02/06/2020 13:11 | gocnhinonline

Nhiều gia đình phải bán đất, bán nhà, vay ngân hàng để trả viện phí, điều này chứng minh chi phí khám chữa bệnh thật sự là gánh nặng với nhiều người…

Đó là chia sẻ của TS Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp trước phát biểu của lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai rằng: “không coi bệnh nhân là con gà béo”, “quyết xóa nạn bòn rút tiền người bệnh”.

Thưa ông, chia sẻ với báo chí mới đây về mô hình bệnh viện tự chủ, lãnh đạo Bệnh viện Bạch khẳng định: “không coi bệnh nhân là con gà béo”, “quyết xóa nạn bòn rút tiền từ người bệnh”. Ông đánh giá thế nào về chia sẻ trên? Từ chia sẻ trên đã cho thấy những vấn đề gì đang tồn tại trong hệ thống y tế công của Việt Nam, thưa ông?

Trước hết, tôi phải khẳng định sự thừa nhận của lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai là rất dũng cảm. “Coi bệnh nhân là con gà béo” để bòn rút tiền của người bệnh là thực tế đã và đang tồn tại trong nhận thức cũng như trong cách hành xử ở một số bệnh viện. Dù chưa có thống kê nào đưa ra một con số cụ thể để nói tình trạng trên có nhiều hay ít nhưng rõ ràng chi phí khám chữa bệnh đã và đang là gánh nặng với nhiều người bệnh, gia đình người bệnh.

Tôi từng nghe nhiều gia đình người bệnh phải bàn chuyện bán đất, bán vườn, bán nhà, bán thóc lấy tiền trang trải chi phí nằm viện.

Đồng ý, khám chữa, bệnh thì phải mất tiền. Và cũng đồng ý, vẫn có rất nhiều các y, bác sĩ vẫn giữ được lời thề Hippocrates, hành nghề theo đúng lương tâm, trách nhiệm, đúng tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế. Đó là những bác sĩ hết lòng vì người bệnh nghèo, là những tấm gương sáng trong phòng, chống dịch Covid-19, là những bác sĩ tuyến đầu ngày đêm làm việc, lặng thầm cống hiến, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nhưng bên cạnh đó cũng có không ít những y, bác sĩ có những hành xử, việc làm trái với lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, vẫn coi bệnh nhân như những “con gà béo” để bòn tiền.

Thực chất, đi khám bệnh viện công hiện tại, dù khám theo chế độ bảo hiểm nhưng số tiền thực chi của người bệnh thì không như vậy. Tại sao lại có chuyện đó, thưa ông?

Có chuyện như vậy là vì vấn nạn phong bao, phong bì, đút lót cho bác sĩ vẫn đang tồn tại. Ở nơi này, nơi khác vẫn có tình trạng vẽ ra đủ loại phí, đủ loại tiền để thu, ép người bệnh phải nộp thêm.

Có hai loại “moi” tiền từ người bệnh phổ biến, một là, lợi dụng chuyên môn, bày vẽ các dịch vụ buộc người bệnh phải đi theo. Với cách thức này, họ đã tự thỏa thuận ngầm với nhau, tiền thu được sẽ ăn chia theo tỉ lệ. Càng có nhiều bệnh nhân được giới thiệu sẽ càng thu được nhiều tiền và số tiền được chia cùng vì thế mà nhiều hơn.

Hai là, gây khó dễ cho người bệnh, buộc người bệnh phải đưa phong bì, đút lót nếu muốn việc khám, chữa bệnh được thuận lợi hoặc phải lựa chọn theo con đường sử dụng dịch vụ, thu tiền nhiều. Hiện tượng này còn gọi là tham nhũng vặt. Hiện tượng trên không hề hiếm trong các bệnh viện công hiện nay.

Việc này khiến người bệnh dù khám theo chế độ bảo hiểm nhưng số tiền thực chi thì không như vậy, vì, vấn nạn phong bao, phong bì đút lót vẫn còn tồn tại nên tổng chi phí người bệnh phải chi cho bác sĩ thậm chí còn lớn hơn rất nhiều so với những chi phí thực người bệnh phải chịu.

Để giải thích cho cách hành xử trên người ta hay lấy lý do là vì lương thấp, bác sĩ vất vả, tuy nhiên, dù có như vậy tôi vẫn cho rằng tuyệt đối không nên vì lương thấp mà có những hành xử thiếu minh bạch.

Thế nhưng, sức hút của đồng tiền quá lớn và từ sức hút của đồng tiền đã làm người thầy thuốc cũng bị cuốn theo, quên luôn cả lời thề Hippocrates.

Gần đây tôi thấy bác sĩ, giáo viên hay bị hành hung, nguyên nhân có một phần xuất phát từ việc thu tiền dịch vụ giá cao nhưng chất lượng dịch vụ nhận lại chưa tương xứng.

