22/11/2021 07:17 | gocnhinonline

GNO- Theo thông tin từ Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xung quanh việc minh bạch thu chi và Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn đang bị âm xấp xỉ 1.500 tỷ đồng.

Cụ thể, trong báo cáo phát đi chiều nay 18/11, Bộ Tài chính cho hay số dư quỹ này chỉ còn hơn 824 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ so với quý II và thấp hơn 8.400 tỷ đồng so với số dư đầu năm.

Lãi phát sinh trên số dư quỹ BOG dương trong quý II là 1.844 tỷ đồng, lãi vay phát sinh trên số dư âm là 14 triệu đồng.

Mua bán xăng dầu tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)

Trước đó, số dư quỹ BOG đến hết quý II là 1.122 tỷ đồng, số dư quỹ đến hết quý I là 5.340 tỷ đồng, và số dư tại thời điểm 31/12/2020 là 9.234 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết việc công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư quỹ BOG quý II là thực hiện theo nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Cũng trong văn bản báo cáo gửi Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, tính đến cuối tháng 9, Quỹ Bình ổn giá tại đơn vị này đã âm hơn 210 tỷ đồng. Tính đến ngày 22/10, Quỹ Bình ổn giá tại tập đoàn đã giảm xuống còn âm 192,1 tỷ đồng.

Hiện mức âm quỹ lớn nhất trong số 35 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối thuộc về Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) với mức âm tới 697,6 tỷ đồng. Theo báo cáo về số dư quỹ mới nhất của PVOil cho thấy, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại đơn vị này đã giảm đáng kể nếu so với đầu tháng 9 khi mức âm Quỹ Bình ổn giá xăng dầu lên tới 710,9 tỷ đồng.

Trong số gần 1.480 tỷ đồng bị âm do chi Quỹ Bình ổn giá được ghi nhận, các doanh nghiệp đang phải trích tiền cho mức âm Quỹ lớn bao gồm: Tổng Cty Thương mại, Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (âm hơn 53 tỷ đồng); Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng (âm hơn 64 tỷ đồng); Công ty TNHH Petro Bình Minh (âm 71 tỷ đồng); Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Trường An (âm 89 tỷ đồng); Công ty CP Xăng dầu Tân Nhật Minh (âm 113 tỷ đồng); Công ty TNHH Hải Linh (âm 73 tỷ đồng); Công ty CP Lọc Hoá dầu Nam Việt (âm 24 tỷ đồng); Công ty CP Nhiên liệu Phúc Lâm (âm 21 tỷ đồng)…

Theo báo cáo của cơ quan quản lý, chỉ có 20 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trên cả nước hiện chưa bị âm quỹ tính đến ngày 20/10. Theo tính toán của cơ quan quản lý, nếu bù trừ số âm quỹ và số tiền còn lại của các doanh nghiệp đầu mối, số quỹ còn lại trên cả nước chỉ còn gần 600 tỷ đồng. Việc này đồng nghĩa áp lực điều hành tăng giá xăng dầu mạnh trong các kỳ điều hành tới sẽ rất lớn nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục neo cao như hiện nay. Chỉ cần một vài phiên tăng giá mạnh, nếu không sử dụng các biện pháp điều hành khác như giảm thuế, toàn bộ số Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trên cả nước tích luỹ được từ đầu năm 2021 sẽ không còn, thậm chí bị âm rất lớn.

Trúc Lan (t/h)

Bài viết cùng chuyên mục