27/12/2021 10:30 | gocnhinonline

GNO- Bộ đôi sản phẩm Vương Phi không chỉ quảng cáo sai công dụng mà còn có nhân viên tự nhận là bác sỹ tư vấn, khám bệnh qua điện thoại, chốt đơn và lừa khách hàng sản phẩm này là thuốc điều trị.

Chưa bao giờ buôn bán thực phẩm chức năng lại “hót” như hiện nay, để bán được hàng ngoài sử dụng các chiêu trò quảng cáo thì hình thức gọi điện thoại tư vấn cho người tiêu dùng cũng diễn ra rất phổ biến. Hình thức mua bán này đã tạo cơ hội cho tổ chức kinh doanh “qua mặt” cơ quan chức năng để lừa dối người tiêu dùng.

“Công thức” phổ biến được tổ chức kinh doanh áp dụng là quảng cáo sai công dụng thật của sản phẩm để thu hút người dùng để lại thông tin, sau đó sẽ có đội ngũ nhân viên tư vấn nhận là bác sỹ gọi lại chẩn bệnh, dọa bệnh và lên đơn như thuốc chữa bệnh, bất chấp đạo đức kinh doanh để bán sản phẩm.

Điển hình như bộ đôi Vương Phi mà tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã có bài viết phân tích những dấu hiệu sai phạm của sản phẩm này.

Cụ thể, bộ đôi sản phẩm gồm “Viên uống Vương Phi” được cấp phép là TPBVSK và “Tinh chất Vương Phi” cấp phép là mỹ phẩm nhưng cả 2 sản phẩm này lại quảng cáo trên các website có công dụng như thuốc chữa bệnh nám, tàn nhang, nội tiết…

Bộ sản phẩm Vương Phi “qua mặt” cơ quan chức năng, lừa dối người tiêu dùng?

Để kiểm toàn bộ dấu hiệu sai phạm trên, PV trong vai người có nhu cầu chữa bệnh đã để lại số điện thoại và được một người phụ nữ giọng nói rất trẻ gọi điện giới thiệu là bác sỹ – Trung tâm da liễu đông y Việt Nam tiếp nhận thăm khám và điều trị.

Qua vài câu hỏi qua loa như: Em bị nám như thế nào? Tình trạng này diễn ra lâu chưa? Có hoa mắt, chóng mặt hay không? Đã điều trị bao giờ chưa?… Sau đó, dựa vào những thông tin vừa khai thác được, người này hùa theo: “Ừ, đúng rồi, các loại kem bôi hoặc thực phẩm chức năng em đang dùng không thể nào điều trị tận gốc được nên nám bị tái lại là điều chắc chắn em nhé…”

Để khách hàng tin tưởng vào trình độ chuyên môn của mình, “bác sỹ” online tiếp tục lấy hình ảnh da mặt của khách hàng gửi qua điện thoại để tiếp tục quy trình chẩn đoán: “Chị soi rất kỹ da của em rồi, nhưng nám của em là nám chân sâu. Các sản phẩm em đã dùng thì chỉ mờ nám đi thôi, khi dừng sẽ bị nám lại, ngoài ra sản phẩm đó còn chứa chất corticoid nếu dùng lâu da mặt sẽ mỏng và rất khó điều trị…”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nám của PV được chẩn đoán là do thay đổi nội tiết phụ nữ sau sinh. Để giải quyết tình trạng này “bác sỹ” online kê đơn cho PV sử dụng bộ sản phẩm Vương Phi. Theo lời tư vấn, Vương Phi là thuốc y học cổ truyền không chỉ điều trị trực tiếp vào căn nguyên của bệnh mà còn ổn định nội tiết tố. Cơ chế trị nám của sản phẩm này được giới thiệu, viên uống có tác dụng đẩy toàn bộ chân nám lên bề mặt còn tinh chất sẽ làm bong nám sạch sẽ.

Sau khi thấy người bệnh đã tin tưởng tuyệt đối thì “bác sĩ” nhanh chóng xin địa chỉ để gửi bộ đôi điều trị Vương Phi. Theo lời người này, bộ đôi thuốc Vương Phi không chứa chất độc hại nên rất lành tính và không có tác dụng phụ. Đây là sản phẩm độc quyền được gửi từ kho thuốc tới trực tiếp khách hàng. Quá trình sử dụng nám sẽ bong sạch, không tái phát, hiệu quả kèm theo cam kết điều trị dứt điểm lâu dài và không tái phát lại.

“Khi nhận được thuốc em kiểm tra đầy đủ gồm 1 hộp điều trị viên uống và 1 tinh chất bôi chính hãng của trung tâm nhé”, người bán hàng căn dặn PV.

Quả thực, suốt quá trình trao đổi, phóng viên nhận ra tổ chức kinh doanh này rất tinh vi khi phủ rộng quảng cáo dối trá, lại có đội ngũ nhân viên “xuất sắc”, từ khâu tư vấn, kết nối xử lý tính huống để câu kéo khách hàng mua sản phẩm. Vậy bộ đôi điều trị PV nhận được thực chất thế nào sẽ được Chất lượng Việt Nam tiếp tục thông tin ở những bài viết sau. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật ATTP quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật ATTP quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Ngoài ra, các chuyên gia ngành dược cũng khẳng định, TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, phòng ngừa bệnh tật, chứ không thể thay thế thuốc điều trị bệnh. Quy định của pháp luật hiện hành nghiêm cấm các đơn vị quảng cáo TPCN có thể gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc chữa bệnh hoặc dùng từ “chấm dứt”, “chữa khỏi”, “đẩy lùi”, giải quyết dứt khoát”,“điều trị”, “thoát khỏi”,… để nói về tác dụng của TPCN. Nhưng hiện nay, nhiều đơn vị đang cố ý quảng cáo bằng đủ mọi cách khiến người tiêu dùng hiểu nhầm công dụng thật sự của sản phẩm.

theo Minh Phúc/VietQ

Bài viết cùng chuyên mục