23/04/2020 16:03 | gocnhinonline

Hầu hết báo cáo tài chính năm 2019 của các ngân hàng đều được kiểm toán chấp nhận toàn phần, song vẫn có những trường hợp bị lưu ý về các vấn đề liên quan đến nợ xấu như phân loại nợ, trích lập dự phòng…

Trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 của Ngân hàng Eximbank, Công ty Kiểm toám KPMG đã đưa ra ý kiến nhấn mạnh về việc phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với các khoản cho vay một nhóm khách hàng với số tiền là 746 tỷ đồng được đảm bảo bằng tài sản là cổ phiếu của một ngân hàng khác.

Eximbank trầy trật đòi khoản nợ 746 tỷ đồng của 7 khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank suốt từ năm 2016 đến nay. Ảnh: ST

Cụ thể, trong 973 tỷ đồng nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn – thuộc nhóm nợ xấu) của Eximbank có 746 tỷ đồng dư nợ gốc của các khoản cho vay 7 khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank và dự phòng tương ứng là 43 tỷ đồng được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo công văn 942/NHNN-TTGSNH ban hành ngày 1/12/2016 cho đến khi NHNN phê duyệt đề án cơ cấu lại sau sáp nhập của Sacombank và xử lý các khoản nợ liên quan. Vào ngày 22/5/2017, NHNN đã phê duyệt đề án cơ cấu lại sau sáp nhập nêu trên. Nhưng đến ngày lập báo cáo tài chính này, Exmbank vẫn chưa nhận được hướng dẫn nào khác của NHNN về việc phân loại và trích lập dự phòng đối với các khoản cho vay này.

Trong năm 2016, Eximbank đã khởi kiện toàn bộ 7 khách hàng này để thu hồi nợ. Tới ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất này, các vụ kiện liên quan đến 5 trong số 7 khách hàng với dư nợ gốc là 500 tỷ đồng đã có bản án với phán quyết phải trả cho ngân hàng tổng số tiền gốc và lãi là 711,7 tỷ đồng. Trong trường hợp các khách hàng này không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ thì Eximbank được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi tài sản để đảm bảo thu hồi nợ.

Đối với 2 khách hàng còn lại với dư nợ gốc là 246 tỷ đồng, Eximbank đang chờ tòa án hoàn tất các thủ tục tố tụng để đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Cũng liên quan tới cổ phiếu Sacombank, Công ty Kiểm toán và Tư vấn A&C lưu ý Ngân hàng Kienlongbank về việc phân loại nợ và xử lý các khoản cho vay và lãi dự thu liên quan đến một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác.

Cụ thể, trong số dư nợ đủ tiêu chuẩn tại ngày 31/12/2019 có 1.895 tỷ đồng dư nợ các khoản vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank. Các khoản cho vay này đã được gia hạn thời gian trả nợ gốc và lãi ít nhất một lần. Hiện Kienlongbank đang phân loại nợ các khoản vay này là nợ nhóm 1 – nợ đủ tiêu chuẩn theo Quyết định 2595 của NHNN và các công văn khác có liên quan của NHNN.

Ngoài ra, trong số dư nợ đủ tiêu chuẩn tại ngày 31/12/2019 còn gồm 132 tỷ đồng dư nợ cho vay các khách hàng với mục đích phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như trước khi cơ cấu một lần theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Thông tư 10/2015/TT-NHNN hướng dẫn thưc hiện một số nội dung của Nghị định 55.

Khoản cho vay của ngân hàng Nam Á đối với ba quỹ tín dụng nhân dân bị kiểm soát đặc biệt theo chủ trương của NHNN với số tiền là 208,6 tỷ đồng tại ngày 31/12/2019 (tại thời điểm 31/12/2018 là 49,4 tỷ đồng) là nợ đủ tiêu chuẩn trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể từ NHNN cũng được Công ty kiểm toán KPMG đề cập tới.

Link G:https://haiquanonline.com.vn/mot-so-ngan-hang-bi-kiem-toan-nhac-nho-ve-no-xau-125269.html

theo Khải Kỳ (HQ Online)

Bài viết cùng chuyên mục