Để ngăn chặn hiện tượng trên điều quan trọng nhất là phải chấn chỉnh lại y đức của người thầy thuốc.

Tôi vẫn cho rằng, ngay từ khi đào tạo đã phải thực hiện phân luồng công – tư cụ thể. Đối với diện y, bác sĩ xác định học và theo phục vụ hệ thống y tế công thì phải có cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi ngay từ khi đào tạo cho những đối tượng này. Ví dụ như miễn giảm học phí hoặc những chế độ phù hợp để khuyến khích họ khi ra trường sẽ tiếp tục phục vụ trong môi trường y tế công. Đi cùng với đó là các chế tài ràng buộc hoặc cam kết về thời gian phục vụ trong hệ thống y tế công nhất định.

Ngược lại, với những đối tượng xác định phục vụ khu vực y tế tư thì phải có cơ chế đào tạo và mức thu tương xứng. Khi phân luồng được như vậy quá trình đào tạo, thu phí cũng như khi ra trường hành nghề, các y, bác sĩ khu vực công sẽ ít bị áp lực hơn.

Tiếp đến là tạo điều kiện cho các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ. Nhưng tự chủ phải chống cho được hiện tượng “coi bệnh nhân là con gà béo” hay tình trạng bệnh viện này phủ nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện kia để giảm tải gánh nặng, chi phí cho người bệnh.

Trở lại câu chuyện của Bệnh viện Bạch Mai, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết, kế hoạch vẫn không bỏ giường theo yêu cầu mà tăng tiêu chuẩn, nghĩa là ở đây muốn tách bạch phục vụ đối tượng đại chúng và đối tượng dịch vụ, điều này thì có hợp lý với một bệnh viện công hay không, thưa ông?

Trước hết, tôi phải khẳng định, phát biểu của lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho thấy họ đã nhận thức rất rõ thực tế. Họ cũng đưa ra quyết tâm xóa bỏ vấn nạn trên thì đó là sự dũng cảm, là rất đáng hoan nghênh.

Còn về giường dịch vụ, quan điểm của tôi là tạo điều kiện cho các bệnh viện thực hiện theo cơ chế phân loại điều trị khác nhau. Ai có điều kiện thì lựa chọn dịch khám chữa bệnh chất lượng cao, đóng tiền cao, kể cả khám chữa bệnh cho người nước ngoài để thu phí.

Nhưng tôi rất lưu ý, cho phân loại dịch vụ điều trị không có nghĩa là được lấy của công ra kinh doanh dịch vụ để thu tiền của người bệnh. Hệ thống khám chữa bệnh dịch vụ phải được sử dụng bằng kinh phí, ngân sách tự chủ của bệnh viện (tự thân nuôi mình) để phát triển lên. Không thể lẫn lộn giữa công và tư.

Chuyện này cũng giống như làm BOT vậy, BOT tuyệt đối không làm trên đường độc đạo, những tuyến đường được ngân sách bỏ tiền đầu tư hàng trăm năm rồi nay lại cải tạo rồi thu phí là không thể chấp nhận được. Bệnh viện công cũng vậy, không thể lấy cơ sở hạ tầng đã được ngân sách đầu tư hàng trăm năm qua để phân khu, ngăn tầng kinh doanh, thu phí dịch vụ cao được. Đó là nhận thức sai lệch, người dân không ai chấp nhận cả.

Vậy theo ông, mô hình bệnh viện công nên như thế nào để đảm bảo người dân tiếp cận được dịch vụ y tế tốt?

Ở đây có nhiều vấn đề, nhưng trước hết, muốn phát triển một mô hình bệnh viện công đủ tiêu chuẩn, bảo đảm cho người dân tiếp cận được dịch vụ y tế chất lượng mà không bị trở thành một con gà béo thì ngân sách phải đầu tư đầy đủ về hạ tầng, trang thiết bị y tế; lực lượng thầy thuốc và thuốc men bảo đảm phục vụ cho người dân.

Với một số bệnh viện còn khó khăn, muốn kinh doanh dịch vụ, thu phí cao thì cũng có thể chấp nhận cho sử dụng một phần hạ tầng, ngân sách nhưng phải có cơ chế hoàn lại cho ngân sách, không phải cho không, biếu không. Đặc biệt phải làm rõ cơ chế hoàn trả, tránh tình trạng nhập nhèm mang của công đầu tư riêng rồi tiền lại chạy vào túi riêng, cuối cùng chỉ người dân là thiệt.

Xin cảm ơn ông!

Link G: https://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/lam-sao-de-benh-nhan-khong-la-con-ga-beo-3404051/

Hoài An / Đất Việt
Bài viết cùng chuyên mục