Ehang trở thành công ty đầu tiên trên thế giới được cấp giấy phép thương mại thử nghiệm máy bay chở khách không người lái.
Máy bay không người lái (hay gọi là drone) thường là những loại hình robot nhỏ có thể điều khiển từ xa hoặc hoạt động theo lộ trình cài đặt sẵn. Loại máy bay này đang ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây.
Ehang được thành lập năm 2014 tại Quảng Châu, Trung Quốc. Đây là công ty sản xuất máy bay không người lái Ehang 216 vận chuyển hàng hoá với trọng lượng nặng hơn 150 kg đầu tiên trên thế giới.
Trước đó, máy bay Ehang 216 chạy pin từng được giới thiệu tại thành phố Vienna, Úc vào tháng 4 năm ngoái. Thiết bị bay không người lái này có thể chở theo hai hành khách, hoạt động trong bán kính 30km với vận tốc lên đến 130km/h.
Trong một tuyên bố gần đây, công ty cho biết Cục hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) đã cấp giấy phép thương mại thử nghiệm Ehang 216.
Với sự cho phép này của CAAc, công ty có thể thử nghiệm máy bay không người lái chở khách này để chuyên chở hàng hoá tới các đỉnh đồi hay các hòn đảo thuộc thành phố Thái Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ehang dự định sẽ dần dần mở rộng thử nghiệm tại các khu vực khác của Trung Quốc khi có đủ dữ liệu và kinh nghiệm hoạt động.
Trước đó, những gã khổng lồ công nghệ thương mại điện tử như Amazon và JD.com đã thử nghiệm máy không người lái này giao hàng để tránh tiếp xúc giữa người với người trong mùa dịch Covid-19, hay hãng Wing, công ty con của Google cũng đã sử dụng drone để vận chuyển giấy vệ sinh và dược phẩm cho người dùng bị phong toả ở bang Virgina của Mỹ.
Tuy nhiên những thiết bị vận chuyển này có kích thước nhỏ hơn nhiều so với chiếc Ehang 216 cũng như không có khả năng vận chuyển hành khách hay trọng tải nặng.
Nhà sáng lập kiêm chủ tịch của Ehang, ông Hu Huazhi cho biết sự cấp phép của CAAC có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy nhanh quá trình thương mại công nghệ vận tải không ngưới lái và các giải pháp di chuyển bằng đường hàng không. Trong khi đó, phó quản trị viên của CAAC cho biết máy bay không người lái chở khách có thể là một giải pháp an toàn và hiệu quả trong vận chuyển hàng hoá.
Theo báo cáo của Morgan Stanley vào năm 2018, quy mô thị trường toàn cầu cho lĩnh vực hàng không – hay gọi là eVTOL, có thể đạt gần 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2040, trong đó Trung Quốc chiếm gần 30% thị phần toàn cầu.
Theo Ngô Hiếu/SHTT