Với việc áp dụng mô hình gieo mạ khay cấy bằng máy đang được xem là một trong các giải pháp cơ giới hóa giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Có thể thấy, phương pháp này rất thuận tiện trong chăm sóc đảm bảo chống đổ ngã tốt, giúp ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa trên đồng ruộng, giúp giải phóng đất sớm để trồng cây vụ 3. Để đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động ở nông thôn, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác.
Là địa bàn có lợi thế trong sản xuất chuyên canh tập trung, với trên 22.000ha gieo trồng cây nông nghiệp, những năm qua huyện Điện Biên đã tập trung thực hiện áp dụng cơ giới vào sản xuất.
Vụ mùa năm 2018, huyện Điện Biên đã khuyến khích người dân thay đổi phương pháp xuống giống từ gieo sạ sang cấy bằng máy với chính sách hỗ trợ 50% kinh phí mua máy cấy kéo tay; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sử dụng máy, làm mạ và chăm sóc lúa. Từ vụ mùa năm 2018 đến nay, mô hình sử dụng máy cấy lúa kéo tay không động cơ đã được nhân rộng trên địa bàn các xã: Thanh Xương, Thanh Hưng, Thanh An, Thanh Yên, Noong Hẹt với diện tích hơn 150ha. Huyện đã hỗ trợ kinh phí cho người dân mua 31 máy cấy lúa kéo tay; vụ đông xuân 2019 – 2020, có thêm 14 hộ dân đăng ký hỗ trợ mua máy cấy.
Sau 3 vụ sản xuất sử dụng máy cấy đã cho thấy hiệu quả tích cực về môi trường, xã hội, kinh tế so với phương pháp gieo sạ. Sử dụng máy cấy mang lại hiệu quả tối ưu trong xử lý lúa lẫn trên đồng ruộng, giảm tỷ lệ lúa lẫn đến 80 – 90% so với ruộng gieo sạ; giảm 30% lượng giống gieo; thời gian làm đất được kéo dài, ruộng giữ nước lâu 10 – 15 ngày so với ruộng gieo sạ.
Chi phí sản xuất giảm từ 20% – 25%, lãi thuần chênh lệch trên 10 triệu đồng/ha so với ruộng gieo sạ. Để khuyến khích người dân thay đổi cách thức sản xuất từ gieo sạ sang cấy máy, huyện Điện Biên tiếp tục bổ sung mức hỗ trợ đối với máy cấy lúa gắn động cơ là 6 triệu đồng/máy.
Với những kết quả đạt được về kinh tế xã hội, đến nay 12/12 xã ở khu vực lòng chảo huyện Điện Biên đã áp dụng mô hình gieo mạ khay cấy bằng máy. Ông Phạm Tiến Thành – Cán bộ khuyến nông xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên cho biết: Tháng 11 năm 2018, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, xã Thanh Hưng chính thức dồn điền đổi thửa 39ha của đội 1, đội 5, đội 6 và đội 19.
Năm 2020, xã Thanh Hưng triển khai mô hình gieo mạ khay cấy bằng máy với diện tích trên 2ha, giống lúa được sử dụng là Séng Cù, trong quá trình thực hiện so sánh lúa gieo vãi truyền thống và lúa gieo cấy, đặc điểm vượt trội của lúa gieo cấy mật độ ổn định, khả năng quang hợp ánh sáng tốt hơn, từ đó sẽ giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật và số công chi phí giảm nhiều so với gieo truyền thống. Năng suất hiện tại ước tính của năm nay sẽ đạt trên 60 tạ/1ha.
Việc ứng dụng mô hình mạ khay, cấy lúa bằng máy là một bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần tích cực vào thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, như giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm trên đồng ruộng. Từng bước giúp cho nông dân thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới.