách xã hội dần bộc lộ trong thời gian tới.

Giám đốc một ngân hàng Thương mại cho rằng, mặt bằng lãi suất tiết kiệm có chiều hướng gia tăng sẽ tác động lên chi phí của ngân hàng, nhưng ngân hàng luôn đặt an toàn lên hàng đầu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, nên sẽ khó đẩy lãi vay tăng. Lãi suất cho vay ở mặt bằng thấp thì chi phí tài chính của doanh nghiệp thấp hơn, hoạt động thuận lợi hơn, từ đó khả năng trả nợ cho ngân hàng cũng tốt hơn.

Trong phiên giải trình tại Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Lãi suất là vấn đề doanh nghiệp và đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Ngành ngân hàng cũng coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành”.

Cùng với đó người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định: “Trong xây dựng chương trình phục hồi, Chính phủ đã cân nhắc để đưa ra một số giải pháp, phấn đấu hệ thống tổ chức tín dụng giảm từ 0,5 đến 1 điểm % lãi suất trong 2 năm”.

theo Huyền Anh/vnbusiness

Bài viết cùng chuyên mục