Công ty TNHH Quốc tế Laco có đang coi thường pháp luật khi không chấp hành nghiêm túc quyết định thu hồi sản phẩm Hand Wash Sanitizer Gel được xác định có sai phạm?
“Làm ngơ” trước uyết định thu hồi của cơ quan chức năng
Như Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã đề cập trong các bài viết “Bất chấp ‘lệnh’ thu hồi, Công ty TNHH quốc tế Laco vẫn đưa sản phẩm sai phạm ra thị trường” và “Không thu hồi sản phẩm theo yêu cầu, Công ty TNHH quốc tế Laco còn quảng cáo mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh“, vào ngày 03/03/2020 Sở Y Tế tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 886/SYT-QLHN về việc kiểm tra, thu hồi sản phẩm mỹ phẩm Hand Wash Sanitizer Gel.
Nội dung văn bản nêu rõ, trong thời gian qua có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do Covid-19 để đưa ra thị trường sản phẩm rửa tay không được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm theo quy định, trong đó có sản phẩm Hand Wash Sanitizer Gel. Thông tin trên nhãn ghi số công bố mỹ phẩm: 01/20/CBMP-QN, đơn vị sở hữu và phân phối độc quyền bởi Công ty TNHH Quốc tế Laco có địa chỉ tại số 44, tổ 17 khu GD Văn công Quân Đội, phố Mai Dịch, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Tp. Hà Nội.
Đơn vị sản xuất – Công ty TNHH dược phẩm xanh ĐT có địa chỉ tại Thôn Năm Giai, xã Trường Lương, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đối chiếu với hồ sơ cấp số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm của Sở Y tế Quảng Ninh đến thời điểm hiện tại Sở Y tế không cấp số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm đối với sản phẩm có tên Hand Wash Sanitizer Gel.
Để đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng trong công tác phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế Quảng Ninh đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo Phòng Y tế và các phòng chức năng liên quan kiểm tra, rà soát các sản phẩm sát khuẩn tay đang lưu hành trên địa bàn, đặc biệt là sản phẩm Hand Wash Sanitizer Gel thu hồi và xử lý theo quy định.
Đồng thời, yêu cầu Công ty TNHH Quốc Tế Laco là đơn vị chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm ra thị trường kiểm tra, thu hồi sản phẩm Hand Wash Sanitizer Gel, Công ty TNHH Dược phẩm xanh ĐT rà soát việc kinh doanh, sản xuất đối với sản phẩm Hand Wash Sanitizer Gel.
Mặc dù Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản yêu cầu thu hồi, tuy nhiên, trên thị trường, sản phẩm Hand Wash Sanitizer Gel do Công ty TNHH Quốc Tế Laco chịu trách nhiệm vẫn được phân phối rộng rãi.
Trong vai người tiêu dùng muốn mua sản phẩm Hand Wash Sanitizer Gel, phóng viên đã tìm vào địa chỉ trang Facebook “Rửa tay khô sát khuẩn Laco”. Người quản trị xác nhận đây là trang của Công ty TNHH Quốc tế Laco. Sau khi phóng viên cung cấp số điện thoại, địa chỉ nhận hàng, người quản trị nhanh chóng thuê một shipper (người vận chuyển hàng) đem sản phẩm đến theo địa chỉ đã yêu cầu.
Người đến giao hàng cho phóng viên là một phụ nữ. Người này thu của phóng viên 250 nghìn đồng (trong đó, một sản phẩm gel rửa tay khô Hand Wash Sanitizer Gel có giá 225 nghìn đồn và tiền ship là 25 nghìn đồng). Khi giao hàng, người phụ nữ này cũng tặng thêm cho phóng viên một sản phẩm Hand Wash Sanitizer Gel và nói rằng Công ty TNHH Quốc tế Laco hiện đang có chương trình “mua 1 tặng 1”.
Thêm một điểm đáng chú ý, mặc dù Sở Y tế Quảng Ninh đã ra văn bản yêu cầu thu hồi sản phẩm gel rửa tay Hand Wash Sanitizer từ 03/03/2020 và đến 14/03, các cơ quan chức năng phải có báo cáo kết quả về Sở Y tế Quảng Ninh, tuy nhiên, trong thời gian này, trên trang Facebook “Rửa tay khô sát khuẩn Laco” vẫn phát video bà Hoàng Kim Ngọc – Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Laco cầm trên tay chai gel rửa tay Hand Wash Sanitizer để quảng cáo và hướng dẫn sử dụng sản phẩm. Điều đó cho thấy, công tác thu hồi sản phẩm này là chưa hiệu quả. Thậm chí có thông tin, lãnh đạo Công ty Laco còn dùng sản phẩm không được cấp phép này để trao tặng trong mùa dịch Covid-19.
Thực tế, hơn 1 tháng kể từ khi Sở Y tế Quảng Ninh ra văn bản yêu cầu thu hồi, thì phía Công ty TNHH Quốc tế Laco vẫn đưa sản phẩm này ra thị trường. Để hợp thức hóa sản phẩm, công ty chỉ thay đổi vỏ, trả lại nhãn mác. Theo đúng quy định, công ty phải có báo cáo số lượng sản phẩm thu hồi về Sở Y tế Quảng Ninh, thống kê bao nhiêu sản phẩm không phép đã bán ra thị trường để có biện pháp xử lý, sau đó kiểm nghiệm lại chất lượng sản phẩm có đúng phiếu tiếp nhận công bố ban đầu không, mới xem xét đến việc có tiếp tục lưu hành.
Từ các dấu mốc và bằng chứng nêu trên có thể thấy, Công ty TNHH Quốc tế Laco đang cố tình đánh tráo khái niệm, liên tục thay nhãn mác theo từng giai đoạn nhằm trục lợi và qua mặt cơ quan chức năng.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì lừa dối khách hàng
Luật sư Vũ Văn Biên, Văn phòng Luật sư An Phước cho biết, về mặt bản chất Công ty TNHH Quốc tế Laco đã có hành vi lừa dối khách hàng, có dấu hiệu tội phạm và có thể khởi tố hình sự. Mặt khác, Laco phải có trách nhiệm thu hồi sản phẩm theo đúng yêu cầu của Sở Y tế Quảng Ninh. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ, có hình thức xử lý thật nghiêm minh để răn đe cho các doanh nghiệp khác.
Đồng quan điểm, Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật), cho biết, hiện nay hành vi quảng cáo sai sự thật chiếm tỷ trọng khá cao trong các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm những quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về giá, số lượng, chất lượng, công dụng… hoặc bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng. Trong trường hợp này còn có yếu tố của việc lợi dụng dịch bệnh. Doanh nghiệp vi phạm có thể chịu mức phạt từ 60 – 140 triệu đồng và chịu một hoặc một số mức hình phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ quảng cáo vi phạm hoặc buộc phải cải chính công khai.
Tại Việt Nam, doanh nghiệp có hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do những tác động xấu của quảng cáo đối với người tiêu dùng và các doanh nghiệp khác. Do yêu cầu bồi thường thiệt hại là một quyền được pháp luật thừa nhận nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các chủ thể kinh doanh cũng như người tiêu dùng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được áp dụng đồng thời với các chế tài khác.
Việc quảng cáo sai sự thật có tính chất gian dối ngoài việc bị xử lý hành chính thì chủ thể còn có thể bị xử lý hình sự nếu có tính chất nghiêm trọng. Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về vấn đề này cụ thể như sau:
Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.