09/06/2020 11:06 | gocnhinonline

Giá đường trắng giao tháng 8/2020 tăng lên 370 USD/tấn, chính vì vậy Tổ chức Đường Quốc tế dự báo nguồn cung đường toàn cầu sẽ thiếu hụt 9,3 triệu tấn trong niên vụ 2019-2020.

Giá đường thô trên sàn giao dịch ICE đóng cửa với bốn phiên tăng liên tiếp trong ngày 2/6 nhờ giá dầu tăng lên và những lo ngại về tình trạng dư cung giảm xuống.

Dự báo nguồn cung đường toàn cầu sẽ thiếu hụt 9,3 triệu tấn trong niên vụ 2019-2020

Giá đường trắng giao tháng 7/2020 đã tăng 0,22 xu Mỹ (2%) lên 11,22 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,454kg) nhờ tâm lý lạc quan khi ngày càng có nhiều nước nới lỏng cách biện pháp phong tỏa để khôi phục các hoạt động kinh tế.

Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự báo nguồn cung đường toàn cầu sẽ thiếu hụt 9,3 triệu tấn trong niên vụ 2019 -2020. Giá đường trắng giao tháng 8/2020 tăng 5,2 USD (1,4%) lên 370 USD/tấn.

Tại thị trường trong nước, ngành mía đường thời gian gần đây chịu sự tác động tiêu cực của khí hậu, giá cả, thị trường… dẫn đến việc sản xuất, kinh doanh giảm sút. Do vậy, ngành mía đường Việt Nam cần có những giải pháp chuyên nghiệp hơn và tập trung vào mục tiêu tăng năng suất cây trồng để giảm thiểu tình trạng nông dân bỏ cây mía, chuyển sang trồng cây trồng khác.

Cụ thể, sau khi xoá hạn ngạch mặt hàng đường từ đầu năm nay, với các doanh nghiệp nội địa, nguồn đường nhập khẩu từ Thái Lan tràn vào Việt Nam vẫn là một nỗi lo lớn. Thực ra nhiều năm nay đường Thái Lan vẫn được xem là đối thủ chính của toàn ngành và các doanh nghiệp mía đường Việt Nam. Thậm chí, một số doanh nghiệp ngành đường và doanh nghiệp chế biến thực phẩm – đồ uống có thể nhập khẩu trực tiếp đường thô giá rẻ từ Thái Lan để luyện đường, hoặc dùng làm nguyên liệu chế biến

Tuy nhiên, mọi dự báo đều có thể thay đổi khi ngay năm đầu tiên Việt Nam xóa hạn ngạch thì sản lượng đường của Thái Lan lại giảm xuống mức thấp nhất trong 9 năm qua do ảnh hưởng của hạn hán.

Trong niên vụ 2019-2020, sản lượng đường Thái Lan dự báo sẽ chỉ đạt 10,5 triệu tấn, giảm 28% so với niên vụ trước. Lượng đường xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2020 dự kiến chỉ đạt từ 6-7 triệu tấn, giảm mạnh so với mức 11 triệu tấn trong niên vụ trước. Mặc dù vậy, trong tương lai, nếu so kè thì nguồn đường Thái Lan vẫn áp đảo, nhất là vùng nguyên liệu mía Việt Nam đem lại mía có năng suất trung bình 65 tấn mía/ha, thấp hơn mức 77 tấn/ha của Thái Lan. Bên cạnh đó, hiệu suất sản xuất đường của Việt Nam không cao. Như trong niên vụ 2017-2018, với Thái Lan, từ 1 tấn mía có thể sản xuất ra 109kg đường, còn ở Việt Nam chỉ đạt 99kg đường.

Ngành mía đường của Việt Nam thời gian gần đây chịu sự tác động tiêu cực của khí hậu, giá cả, thị trường

Mặc khác, như đánh giá của CTCP chứng khoán FPTS, chi phí sản xuất của các DN đường trong nước cao hơn Thái Lan. Chi phí sản xuất đường từ mía của Việt Nam ở mức khoảng từ 13.000 – 15.000 đồng/kg, cao hơn 30% – 40% so với Thái Lan (chỉ mất từ 8.000 – 9.000 đồng/kg đường).

Nguyên nhân chủ yếu do giá mía của Việt Nam cao hơn giá mua mía của Thái Lan từ 60% – 62% và chi phí mía chiếm 75% cơ cấu chi phí sản xuất đường của mỗi nhà máy.

Ngoài ra, công suất trung bình của các nhà máy tại Việt Nam chỉ tương đương với 1/3 công suất trung bình tại Thái Lan mà một trong những nguyên nhân đến từ việc quy hoạch nhà máy đường không hiệu quả trong giai đoạn 1995 – 2000. Điều này dẫn tới hiệu suất sản xuất đường của Việt Nam còn kém, chưa phát huy được khả năng cạnh tranh.

Hằng năm, diện tích trồng mía của nước ta được duy trì hơn 270.000 ha, sản lượng đường trung bình đạt 1,3 đến 1,5 triệu tấn, giải quyết sinh kế cho hơn 350.000 hộ nông dân.

Hiện tại, giá thành sản xuất đường trong nước cao hơn của nhiều nước. Do đó, các bộ, ngành liên quan cần tính toán lại giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu để phát triển ngành mía đường một cách phù hợp với điều kiện hội nhập. Khi thực hiện ATIGA sẽ có những tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mía đường trong nước.

Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp mía đường nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển nếu biết sắp xếp lại và hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đẩy nhanh việc tổ chức lại sản xuất; chú trọng việc sản xuất phải gắn với thị trường.

Theo Hồng Nga/TH&SP

Link G:https://thuonghieusanpham.vn/nien-vu-2019-2020,-du-bao-nguon-cung-duong-toan-cau-se-thieu-hut-9-phay-3-trieu-tan

Bài viết cùng chuyên mục