09/11/2021 15:46 | gocnhinonline

GNO- Có đến 6 điểm dừng chân “chui”, không giấy phép xây dựng, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất, “mọc” trái quy định dọc Quốc lộ 27C, thuộc huyện miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Hòa.

Các điểm dừng chân bị chỉ ra sai phạm gồm: Điểm dừng chân Ecozone (xã Cầu Bà); Trạm dừng chân Kim Phượng (Liên Sang); Điểm dừng chân Suối Đá Hòn Giao (Sơn Thái); Điểm dừng chân Bến Lội (Sơn Thái); Điểm dừng chân Suối Mơ (Sơn Thái) và Điểm dừng chân Chân Đèo (Sơn Thái).

Điểm dừng chân Ecozone, xã Cầu Bà, Khánh Vĩnh

Trên diện tích 1,8ha đất trồng cây lâu năm, chủ đầu tư khu vực trên đã xin phép Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa trồng cây tre tầm vông. Tuy nhiên, thay vì trồng tre, chủ đầu tư lại “hô biến” thành điểm dừng chân, du lịch với mục đích kinh doanh mang tên Eco Zone Nha Trang – Đà Lạt.

UBND huyện Khánh Vĩnh cho hay, khu đất 1,8ha đất trông cây lâu năm trên có tất cả 14 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 03 chủ đất khác nhau (Ảnh Hoàng Sơn-BXD)

Trong đó, ông Văn Dũng Chinh là chủ sở hữu trên 2.000m2; bà Trần Thị Thu Hiệp sở hữu 1.148m2 và bà Nguyễn Thị Bích Chi sở hữu hơn 23.000m2. Mặc dù biết là đất trồng cây nhưng “chuyện lạ” là đến ngày 01/4/2021, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Khánh Vĩnh lại đi cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số 37F8000628 và cho điểm dừng chân Ecozone đi vào hoạt động. Qua sự việc trên, dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi, có hay không câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” tại điểm dừng chân Eco Zone Nha Trang – Đà Lạt?

Vì sao có thể tồn tại một điểm dừng chân sừng sững xây dựng sai phép trên nền đất trồng cây lâu năm mà suốt thời gian dài chính quyền xã Cầu Bà và huyện Khánh Vĩnh không hề hay biết? Có phải chủ đầu tư điểm dừng chân Eco zone bất chấp, đứng trên pháp luật, hay còn có điều gì khuất tất?.

Tại sao, sau khi bị chính quyền huyện Khánh Vĩnh xử lý nhưng chủ đầu tư vẫn công khai xây dựng thêm một ngôi nhà kiên cố có diện tích khoảng 60m2? (Ảnh Hoàng Sơn-BXD)

Trạm dừng chân Kim Phượng, thôn Bầu Sang, xã Liên Sang

Trạm dừng chân Kim Phượng được xây dựng trên thửa đất có diện tích trên 4.790m2. Trong đó, 3.950m2 là đất thương mại dịch vụ; còn lại trên 740m2 là đất trồng cây hàng năm khác.

Chủ lô đất xây dựng điểm dừng chân trên là bà Nguyễn Thị Kim Phượng và ông Phan Văn Sơn (Ảnh Hoàng Sơn – BXD)

Về môi trường, điểm dừng chân này chỉ có giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản số 1628/UBND ngày 13/10/2014 của UBND huyện Khánh Vĩnh. Theo tìm hiểu, công trình điểm dừng chân Kim Phượng được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2009 với diện tích 950m2. Các hạng mục xây dựng bao gồm: Nhà ở, quán và các hạng mục phụ trợ khác.

Đặc biệt, tất cả công trình xây dựng đều không có giấy phép xây dựng.

Điểm dừng chân Suối Đá Hòn Giao, thôn Bố Lang, xã Sơn Thái

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, vào năm 2007, điểm dừng chân Suối Đá Hòn Giao được xây dựng công trình tạm. Kết cấu công trình gồm: cột kèo, gỗ mái lợp tranh, diện tích khoảng 300m2.

Chủ sở hữu lô đất để xây dựng điểm dừng chân Suối Đá Hòn Giao là bà Phan Thị Mộng Vân và ông Huỳnh Lan Sinh (Ảnh Hoàng Sơn – BXD)

Từ năm 2007 đến năm 2015, điểm dừng chân Suối Đá Hòn Giao đã tổ chức xây dựng thêm nhiều hạng mục kiên cố với diện tích khoảng khoảng 800m2.

Tất cả các hạng mục công trình tại điểm dừng chân này đều không có giấy phép xây dựng

Điểm dừng chân Bến Lội, thôn Bố Lang, xã Sơn Thái

Chủ sở hữu khu đất trên 1.760m2 để xây dựng điểm dừng chân Bến Lội là bà Phan Thị Tú Anh và ông Phan Văn Hà. Dù rất to nhưng điểm dừng chân này chỉ được xây dựng với 70m2 diện tích đất sản xuất kinh doanh. Phần còn lại 1.692m2 là đất trồng cây hàng năm khác.

Năm 2007, công trình điểm dừng chân Bến Lội được xây dựng tạm với kết cấu: cột kèo, gỗ mái lợp tranh, diện tích khoảng 100m2. Hàng năm, bổ sung một số hạng mục. Đến năm 2015, tổng diện tích xây dựng điểm dừng chân trên khoảng 700m2. Mới đây, điểm dừng chân tiếp tục có xây dựng thêm 01 công trình với kết cấu mái lợp tôn, cột kèo sắt khoảng 200m2.

Điểm dừng chân Bến Lội bị kết luận là lấn dòng sông Trang

Tất cả các hạng mục công trình tại điểm dừng chân này đều không có Giấy phép xây dựng.

Điểm dừng chân Suối Mơ, thôn Bố Lang, xã Sơn Thái

Điểm dừng chân Suối Mơ dựng trên khu vực đất có diện tích trên 1.046m2. Trong đó, có 400m2 đất ở nông thôn, còn lại là đất trồng cây lâu năm.

Năm 2005, điểm dừng chân này được xây dựng trên nền diện tích đất khoảng 500m2

Cũng như các điểm dừng chân khác, điểm dừng chân Suối Mơ vẫn không có giấy phép xây dựng.

Điểm dừng chân Chân Đèo, thôn Bố Lang, xã Sơn Thái

Khu đất tổ chức xây dựng điểm dừng chân Chân Đèo có tổng diện tích 3.191m2, trong đó có 120m2 đất ở nông thôn. Còn lại là đất trồng cây hàng năm khác.

Chủ khu đất xây dựng điểm dừng chân trên là bà Lê Thị Thanh và ông Nguyễn Văn Luật

Năm 2009, điểm dừng chân Chân Đèo được xây dựng với kết cấu cột kèo gỗ, mái lợp tranh và nhà ở (kết cấu móng đá chẻ, tường xây gạch mái lợp tôn, diện tích khoảng 100m2). Những công trình tại điểm dừng chân Chân Đèo đều không có giấy phép xây dựng.

Như vậy, điểm chung của các điểm dừng chân dọc quốc lộ 27C đi qua địa bàn huyện miền núi Khánh Vĩnh đều chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và không có giấy phép xây dựng theo quy định.

Riêng điểm dừng chân Eco zone được đầu tư xây dựng trong năm 2020, những hạng mục này không đảm bảo các thủ tục pháp lý theo quy định, hiện đã đình chỉ hoạt động.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, UBND tỉnh Khánh Hòa và Sở Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Khánh Vĩnh kiểm tra, xử lý dứt điểm các sai phạm về trật tự xây dựng do xây dựng không phép, sai phép tại 06 điểm dừng chân dọc Quốc lộ 27C.

theo Công Hưng/BXD

Bài viết cùng chuyên mục